Thể thao Việt Nam làm được những gì ở Olympic Paris, so với Olympic Tokyo ra sao?
(Tin thể thao) Đoàn thể thao Việt Nam đã để lại một số dấu ấn tại Olympic Paris 2024, thành tích so với Thế vận hội Tokyo 2020 ra sao?
Kết quả chung cuộc của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris như thế nào?
Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Olympic Paris 2024 tại Pháp với 16 VĐV tranh tài ở 11 bộ môn gồm Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung), Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing), Hoàng Thị Tình (judo), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh), Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing).
Thu Vinh là gương mặt gây tiếc nuối nhất khi cô chỉ xếp hạng 4 Olympic
Dấu ấn lớn nhất và cũng là thành tích cao nhất của TTVN tại Thế vận hội năm nay chính là vị trí hạng 4 Olympic ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
Đáng tiếc dù đã loại hàng loạt những ứng viên nặng ký như nữ xạ thủ người Hungary có 3 chức vô địch World Cup trong năm 2023 là Veronika Major, Sevval Ilayda Tarhan (Thổ Nhĩ Kỳ), Li Xue (Trung Quốc, hạng 10 thế giới) và đặc biệt là nhà vô địch thế giới Jiang Ranxin (Trung Quốc, hạng 3 thế giới)…Thu Vinh vẫn hụt tấm huy chương khi cách người xếp thứ 3 chung cuộc là Manu Bhaker (Ấn Độ) 2,7 điểm sau 6 viên đạn liên tiếp không tốt.
Tiếp đó ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ vốn không phải sở trường và không nhận được sự kỳ vọng cao, Thu Vinh gây bất ngờ khi xếp top 4 trong tổng 40 VĐV tranh tài ở vòng loại để giành vé vào chung kết. Tuy nhiên sau đó, Thu Vinh chỉ xếp hạng 7/8 ở chung kết.
Ánh Nguyệt 2 kỳ Olympic liên tiếp bị loại ở lượt đấu "mũi tên vàng"
Vốn không nhận kỳ vọng có thể giành huy chương, hai tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát phần nào cũng để lại ấn tượng cho khán giả. Với Thùy Linh, cô có chiến thắng rất mãn nhãn trước Tiffany Ho (Úc, hạng 81 thế giới) ở trận ra quân với tỉ số áp đảo 21-6 và 21-3 chỉ sau 30 phút tranh tài. Tuy nhiên sau đó, Thùy Linh thua kịch tính 20-22 và 20-22 trước tay vợt hạng 11 thế giới Beiwen Zhang trong trận tranh vé đi tiếp.
Tương tự, Lê Đức Phát thắng tưng bừng trước Fabian Roth (Đức, hạng 83 thế giới) sau 2 set với cùng tỉ số 21-10 chỉ sau 34 phút ở trận ra quân. Sau đó, tay vợt cao 1m86 thua Prannoy Kumar (Ấn Độ, hạng 13 thế giới) và dừng bước.
Nữ võ sĩ 31 tuổi Hà Thị Linh (boxing) có trận thắng dễ dàng trước Feofaaki Epenisa (Tonga) với tỉ số 5-0, nhưng bị loại khi không thể vượt qua đối thủ quá mạnh Yang Wenlu (Trung Quốc, hạng 4 thế giới) ở vòng tiếp theo.
Hình ảnh ngã ở 3 lần cử giật liên tiếp của Trịnh Văn Vinh được liên tưởng đến sự trắng tay của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ Olympic năm nay
Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) gây tiếc nuối khi bị loại ở vòng knock-out trước Mobina Fallah (Iran, hạng 69 thế giới) sau lượt “mũi tên vàng”. Dù nữ cung thủ của Việt Nam đã bắn 10 điểm nhưng đối thủ lại xuất thần bắn vào hồng tâm.
Trong khi đó, tất cả gương mặt còn lại đều sớm bị loại và hầu như không thể tạo nên bất ngờ trước đẳng cấp cao của đấu trường Olympic. Thất vọng bậc nhất có thể kể đến phần thi cử tạ của Trịnh Văn Vinh. Dù là một trong những gương mặt được kỳ vọng giành huy chương, Văn Vinh với ảnh hưởng của chấn thương đầu gối đã thi hỏng ở cả 3 lần cử giật, qua đó thậm chí còn không được ghi nhận thành tích chung cuộc.
Nhìn toàn giải, đoàn TTVN đã trắng tay, không có tên trong xếp hạng 92 đoàn thể thao giành được huy chương ở Olympic Paris 2024. Trong khi đó, các đoàn khác ở Đông Nam Á gồm Philippines (đứng thứ 38 trên bảng xếp hạng huy chương), Indonesia (hạng 40), Thái Lan (46), Malaysia (82) đã ghi danh trên bảng xếp hạng huy chương.
Kết quả thi đấu của thể thao Việt Nam so với Olympic Tokyo 2020 ra sao?
Tại Olympic Tokyo 2020 diễn ra cuối tháng 7 năm 2021 tại Nhật Bản, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 18 VĐV tranh tài ở 11 nội dung. Đây cũng là giải đấu đoàn TTVN không giành được bất kỳ tấm huy chương nào.
Những dấu ấn mà các VĐV để lại không thể khỏa lấp sự thất vọng về 2 kỳ Olympic liên tiếp trắng tay của TTVN
Thành tích nổi bật nhất tại kỳ Thế vận hội trên đất Nhật Bản của TTVN là việc Quách Thị Lan, nữ VĐV điền kinh duy nhất châu Á lọt vào bán kết cự ly 400m rào nữ và võ sĩ Nguyễn Văn Đương (boxing) lần đầu tiên đưa boxing Việt Nam vào tứ kết tại Olympic sau 30 năm khi đánh bại võ sĩ hạng 9 thế giới Tayfur Aliyev (người Azerbaijan) với tỉ số 3-2.
Thể thao Việt Nam đến Olympic Tokyo 2020 với những VĐV tên tuổi như Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Tiến Minh, Thạch Kim Tuấn, nhưng kết quả thi đấu không tốt.
Hoàng Xuân Vinh đã không thể vượt qua vòng loại 10m súng ngắn hơi nam, nội dung anh từng giành HCV tại kỳ Olympic Rio 2016. Lực sĩ Thạch Kim Tuấn thất bại trong cả 3 lần cử giật, giống như Trịnh Văn Vinh mới đây. Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) dừng bước ở vòng bảng, còn Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) về nhóm cuối ở vòng loại.
Các VĐV thi đấu đầy nỗ lực ở Olympic 2024, nhưng vẫn chưa thể giúp thể thao nước nhà thoát cảnh trắng tay
Có thể thấy, một số VĐV thể thao Việt Nam đã tạo được 1 số dấu ấn so với chính mình ở Thế vận hội. Tuy nhiên, những dấu ấn này không thể khỏa lấp sự thất vọng khi TTVN có 2 kỳ Olympic liên tiếp trắng tay, nhất là khi đoàn thể thao nước nhà luôn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương ở SEA Games.
TPO - Tại trận chung kết cử tạ hạng cân 61 kg dành cho nam ở Olympic Paris 2024, VĐV Trịnh Văn Vinh đã thất bại và thậm chí còn không được xếp hạng.
Nguồn: [Link nguồn]