“Thế hệ vàng” vẫn thách thức lớp trẻ
Giải đấu cuối mùa ATP (ATP World Tour Finals) 2014, khởi tranh từ giữa tháng 11 tại London, có sự góp mặt lần đầu tiên của K.Nishikori và M. Raonic - 2 đại diện xứng đáng của làn sóng những ngôi sao trẻ đang từng bước chinh phục các sân đấu trên thế giới. Cả 2 đều vào sâu tại Paris Masters 2014. Vấn đề là bao giờ các tay vợt trẻ này thoát khỏi cái bóng quá lớn của thế hệ đàn anh?
Nishikori đang tạo được sự chú ý rộng rãi khi anh là tay vợt châu Á đầu tiên giành quyền tham dự một trận chung kết Grand Slam (Mỹ mở rộng 2014) cũng như góp mặt lần đầu ở ATP World Tour Finals, nơi quy tụ 8 tay vợt có thành tích tốt nhất toàn mùa.
Raonic cũng thế, khi anh là tay vợt Canada đầu tiên có mặt ở tứ kết rồi bán kết một giải Grand Slam trước khi giành vé đến London dự giải đấu cuối mùa.
Tuy nhiên, ngay cả những thành tích “đầu tiên” khá ấn tượng kể trên cũng không thể khỏa lấp một thực tế: Thế hệ các tay vợt trẻ hiện tại đang giậm chân ở dạng tiềm năng, chỉ đủ sức làm “kẻ phá bĩnh” thay vì vươn tầm trở thành người đi chinh phục, thách thức mọi danh hiệu.
Nishikori, Raonic hay phần nào đó là Dimitrov, Isner, Gulbis - dàn sao trẻ chưa tròn 25 tuổi - lẽ ra đã phải chứng tỏ được năng lực của chính mình từ cách đây vài năm, tương tự thời của thế hệ đàn anh như Federer, Nadal hay Djokovic.
Raonic, tay vợt thế hệ 9X duy nhất, sẽ dự tranh Giải ATP cuối mùa nhờ thành tích tốt trong mùa này
Đừng quên, Nishikori chỉ kém Nadal đúng 4 tuổi nhưng thành tích tốt nhất của anh chỉ là vào đến chung kết một giải Grand Slam (Mỹ mở rộng 2014), trong khi tay vợt người Tây Ban Nha năm 19 tuổi đã vô địch Pháp mở rộng rồi hoàn tất Grand Slam vàng sự nghiệp (4 danh hiệu vô địch Úc, Pháp, Wimbledon và Mỹ mở rộng, kèm theo HCV Olympic) khi mới 24 tuổi!
Raonic là tay vợt thế hệ 9X duy nhất có mặt trong cuộc chơi lớn cuối mùa của 8 anh hào thế giới. Thành tích tốt nhất của chàng trai Canada gốc Montenegro này là 2 danh hiệu Masters 1.000 (điểm thưởng) nhưng chưa bao giờ vào nổi một trận chung kết Grand Slam.
Tính ra, Raonic còn kém xa Federer thời tuổi trẻ khi tay vợt Thụy Sĩ ở tuổi 22 đã giành được 2 danh hiệu lớn tại Wimbledon và ATP cuối mùa trong cùng năm. Năm 28 tuổi, “Tàu tốc hành” đã hoàn tất 4 danh hiệu Grand Slam, đồng thời trở thành kỷ lục gia về số tuần lễ giữ ngôi vị số 1 thế giới cũng như số danh hiệu Grand Slam.
Mọi sự so sánh sẽ là khập khiễng nếu nhìn vào thời đại mà họ trải qua. Trong khi những Federer, Nadal hay Djokovic từng bước chinh phục làng banh nỉ thế giới nhờ tài năng và sự khổ luyện thì dàn sao trẻ hiện tại đang được thụ hưởng nhiều từ hệ thống thi đấu, cứ tham dự có thành tích là thăng tiến, có điểm số để tích lũy bởi tất cả đều không có gì để mất.
Thời của Federer và Nadal là sự vô đối trên đấu trường: Với Federer là những trận đấu “tốc chiến tốc thắng” đến độ anh được gắn cho biệt danh “tàu tốc hành”; còn Nadal là sự bất khả chiến bại trên mặt sân đất nện sở trường, vốn là thế mạnh của các tay vợt Tây Ban Nha…
Còn hiện tại, vừa tỏa sáng ở giải đấu này, các ngôi sao trẻ lập tức mất tăm ở giải đấu kế tiếp, như hệ lụy của một sự mất ổn định về phong độ. Về điều này, cứ xem Del Potro, Andy Murray, Stan Wawrinka và mới nhất là M.Cilic sẽ rõ. Chính 4 nhà vô địch Grand Slam này còn chưa thoát nổi cái vòng luẩn quẩn như đã nhắc ở trên.
Vì thế, người hâm mộ cứ mãi mong chờ một sao mai thực thụ trên vòm trời làng banh nỉ tỏa sáng, duy trì thành tích, đồng thời vươn lên hàng ngũ các tên tuổi lớn nhất mọi thời đại.