Thể thao Việt Nam không thể tiếp tục... "ăn xổi"
Dù đã có một kỳ ASIAD không hoàn thành chỉ tiêu (2-3 HCV) nhưng tại Incheon (Hàn Quốc), đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn cho thấy những tín hiệu đáng mừng.
Buồn vui lẫn lộn
Trước khi lên đường sang Hàn Quốc, đoàn TTVN được giao chỉ tiêu 2-3 HCV và đây được coi là chỉ tiêu vừa sức bởi trong thành phần tham dự ASIAD lần này chúng ta có nhiều tên tuổi xuất sắc.
Tuy nhiên, kết thúc ASIAD 17, TTVN chỉ có được duy nhất 1 HCV của Dương Thúy Vi ở môn wushu. Thậm chí, số HCB còn ít hơn so với kỳ ASIAD diễn ra ở Quảng Châu cách đây 4 năm (10 so với 17).
Thành tích không được như mong đợi của đoàn TTVN đến từ việc nhiều cái tên được kỳ vọng cao nhưng không thể đáp ứng. Tiêu biểu nhất là xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh khi anh thất bại ở cả hai nội dung được xem là sở trường nhất của mình là 10m súng ngắn hơi (đang xếp hạng nhất thế giới) và 25m súng ngắn ổ quay (suýt giành HCV ASIAD Quảng Châu 2010).
Kình ngư nam số 1 Việt Nam Hoàng Quý Phước cũng tay trắng rời ASIAD dù hồi đầu năm anh đã “đại náo” giải bơi lội vô địch quốc gia với… 15 HCV.
Tất nhiên, không thể không kể đến thất bại của “nữ hoàng điền kinh” Việt Nam Vũ Thị Hương khi chị thất bại trong cả hai nội dung từng đưa mình đến vinh quang là 100m và 200m.
Xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh
Ngoài ra, sự sa sút của các môn võ vốn được coi là thế mạnh của TTVN ở mỗi kỳ đại hội như karatedo hay taekwondo cũng là nguyên nhân khiến chúng ta không hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.
Tuy vậy, không phải bởi những sự thất bại trên mà bức tranh của TTVN tại ASIAD lần này toàn là màu xám. Chúng ta vẫn có quyền hy vọng, vui mừng khi một loạt những VĐV trẻ thi đấu ấn tượng. Ánh Viên với hai HCĐ ở môn bơi lội, Thạch Kim Tuấn HCB cử tạ.
Nguyễn Hoàng Phương với tấm HCB môn bắn súng, Dương Thúy Vi với HCV ở môn wushu, Quách Thị Lan với tấm HCB ở nội dung chạy 400 m nữ, Bùi Thị Thu Thảo với một HCB ở nội dung nhảy xa, Nguyễn Thị Thật với tấm HCB ở nội dung đua xe đạp đường trường 120 km hay Lừu Thị Duyên với tấm HCĐ ở môn boxing.
Những tấm huy chương kể trên (ngoài HCV của Thúy Vi) đều nằm trong các môn thi đấu Olympic. Điều này chứng tỏ TTVN đang đi đúng hướng và phần nào đã tiệm cận được trình độ châu lục. Đáng mừng hơn, những Ánh Viên, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo, Lừu Thị Duyên hay Nguyễn Thị Thật đều mới chỉ ở độ tuổi mười chín, đôi mươi và trong tương lai nhất định hứa hẹn sẽ mang về vinh quang cho TTVN nếu được đầu tư bài bản.
Vì đâu đến nỗi?
Về việc đoàn TTVN không đạt thành tích như kỳ vọng, ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Olymic Việt Nam cho rằng: “Đấu trường ASIAD tập hợp những VĐV hàng đầu châu lục và thậm chí là hàng đầu thế giới nên nhiều môn được đầu tư bài bản vẫn không nói trước được điều gì. Với những môn chấm điểm theo cảm tính thì ngoài sự xuất sắc của VĐV, chỉ đạo của HLV, để chiến thắng cần có thêm một đội ngũ "vòng ngoài".
Trong khi đó, Vũ Thị Hương khẳng định việc mình đạt được thành tích không cao là do ít được thi đấu cọ xát. “Từ đầu năm, Hương mới thi đấu có hai giải và giải này là thứ ba.
Ngoài ra, Vũ Thị Hương cũng chỉ ra rằng cách đầu tư của TTVN vẫn còn nhiều bất cập. “Hương từng dự ba kỳ ASIAD nhưng các quốc gia khác, VĐV chưa có thành tích, vẫn cho đi thi đấu để cọ xát, dần vươn tới đỉnh cao.
Những VĐV hiện nay đang thi đấu với Hương, trước đây thành tích rất kém. Nhưng họ được đầu tư từ bé và dần phát triển. Còn TTVN chỉ đầu tư cho những VĐV có khả năng tranh chấp huy chương thay vì đầu tư cho những vận động viên tiềm năng”.
Tâm sự của Vũ Thị Hương có lẽ đã phản ánh đúng nhất cách mà TTVN đã và đang làm. Một nền thể thao không thể đi lên nhờ tư tưởng “ăn xổi” mà phải có trình tự, chiến lược rõ ràng.
|
|
|
|