Thần tượng thể thao: Ánh Viên & "giấc mơ Lý Tiểu Long"
Làng thể thao thế giới đã và đang xuất hiện nhiều nhân vật mang tính biểu tượng như Lý Tiểu Long, David Beckham. Trong khi đó ở Việt Nam, việc xây dựng hình mẫu "thần tượng thể thao" lại chưa được quan tâm đúng mực.
Clip VTV nói về Ảnh hưởng của thần tượng thể thao với công chúng
Từ Lý Tiểu Long đến Beckham: Khi "thần tượng" là xu thế chung
Đã 43 năm kể từ ngày huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tầm ảnh hưởng của ông tới nền văn hóa đại chúng vẫn còn vẹn nguyên cho tới ngày nay. Thậm chí có những người còn thay đổi cuộc sống nhờ vào việc thần tượng Lý Tiểu Long, như Abbas Alizada.
Lý Tiểu Long và David Beckham là những hình mẫu "thần tượng" tiêu biểu trong làng thể thế giới
Chàng trai 21 tuổi bất ngờ nổi tiếng chỉ trong một đêm nhờ sự tương đồng đến kinh ngạc với huyền thoại võ thuật. Từ ánh mắt, dáng điệu đến những pha ra đòn đầy dứt khoát đến… tiếng thét đặc trưng đều khiến chúng ta liên tưởng đến minh tinh màn bạc xấu số.
Sinh ra ở vùng quê nghèo đói thuộc thủ đô Kabul (Afghanistan), Abass không có đủ điều kiện kinh tế để chi trả các khoản học phí tại Học viện wushu Kabul nhưng may mắn được một vị võ sư tốt bụng thu nhận. Với tố chất bẩm sinh, cùng sự quyết tâm, Abass đã trở thành nhà vô địch wushu hạng cân 54kg khu vực miền Tây Afghanistan chỉ sau 4 tháng tập luyện.
Hiện tại, "Lý Tiểu Long của Afghanistan", đang được giới trẻ đất nước Hồi giáo này tôn vinh như một thần tượng đương đại, chưa muốn dừng lại ở đó. Anh vẫn miệt mài tập luyện để chờ cơ hội vươn tới "kinh đô điện ảnh" Hollywood.
Bên cạnh Lí Tiểu Long, David Beckham cũng được coi là một trong những hình mẫu "thần tượng" tiêu biểu của làng thế thao thế giới. Thành công trên sân cỏ, viên mãn cùng gia đình, hầu như mọi thanh niên có niềm đam mê bóng đá đều chọn Bekcham làm tấm gương để hướng tới.
Chìa khóa thành công của Lí Tiểu Long và Beckham nằm ở chỗ, cả hai đều có đội ngũ truyền thông hình ảnh cực kì chuyên nghiệp, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn cực lớn từ những người đứng đầu Trung Quốc và Anh.
Trên hết, tầm ảnh hưởng của họ cũng gián tiếp quảng bá cho hình ảnh những đất nước này trên khắp thế giới.
"Thần tượng thể thao" Việt Nam: Chuyện không của riêng Ánh Viên
Có thể thấy, xây dựng hình tượng thể thao là xu hướng đúng đắn, đã được nhiều quốc gia trên giới chú trọng phát triển từ lâu. Trong khi đó ở Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức dù trên thực tế, chúng ta không thiếu những cá nhân đủ tầm vóc, tên tuổi.
Những nhà làm thể thao cần phải chú trọng hơn tới việc phát triển, xây dựng những hình mẫu "thần tượng" như Ánh Viên
SEA Games 28, Nguyễn Thị Ánh Viên từng làm "dậy sóng" làng bơi khu vực với chiến tích giành 10 tấm huy chương các loại (8 HCV, 1 HCB, HCĐ), đồng thời phá 8 kỷ lục SEA Games.
Hàng trăm bài báo, hàng triệu lượt tìm kiếm trên internet, hàng triệu con tim luôn ngóng chờ thông tin về “tiểu tiên cá” từng ngày. Đó chính là hiệu ứng mà ngôi sao 19 tuổi tạo ra nhờ tài năng, sự rèn luyện của mình.
Vấn đề ở chỗ, những gì mà chúng ta biết về Ánh Viên chỉ nhờ vào sự yêu mến từ truyền thông cùng những người yêu mến cô, chứ không phải kết quả của một quá trình truyền thông, quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp.
“Chúng ta có thể gọi Ánh Viên là 'hiện tượng'. Chỉ có điều, sức lan tỏa của hiện tượng ấy còn phụ thuộc nhiều vào truyền thông, vào cách thức quảng bá tới cộng đồng”, chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình tâm sự.
"Những người đứng đầu ngành thể thao cần có trách nhiệm, quan tâm hơn về vấn đề này thay vì để các VĐV tự tìm hướng đi. Mặt khác, bản thân các VĐV cũng phải ý thức mạnh mẽ hơn về vấn đề quảng bá, phát triển hình ảnh bản thân".
Thật vậy, khi Việt Nam đang hướng tới công tác xây dựng hình ảnh "thần tượng thể thao", cần lắm sự cộng hưởng từ các bên liên quan, để những tài năng như Ánh Viên không “chết yểu” và trở thành hiện tượng nhất thời.