Thách thức ngôi vị số 1 điền kinh Việt Nam
Chuyện "người dơi" Nguyễn Tiến Trọng phá kỷ lục nhảy xa Việt Nam được báo chí trong khu vực đặc biệt quan tâm khiến câu chuyện về đội tuyển điền kinh quốc gia dự SEA Games 30 cũng nhẹ nhõm hơn phần nào
Bị dư luận chỉ trích thời gian qua xung quanh việc "xin" hạ chỉ tiêu huy chương của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30, hay mới đây là chuyện "chờ xem lại" việc triệu tập VĐV Nguyễn Thị Huyền vào đội tuyển quốc gia sau thời gian nhà vô địch châu Á và Đông Nam Á này nghỉ sinh nở vẫn thi đấu rất ấn tượng, ông Dương Đức Thủy - Trưởng Bộ môn Điền kinh Tổng cục TDTT - tỏ ra khá băn khoăn thay vì lo lắng.
“Nữ hoàng” Nguyễn Thị Huyền (trước) nóng lòng được trở lại đội tuyển, tranh tài tại SEA Games. Ảnh: ĐÔNG LINH
Việc kỷ lục nhảy xa Việt Nam đạt mốc 7,98 m của Nguyễn Tiến Trọng nhanh chóng xuất hiện trên các kênh truyền thông Đông Nam Á, một lần nữa khẳng định "nhất cử nhất động" của điền kinh Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các đối thủ trong khu vực, không chỉ Thái Lan mà giờ đã có thêm Malaysia, Indonesia và cả Philippines.
Theo ông Thủy, chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải tự "lộ bài", phơi bày mọi mảng miếng chiến thuật, điểm yếu mặt mạnh trước sự săm soi của đối thủ trong bối cảnh điền kinh Việt Nam phải bảo vệ ngôi vị số 1 khu vực giành được cách đây 2 năm.
"Chưa có bất cứ văn bản nào của lãnh đạo ngành yêu cầu chúng tôi phải công bố chỉ tiêu huy chương tại SEA Games 30 nên không thể nói con số này được "xin" hạ xuống! Chịu trách nhiệm về thành tích của điền kinh Việt Nam, chúng tôi phải đưa ra những dự báo và khi đánh giá về đối thủ theo tiêu chí "biết người, biết ta", cần xác định khả năng tranh chấp huy chương đúng với thực tế, tránh bốc lên nói cho oai mà vô tình tạo sức ép cho HLV lẫn VĐV.
Đó là chưa kể chiêu trò của nước chủ nhà Philippines khi tuyên bố cắt giảm các nội dung thế mạnh của Việt Nam để sau đó không lâu, bổ sung trở lại với lý do sức ép của dư luận khu vực" - ông Dương Đức Thủy bày tỏ.
Lường trước mọi vấn đề, ngay từ đầu năm, bộ môn điền kinh đã đề xuất triệu tập tập huấn nhóm VĐV cự ly dài và đi bộ, marathon như Nguyễn Văn Lai, cặp chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc - Nguyễn Thành Ngưng dù có thời điểm các cự ly này không có tên trong chương trình SEA Games. Đó cũng là lý do để nhà tân vô địch 400 m Trần Nhật Hoàng dự kiến sẽ được bổ sung vào đội tuyển quốc gia, còn Nguyễn Thị Huyền còn phải chờ "cân nhắc".
Cần nhớ, Huyền chính là niềm hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 18 cho đến khi cô xin nghỉ chờ sinh con đầu lòng. Vừa trở lại tập luyện chỉ ít tháng, cô liên tiếp "gặt" HCV Giải Điền kinh quốc tế TP HCM và Giải Vô địch Điền kinh quốc gia khi đánh bại mọi đối thủ, kể cả 3/4 tuyển thủ quốc gia từng giành HCĐ Á vận hội 2018 cự ly tiếp sức 4x100 m.
Xung quanh câu chuyện "xin" giảm chỉ tiêu huy chương, ông Dương Đức Thủy cho biết kinh phí đầu tư cho điền kinh Việt Nam bất ngờ sụt giảm trong năm diễn ra SEA Games, dẫn đến chế độ bồi dưỡng, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải thay đổi xoành xoạch. Ông Thủy cũng tỏ ra lo lắng rất nhiều khi thường xuyên phải theo dõi, cập nhật tình hình của các đối thủ trong khu vực.
"Philippines nhập tịch VĐV mạnh về thi đấu, chủ yếu ở các cự ly ngắn nữ (100 m và 200 m), chưa kể Thái Lan và Malaysia cũng có sự chuẩn bị rất tốt ở các cự ly trung bình (800 m và 1.500 m), do vậy sẽ rất khó để điền kinh Việt Nam duy trì được ngôi vị số 1 của kỳ đại hội trước.
Nam VĐV Ngọc Nghĩa gặp chấn thương sau khi phá kỷ lục tại giải vô địch quốc gia.