Thanh Long Võ Đạo hơn 30.000 đệ tử, lấy nhu thắng cương vang danh võ cổ truyền Việt Nam
(Tin thể thao, tin võ thuật) Thanh Long Võ Đạo được xem là môn phái tiêu biểu của võ cổ truyền Việt Nam sử dụng hình tượng con rồng lợi hại vào hệ thống quyền và binh khí.
Vốn tự hào với nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên”, hình tượng con rồng được người Việt Nam đưa rộng rãi vào trong đời sống, văn hóa và cả võ thuật. Là con vật đứng đầu tứ linh, rồng hội tụ đầy đủ yếu tố của một người luyện võ như nhanh, khéo, mạnh…Vì vậy có rất nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam mang hình tượng con rồng làm tiêu biểu. Trong số này, Thanh Long Võ Đạo được xem là tiêu biểu nhất và được xem là tinh hoa của võ Việt.
Hơn 30.000 môn sinh ngày đêm tập luyện trên thế giới
Thanh Long Võ Đạo xuất phát từ dòng võ Tây Sơn Bình Định từ thời vua Quang Trung, được võ sư Lê Kim Hòa sáng lập vào năm 1970. Tuy vẫn dựa theo nền tảng võ Tây Sơn nhưng võ sư Kim Hòa đã có nhiều bước phát triển, mang đến những đòn thế mạnh mẽ, trẻ trung và phong phú hơn. Điển hình như các động tác bay, nhảy, lăn, kết hợp đao kiếm, trước đây còn hạn chế nay được điều chỉnh phù hợp và thiết thực hơn.
HLV Nguyễn Thành Lộc, HCV thế giới 2018 với 12 năm luyện tập bài binh khí Thanh Long Độc Kiếm
Thành lập trong thời kỳ trước đây, các môn sinh Thanh Long Võ Đạo di chuyển thường xuyên ở miền Trung và miền Nam để dạy võ, đưa môn phái phát triển mạnh mẽ. Sau khi nhà nước chính thức cho phép hoạt động các môn võ thuật vào năm 1987, đội ngũ võ sư của Thanh Long Võ Đạo được bầu làm Trưởng ban chuyên môn võ cổ truyền.
Từ đó, việc ban hành hệ thống thi đấu, luật lệ đều được thông qua và duy trì cho đến ngày nay. Có thể nói, Thanh Long Võ Đạo chính là một trong những môn phái đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển vững mạnh của Võ cổ truyền Việt Nam ngày nay.
Những năm 1990, chưởng môn Lê Kim Hòa thường được mời sang các nước như Belarus, Mỹ, Pháp, Angieria… để huấn luyện võ thuật. Nhờ đó, danh tiếng của Thanh Long Võ Đạo tiếp tục có dịp lan tỏa và được đông đảo bè bạn quốc tế đón nhận.
HLV Nìm Quốc Hùng, HCV Liên hoan võ thuật quốc tế 2023, 9 năm luyện tập bài binh khí Thanh Long Đao Phá Trận
“Tính đến hiện tại, Thanh Long Võ Đạo không chỉ phát triển ở Việt Nam mà có hơn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có trường, võ đường lớn của Thanh Long Võ Đạo, quy tụ hơn 30.000 môn sinh ngày đêm theo tập. Riêng tại TP.HCM có hơn 3000 môn sinh cùng rất nhiều trường học có các HLV, võ sư của môn phái đang theo dạy”.
“Chúng tôi rất chú trọng việc rèn luyện cho các HLV, võ sư, làm sao phải vừa có trình độ cao vừa có đạo đức song song với việc đưa võ thuật vào học đường”, ông Lê Kim Hòa, Chưởng môn phái Thanh Long Võ Đạo, Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền TP.HCM chia sẻ.
Hiện tại, “đại bản doanh” của môn phái này đóng đô ở Đình Trường Thọ (Quận Thủ Đức, TP.HCM).
Dùng nhu thắng cương, đa dạng từ quyền pháp đến binh khí
Cũng giống như tên gọi của môn phái, Thanh Long Võ Đạo có đặc trưng là sử dụng cương nhu phối hợp triển khai đúng với hình tượng con rồng. Môn phái sử dụng đến 70% là nhu và 30% là cương. Trong đó, 5 yếu chỉ tập luyện chính là nhanh nhẹn, mềm dẻo, tốc độ, sức mạnh và linh hoạt.
Thanh Long Võ Đạo trọng dùng nhu thắng cương, kết hợp cả sự uyển chuyển lẫn mạnh mẽ
Các đòn thế của Thanh Long Võ Đạo thường sẽ uyển chuyển, nương theo đối thủ để tiếp cận, nhập nội trước khi tung ra một đòn mạnh mẽ, nhắm vào yếu điểm của đối thủ hạ bộ, khớp xương hay vùng đầu. Thậm chí môn phái còn có những đồ hình, trận pháp hướng dẫn cách nhập nội hiệu quả nhất.
Bên cạnh hệ thống quyền pháp, môn phái cũng chú trọng phát triển khí công, đặc biệt là hệ thống bài võ binh khí đa dạng, biến hóa. Trong đó có những bài binh khí về “rồng” nổi tiếng như Thanh long độc kiếm, Thanh long song kiếm, Thanh long đao phá trận, Thanh long thiết xích…
Bài quyền Long Hổ Hội được HLV Nguyễn Hồng Nhung, HCV quốc gia 2023 biểu diễn
Do dựa theo hình tượng con rồng, lúc lên trời, lúc xuống biển, kết hợp cả sức mạnh, sự khéo léo và uyển chuyển, các bài võ của môn phái thường có độ khó rất cao và mất nhiều thể lực và độ dẻo dai để thi triển, đòi hỏi môn sinh phải có sự chăm chỉ khổ luyện thì mới phát huy được hết giá trị.
“Trong quá trình giảng dạy chung cho các môn sinh theo giáo án, giáo trình của môn phái, chúng tôi sẽ lựa chọn những môn sinh có tố chất, phù hợp theo từng bài đặc trưng để giảng dạy chuyên sâu. Chẳng hạn đối với kiếm thì cần các VĐV có thân pháp uyển chuyển, nhẹ nhàng, lên xuống nhiều. Với bài Thanh Long Đao thì cần môn sinh phải có uy lực, phát huy được sức mạnh của bài này”.
“Nhìn chung, các bài võ của Thanh Long Võ Đạo đều có độ khó cao, cần sự phối hợp của nhiều yếu tố, nhanh chậm khác nhau, đòi hỏi môn sinh phải chăm chỉ, tập luyện nhiều mới phát huy hết được sức mạnh của bài võ”, cô Hà Thị Yến Oanh, Võ sư cao cấp, Tổng quản môn phái Thanh Long Võ Đạo, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền TP.HCM chia sẻ.
Võ sư cao cấp Hà Thị Yến Oanh, Tổng quản môn phái Thanh Long Võ Đạo, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền TP.HCM
Với sự chọn lọc kỹ càng cùng hệ thống giảng dạy được chú trọng với giáo trình, giáo án bày bản, Thanh Long Võ Đạo luôn có nhiều môn sinh thi đấu xuất sắc và giành được thành tích cao ở các giải đấu cấp quốc gia lẫn thế giới.
Không chỉ tạo được vị thế riêng và có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các môn phái võ thuật Việt Nam, Thanh Long Võ Đạo đã góp phần nhất định đưa hình ảnh võ thuật Việt Nam đến rộng khắp trên thế giới. Bằng chứng là các giải võ thuật cổ truyền được tổ chức tại Việt Nam đã quy tụ được nhiều nước và đông đảo môn sinh tề tựu về tranh tài.
Nguồn: [Link nguồn]
Áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, câu chuyện về tìm nguồn lực cho thể thao thành tích cao để đạt các mục tiêu trong giai đoạn 2024-2030 vẫn là chủ đề chính trong nhiều cuộc gặp mặt của các liên đoàn thể thao, các nhà quản lý với giới báo chí.