Tennis sắp bỏ điều luật tồn tại 145 năm, người trong cuộc tranh cãi gay gắt
(Tin tennis) Tennis đang sắp đi tới việc bãi bỏ luật cấm "nhắc bài" giữa các trận đấu.
Đề xuất thay đổi của ATP
Tennis luôn được xem là một môn thể thao khác biệt so với nhiều môn khác, thậm chí giữa các môn đối kháng với nhau. Ngoài khía cạnh văn hóa thi đấu và ứng xử, các tay vợt còn phải tự tìm ra cách để giành chiến thắng, chứ họ không có được quyền nhận sự “nhắc bài” từ huấn luyện viên như trong boxing, MMA và nhiều môn thể thao khác.
"Nhắc bài" sắp được hợp pháp hóa trong các trận tennis
Thế nhưng vào ngày 21/6 vừa qua, luật cấm “nhắc bài” trong tennis tồn tại 145 năm đã lần đầu tiên đứng trước nguy cơ bị bãi bỏ khi ATP lẫn Hiệp hội quần vợt Hoa Kỳ (USTA) công bố các trận đấu sẽ cho phép “nhắc bài” như một quá trình thử nghiệm trong phần còn lại của năm 2022, để đi tới luật mới áp dụng cho 2023.
Việc nhắc bài sẽ được hợp pháp hóa ngay sau Wimbledon 2022, tức US Open 2022 sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tennis việc nhắc bài được cho phép tại một giải Grand Slam.
Tennis luôn là một cuộc chơi căng thẳng, nhưng đề cao hơn bất cứ điều gì khác về khả năng tự giải quyết vấn đề khi thi đấu, khả năng tự mày mò giải pháp để đi tới chiến thắng. Nhưng trong những năm qua tennis ngày càng chứng kiến nhiều vụ nhắc bài lộ liễu xảy ra, tiêu biểu là sự cố Serena Williams ở trận chung kết đơn nữ US Open 2018 và những lùm xùm xoay quanh Stefanos Tsitsipas.
Vấn đề nhắc bài từ trước tới nay đã luôn xoay quanh việc dùng ký hiệu tay lẫn ngôn ngữ nói, và những thay đổi của ATP về việc cho phép nhắc bài trên sân tennis được xoay quanh hai vấn đề này.
Theo đó HLV của các tay vợt phải ngồi gần sân ở hai phía đối diện, và họ chỉ được tự do nhắc bài khi tay vợt của mình đứng bên cùng phần sân với phía ghế ngồi của họ. Những lời nói làm ảnh hưởng trực tiếp tới sự tập trung của đối thủ sẽ bị xem là phạm luật và dẫn tới trừ điểm.
HLV giờ đã có thể nói chuyện với tay vợt của mình khi hai người ở cùng một bên sân
Bên cạnh đó các tay vợt sẽ không được nói chuyện với HLV của mình khi rời sân, nhằm chống lại nạn họ vào toilet hoặc giả vờ đau để được cố vấn, nhưng dùng tay làm ký hiệu thì lúc nào cũng được. Ngoài ra các đoạn đối thoại giữa tay vợt và HLV bị giới hạn xuống chỉ vài từ, một điều không thực sự rõ ràng.
Người ủng hộ biến nhắc bài thành hợp lệ
Việc nhiều tay vợt không tôn trọng luật khiến số còn lại dù tuân thủ luật nhưng cũng cảm thấy tới lúc việc nhắc bài cần được “bình thường hóa”. Cựu tay vợt số 1 thế giới Pam Shriver, người hiện đang làm việc cho kênh ESPN, lập luận như sau: “Đã đến lúc rồi, chúng ta đã thấy việc các trọng tài thực thi luật gặp nhiều khó khăn và trở ngại ra sao, vậy tại sao không biến nhắc bài thành hợp lệ?”.
Nhà báo thể thao người Mỹ Peter Bodo đã có hơn 40 năm tiếp xúc với giới tennis và trong bài viết của ông cho tạp chí Quần vợt của Mỹ về vấn đề này, ông trích lời HLV Brad Stine để đề cập một cách lý giải cho sự ủng hộ luật nhắc bài.
“Các quan chức tennis gặp rất nhiều sức ép trong việc làm thế nào để quảng bá tennis trở nên gần gũi hơn với khán giả. Tôi nghĩ đây là một cách hay để đạt được điều đó mà không xâm phạm vào những nguyên tắc chính của tennis”, HLV Stine nói.
Serena Williams "sửng cồ" với trọng tài ở chung kết US Open 2018, sau khi bị phát hiện được HLV nhắc bài
Thực tế năm 1999 đã có một cuộc thử nghiệm cho phép nhắc bài được xảy ra mỗi set 1 lần ở các trận đấu của ATP, và Andre Agassi nhờ đó đã đoạt 3 chức vô địch dưới sự hướng dẫn của Brad Gilbert, người khi đó đang làm BLV cho ESPN.
Gilbert nói: “Tôi đã ủng hộ việc nhắc bài năm 1999 và 23 năm sau vẫn vậy. Có những điều vẫn khiến tôi không thích nhưng giá trị giải trí, sự kịch tính và sự sáng tạo sẽ khiến trận đấu hay hơn”.
Một điều khác nữa là nếu như ngày xưa thuê các HLV rất đắt đỏ, nay bất cứ tay vợt nào lọt vào top 500 ATP hay WTA cũng có thể có HLV riêng để giúp mình và lợi thế của các tay vợt lớn không còn. Bà Shriver nói: “Nhiều tay vợt thậm chí đã dùng những trò như đi toilet lâu hoặc giả vờ đau để có điều kiện được HLV nhắc bài, và ngày nay không ai là không có HLV”.
Nhiều người phản đối, hãy để các tay vợt tự nghĩ cách thắng
Vậy ý kiến của những người quyết không cho nhắc bài đã được hợp pháp hóa? Cựu tay vợt số 1 thế giới Jim Courier cho rằng việc cho phép nhắc bài sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của các trận đấu chỉ là một ý kiến duy ý chí. “Các trận đấu WTA Tour có cho phép nhắc bài và tôi muốn hỏi có bao nhiêu fan tennis thích xem các trận đấu đó hơn các trận Grand Slam?”, Courier thắc mắc.
Medvedev "mắng" HLV của mình, và vị HLV lặng lẽ rời sân
Trong bài viết của mình, Peter Bodo đặt ra một vấn đề khác: “Các khán giả có lẽ không mấy ai lấy làm thú vị khi nghe các HLV chỉ đạo chiến thuật cho các tay vợt lúc đó mặt bệch ra vì mệt mỏi do thi đấu, và thời gian luôn có hạn khiến những lời nói của HLV đôi lúc không có giá trị mấy. Hơn nữa các HLV dại gì mà nói các chỉ đạo của họ ra khi tất cả đều có thể nghe thấy?”.
Jimmy Arias, cựu tay vợt người Mỹ nay đang làm giám đốc học viện IMG Tennis Academy, cho rằng cái giá trị giải trí mà nhắc bài mang lại chưa chắc đã theo hướng tích cực. “HLV sẽ chắn chắn 100% bị áp lực, tôi biết một số tay vợt hay xả giận lên HLV của mình và khi được nhắc bài sẽ nói lại những câu mang tính xúc phạm, bởi họ vẫn chỉ là nhân viên của các tay vợt. Đôi lúc các HLV trông không khác gì người trông trẻ”, Arias bình luận.
Nick Kyrgios là một trong những người phản đối mạnh mẽ việc nhắc bài nhất mặc dù anh và Tsitsipas chơi thân với nhau. “Hãy để các tay vợt tự nghĩ cách thắng, để chúng ta thấy được ai là người giỏi hơn và xứng đáng hơn. Đó mới là vẻ đẹp của tennis, một môn thể thao đối kháng thực sự”, Kyrgios nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao - Tin tennis) Rafael Nadal vừa trở lại chơi trận sân cỏ đầu tiên kể từ năm 2019. Dù chỉ là một trận đấu biểu diễn, nó cũng là tín hiệu tích cực với những người...