Thế hệ Federer, Nadal 2.0
Chín năm trước là lần cuối cùng (tính tới trước năm 2012) có bốn tay vợt nam vô địch Grand Slam trong cùng một năm, để rồi từ đó làng quần vợt thế giới tìm thấy một thế hệ Vàng.
Chín năm vẫn khác
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc bốn giải Grand Slam trong năm 2012 thuộc về bốn người khác nhau, có sản sinh ra một thế hệ các tay vợt tầm cỡ?
Trước khi trả lời, chúng ta hãy nhìn vào danh sách các nhà vô địch của hai thời điểm.
Đầu tiên là câu chuyện của năm 2003. Andre Agassi vô địch Australian Open nhưng không thể có mặt trong ba trận chung kết Grand Slam còn lại. Juan Carlos Ferrero sau khi lên ngôi ở Roland Garros đã có cơ hội giành Grand Slam thứ hai nhưng không thể giải mã được những cú giao bóng sấm sét của Andy Roddick trong trận chung kết US Open. Và Federer là người vô địch Wimbledon như một sự khẳng định anh sinh ra là để thống trị giải đấu này.
4 nhà vô địch Grand Slam năm 2012
Và bốn nhà vô địch Grand Slam 2012 đều nằm trong top 4 trên bảng xếp hạng ATP, Djokovic, Nadal, Federer và Murray (xếp theo thứ tự lên ngôi trong năm).
Từ những cái tên nói trên có lẽ đã giúp cho chúng ta có một phần nào đó của câu trả lời.
Chín năm trước tỉ lệ thế hệ cũ/mới là 1/3. Agassi vô địch Australian Open ở độ tuổi xế chiều của sự nghiệp. Trong khi đó ba nhà vô địch còn lại đều là những người thuộc thế hệ 8x (sinh trong những năm đầu 1980), vừa bước qua tuổi đôi mươi.
Họ cùng với Lleyton Hewitt, nhà vô địch Grand Slam trước đó hai năm cũng thuộc thế hệ 8x, được đánh giá có những phẩm chất thiên phú và bản lĩnh thi đấu của những nhà vô địch thực thụ.
Họ thâu tóm hầu hết các danh hiệu cá nhân mà ATP dành để phong tặng những người xuất sắc nhất. Federer là người giành nhiều danh hiệu nhất trong năm với bảy chiếc cúp. Anh cũng là người dẫn đầu về số tiền thưởng. Roddick thì là tay vợt giành được nhiều điểm nhất và anh sau đó còn được bầu chọn cho danh hiệu Tay vợt xuất sắc nhất.
Chưa hết. Nadal dù chưa làm nên những chiến tích huy hoàng như các bậc đàn anh, nhưng ở tuổi 17, chàng trai người Tây Ban Nha ấy đã được thừa nhận với danh hiệu Tay vợt mới nổi của năm.
Còn hôm nay, bốn nhà vô địch không chỉ nằm trong nhóm top 4 mà họ còn là những người đã thống trị những vị trí ấy trên bảng xếp hạng nhiều năm qua, và tổng số danh hiệu mà ba trong bốn người giành được trước năm 2012 lên tới 30.
Sau khi họ nghỉ hưu, tennis thế giới sẽ ra sao?
Một sự phân định thuần túy
Nói cách khác, bốn danh hiệu Grand Slam thuộc về bốn người khác nhau trong năm 2012 vẫn chỉ là sự phân chia trong nội bộ những “người giàu”. Nó cho thấy sự thống trị của thế hệ cũ vẫn sẽ tiếp diễn.
Nếu vẫn còn băn khoăn, hãy tính nốt một dữ kiện sau đây: Chẳng có ai ngoài bốn cái tên Federer, Nadal, Djokovic và Murray lọt vào tới các trận chung kết của bốn Grand Slam và Olympic - một giải đấu được coi là giải lớn có vinh quang không khác gì một giải Grand Slam.
Nhưng đã tới lúc phải suy nghĩ rằng nếu không có những gương mặt trẻ, tài năng hay thiên tài xuất hiện, liệu tennis thế giới có rơi vào một đà suy thoái?
Không hề sớm. Dù cho thấy anh vẫn đủ khả năng để giành Grand Slam, vẫn đứng ở vị trí số hai, vẫn cống hiến thứ tennis mê hoặc, nhưng việc Federer cắt số giải đấu anh lên kế hoạch tham dự trong năm 2013 chỉ còn 14 giải, ít hơn ba giải so với năm 2012, là một nỗi lo ngại.
Hãy thử tưởng tượng, thế giới hâm mộ tennis sẽ phải chờ tới bảy tuần, từ Indian Wells cho tới Madrid Masters để được thấy Federer thi đấu quả là một sự tra tấn ghê gớm.
Và tiếp tục, nếu vì một lý do nào đó, hoặc Nadal, hoặc Djokovic không thể thi đấu, liệu tennis có rơi vào tình trạng ngủ Đông giữa mùa Hè?
Ở đâu, thế hệ mới?
Cũng không ai dám chắc, trong những năm tiếp theo nữa, Federer sẽ không tiếp tục cắt giảm số giải đấu cho tới khi anh đột ngột bỏ dở giấc mơ chinh phục HCV Olympic 2016 mà anh đã nói trong phút cao hứng ở London mới đây.
Nếu Nadal không thể bình phục chấn thương gối, một kỷ nguyên tennis được dẫn dắt bởi hai đối thủ - người bạn Djokovic và Murray sẽ là thời kỳ suy thoái nhất của tennis nam kể từ khi ATP ra đời cách nay 40 năm.
Tìm kiếm những tay vợt tiềm năng giờ đây là một thách thức. Người giàu tiềm năng nhất trong số các tay vợt nằm ngoài top 4 trong khoảng hai năm qua lại là một lão tướng, David Ferrer chỉ trẻ hơn Federer đúng một tuổi, và còn chưa từng lọt vào tới chung kết Grand Slam, rồi phải tới hôm nay mới có được một chức vô địch Masters 1000.
Berdych và Tsonga có lẽ không còn phát triển được thêm nữa
Tsonga và Berdych đang là hai trong số những người có tài năng nhất của tennis thế giới trong số những người chưa từng vô địch Grand Slam. Nhưng sau hơn nửa thập kỷ thi đấu đỉnh cao, họ không tiến bộ là bao nhiêu, nếu không muốn nói tụt lùi: Berdych vào chung kết Wimbledon năm 2010, còn Tsonga vào tới trận đấu cuối ở Australian Open cách nay tới hơn bốn năm.
Cũng khó lòng chờ đợi những nhân tố khác. Jerzy Janowicz nổi lên ở Paris Masters nhờ thành tích thắng năm tay vợt nằm trong top đầu thế giới, nhưng giờ lại trở về với thực tại của một tay vợt dù đã 22 tuổi mà vẫn còn chưa hoàn thiện được các kỹ năng.
Lukas Rosol, người quật đổ Nadal ở vòng 2 Wimbledon 2012, giờ hiện nguyên hình là một tay vợt làng nhàng.
Milos Raonic trong giai đoạn đầu chinh phục nhiều người, giờ bắt đầu hết duyên dáng, đã hiểu rằng chỉ nhờ mấy quả giao bóng sẽ là không đủ để cho anh làm nên lịch sử.
Thành ra chỉ nên trông chờ Federer sẽ không sớm theo lối đi của các tay vợt 8x khác như Roddick, Ferrerro là gác vợt. Và cầu mong Nadal nhanh bình phục chấn thương.
Rõ ràng là việc bốn tay vợt khác nhau vô địch Grand Slam không phải là dấu mốc lịch sử như chín năm về trước của làng tennis thế giới.