Thể thao Việt Nam 2021: Hướng tới Olympic, tăng tốc SEA Games
(Tin thể thao) Việc hoàn thành chỉ tiêu giành 20 suất tham dự Olympic Tokyo ngày càng trở nên khó khăn đối với thể thao Việt Nam, không khác nhiều so với mục tiêu đăng cai thành công SEA Games 31 trên sân nhà.
Tác hại của đại dịch Covid-19 đối với thế giới trong năm 2020 xem ra không cần phải bàn cãi. Riêng trong lĩnh vực thể thao, vô số sự kiện, giải đấu bị hủy bỏ hoặc dời hoãn đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy tại từng quốc gia cũng như ở cả cấp độ quốc tế.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng chờ tỏa sáng trên đường đua xanh Olympic Tokyo Ảnh: Ngọc Linh
Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn không thể hình dung hậu quả sẽ lớn thế nào nếu hai sự kiện đình đám là vòng chung kết Euro và Olympic Tokyo tiếp tục bị dời hoãn, thậm chí hủy bỏ nếu cuộc chiến chống dịch Covid-19 không thuận lợi như mong muốn.
Băn khoăn, lo lắng
Mặc dù tuyên bố không quá chú trọng đến số lượng VĐV giành quyền tham dự Olympic bởi không phải ai sau khi góp mặt tại đấu trường lớn này cũng đều có thể tranh chấp huy chương nhưng đằng sau những lần tiếp xúc báo chí, người đứng đầu Tổng cục TDTT, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Trần Đức Phấn vẫn không giấu nổi sự băn khoăn, lo lắng.
Đến nay, thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ nắm chắc 5 tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) và Nguyễn Văn Đương (quyền Anh).
Việc Olympic 2020 hoãn lại 1 năm do dịch bệnh tràn lan khiến kế hoạch chuẩn bị của các bộ môn bị xáo trộn nghiêm trọng, phong độ của các VĐV cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Gây xôn xao nhiều nhất trong dư luận suốt thời gian qua chính là cử tạ với những niềm vui và nỗi buồn đan xen.
Được trao tấm HCĐ lẽ ra đã nhận từ Olympic London 8 năm trước, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn cho biết chẳng còn nhiều cảm xúc khi mọi thứ đã quá muộn bởi anh đã chính thức giải nghệ.
Quốc Toàn chẳng buồn, cũng không vui nhưng cử tạ Việt Nam lại đang lo lắng đến tận cùng. Bốn lực sĩ trẻ chỉ trong vòng ít tháng có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm, đồng nghĩa với khả năng cử tạ Việt Nam có thể bị cấm tham dự kỳ Olympic vào tháng 8-2021 ở Nhật Bản.
Khi đó, ai sẽ chịu trách nhiệm về sự thiệt thòi của Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên hay Vương Thị Huyền, những lực sĩ đã và đang ấp ủ hy vọng được đến tranh tài ở Thế vận hội? Nhìn xa hơn, cơ hội của cử tạ sẽ mất đi trong vài năm tới tại SEA Games và những sự kiện quốc tế khác, ảnh hưởng xấu đến cả phong trào tập luyện chỉ mới bùng lên được ít năm.
Hàng loạt giải đấu cấp châu lục và thế giới được tính là vòng loại Olympic với thành tích chính là điểm số có thể giúp VĐV thẳng tiến đến Tokyo sẽ lại được mở ra từ nay đến hết tháng 5-2021. Niềm hy vọng của taekwondo Việt Nam lại được đặt lên vai các nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền, Hồ Thị Kim Ngân (49 kg), Nguyễn Thị Ánh Tuyết (57 kg) hay Bạc Thị Khiêm (57-63 kg)…
Điều tương tự cũng đang được ấp ủ với những gương mặt sáng giá khác ở các bộ môn mũi nhọn: bơi với hai niềm hy vọng Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Thị Ánh Viên; điền kinh có Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan; bắn súng với Hoàng Xuân Vinh, cầu lông với Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh và Vũ Thị Trang…
Tăng tốc từ đầu năm
Phải ráo riết tập luyện để ngoài mục tiêu Olympic 2021 còn là việc chinh phục đấu trường SEA Games 31 trên sân nhà, TTVN buộc phải tăng tốc mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Ba tháng cuối năm 2020, mặc dù tình hình dịch Covid-19 chưa phải đã được kiểm soát một cách tốt nhất, TTVN vẫn có thể hài lòng khi hoàn thành kế hoạch của năm.
Duy trì tập luyện thường xuyên và tổ chức thi đấu hàng loạt giải vô địch quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực chính là điểm sáng của thể thao nước nhà. Khán đài bóng đá đông kín khán giả, sàn đấu các môn thể thao sáng đèn đã thắp lại niềm tin nơi người hâm mộ đối với thể thao, tạo điểm tựa cho thành công trong tương lai.
Cuối tháng 11-2020, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và chủ nhà Việt Nam đã công bố bổ sung 4 môn để hoàn tất chương trình thi đấu của SEA Games 31 với 40 môn, 520 nội dung. Lịch trình của đại hội cũng đã được ấn định từ ngày 21-11 đến 2-12-2021 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận, có sự góp mặt của khoảng 10.000 VĐV, HLV, chuyên gia, quan chức, các bộ phận liên quan.
Tất nhiên, mối bận tâm lớn nhất không chỉ với chủ nhà Việt Nam mà còn cho các đoàn tham dự chính là tình hình dịch Covid-19. Dù Việt Nam cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng nếu diễn biến vẫn phức tạp tại các quốc gia trong khu vực, e cũng rất khó nói trước về việc tổ chức SEA Games 31 sao cho ổn thỏa và thành công!
Trong năm 2021, khi dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến khó lường, đòi hỏi mọi người dân Việt Nam và đương nhiên...
Nguồn: [Link nguồn]