Tennis đỉnh cao và giấc mơ Việt

Cũng là bóng, nhưng không phải bóng da, mà là bóng nỉ. Cũng trên sân, nhưng bên thì cỏ, bên thì đất. Nhưng dù là cuộc đấu của 22 hay chỉ 2 “thằng” đàn ông (hoặc các “cô nương”), thì tính đối kháng, vẻ đẹp của đường bóng và những bất ngờ vẫn luôn là điểm thu hút của bóng đá lẫn tennis.

* Chào! Bạn từng làm việc tại một tờ tạp chí tennis. Mùa giải tennis 2013 vừa chính thức khởi tranh với giải Úc mở rộng. Bạn theo dõi nó chứ?

- Tất nhiên là có rồi. Úc mở rộng là một trong bốn giải đấu quan trọng nhất của tennis thế giới, trong tennis gọi đó là hệ thống Grand Slam. Đó là Úc mở rộng, Pháp mở rộng (Roland Garros), Anh mở rộng (Wimbledon) và Mỹ mở rộng. Nó là cấp độ danh giá nhất của tennis trên tất cả các phương diện: tiền thưởng, số điểm giành được, số đối thủ phải vượt qua, số set đấu tối đa, và thời gian diễn ra giải. Vì thế, người ta đánh giá những tay vợt vĩ đại hay không trong lịch sử trước hết là ở số danh hiệu Grand Slam nói trên mà họ giành được.

* Sao toàn là các nước nói tiếng Anh thế nhỉ, ngoài nước Pháp?

- Đó là lịch sử. Tennis có nguồn gốc từ quý tộc Pháp, sau đó người Anh hiện đại hóa và chuẩn hóa nó. Người Anh mang theo nó cùng với những người thực dân di cư, Mỹ và Úc là hai thuộc địa hàng đầu của họ. Grand Slam không đơn thuần là chuyện về tiền bạc. Nó phải có khán giả, có lịch sử, và có văn hóa tennis. Chỉ bằng tiền như Trung Quốc có thể lôi kéo và tổ chức được giải ở cấp độ Master như tại Thượng Hải, nhưng với thứ văn hóa tennis như văn hóa… bóng đá, khán giả vừa xem vừa nói chuyện điện thoại, la ó hoặc cổ vũ khi các tay vợt chưa kết thúc một pha bóng… thì không bao giờ có cơ hội tổ chức Grand Slam cả. Mà lịch sử của tennis lại thuộc về người Pháp, người Anh và cựu thuộc địa Anh!

* Nhưng để chơi tennis đỉnh cao thì đâu có giới hạn như vậy? Top năm nam thế giới hiện tại chỉ có một người trong nhóm nói tiếng Anh/Pháp. Top năm nữ cũng vậy!

- Thời đại toàn cầu hóa, những ranh giới cũ dần bị phá vỡ. Tennis lại là môn thể thao cá nhân, nên một tài năng tiềm ẩn ở nước này có thể “du học ” tại nước khác và vươn tới đỉnh cao. Hai tay vợt đứng đầu bảng xếp hạng của nữ hiện tại là Maria Sharapova và Victoria Azarenka đều là những người Đông Âu tập luyện tennis ở Mỹ từ rất bé. Số một thế giới nam Novak Djokovic cũng tập luyện ở Đức từ lúc 12 tuổi. Các tay vợt xuất sắc có thể rất nhiều quốc tịch, nhưng những trung tâm đào tạo tennis hàng đầu thế giới thì có rất ít “quốc tịch”, chủ yếu là Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Czech, và gần đây là Tây Ban Nha. Đó đều là những nước phát triển hoặc rất phát triển, và cũng là những cường quốc thể thao ở nhiều môn.

Tennis đỉnh cao và giấc mơ Việt - 1

Giấc mơ vươn xa của tennis Việt

* Tennis từng được coi là môn thể thao quý tộc. Giờ đây phải chăng nó đã bình dân hóa, khi người Việt Nam chơi ngày càng nhiều?

- Nó có xuất thân quý tộc, và là một môn chơi không hề rẻ về chi phí. Giờ đây ngay cả ở Việt Nam cũng có nhiều người đủ điều kiện chơi môn này, nhưng tôi không cho rằng nó đã bình dân hóa. Không chỉ là chuyện chi phí mua vợt, giầy tennis, bóng, thay dây… mà còn là chuyện tập luyện. Để học tương đối bài bản tất cả các cú quả, người học cần có thầy dạy tử tế và học trong ít nhất hai năm. Trong khi chúng ta chưa có các câu lạc bộ tennis, thì thuê thầy dạy mỗi tuần vài tiếng quả là tốn kém. Tiền sân cũng tốn kém, vì giá nhà đất ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh quá đắt đỏ.

Vào giờ cao điểm, một tiếng thuê sân lẫn thầy nuốt mất 400.00-500.000 đồng. Là người đi làm cũng phải là giới trung lưu, chứ nếu là trẻ con thì chỉ có… con đại gia hoặc là con nhà nòi mới dám tập tennis tới hai năm có thầy. Nhưng hai năm cũng chỉ coi như xong bài vỡ lòng! Để thi đấu chuyên nghiệp, một tay vợt cần ít nhất 10 năm tập luyện và thi đấu, nên thực tế trẻ em năm tuổi bắt đầu chơi tennis đã là khá muộn nếu định hướng thi đấu chuyên nghiệp!

* Tennis Việt Nam có Nguyễn Hoàng Thiên đấy, hy vọng được chăng?

- Tennis là môn thể thao của những chuẩn mực kỹ càng và hợp lý hóa tối đa. Bóng đá có những tài năng đường phố thành công, thậm chí thành công lớn. Nhưng tennis thì không có chỗ cho tennis đường phố. Thường ở các nước công nghiệp phát triển, vận động viên dễ đạt tới sự chuẩn mực, chi tiết, và hợp lý hóa đáp ứng được đòi hỏi của môn thể thao này.

Tennis cũng là môn thể thao cá nhân thuần túy. Vận động viên chính là người chịu trách nhiệm duy nhất cho từng cú đánh, từng điểm số mà mình giành được hay trao cho đối thủ, trên một sân đấu khá rộng không dễ gì bao quát. Tennis đề cao sự tự chủ của người chơi tới mức cấm sự can thiệp của huấn luyện viên trong quá trình thi đấu.

Trong các xã hội phương tây thì tính độc lập, sự tự chủ của cá nhân được đề cao và được giáo dục từ rất sớm. Trẻ em Mỹ ba tuổi đã có thể tự chơi thể thao. Trẻ con thành phố của chúng ta thì năm, sáu tuổi vẫn còn được cha mẹ bảo bọc nhiều.

Về môi trường, như vậy các em không được chuẩn bị sự tự chủ để chơi và chiến thắng trong những môn thể thao cá nhân như tennis. Chưa nói tới việc nếu vẫn đi học ở trường thì coi như… nghỉ tập. Tôi không biết nhiều về Hoàng Thiên, chỉ nghe rằng cậu ấy có sang Mỹ tập luyện nhưng ở độ tuổi cũng khá muộn rồi.

* Còn Lý Hoàng Nam thì sao?

- Tôi thích cách cậu ấy tự lo liệu việc dự các giải trẻ quốc tế mới đây ở Nam Mỹ. Đó là dấu hiệu của sự tự chủ, cho thấy chàng trai ấy có bản lĩnh mạnh mẽ dù mới ở tuổi 15. Vì thế có thể chờ đợi Hoàng Nam còn tiếp tục tiến bộ, dù hạn chế ở việc đào tạo trong nước sẽ khiến cậu ấy khó tiến thật xa.

Vì vậy, điều thích hợp hơn là chúng ta trông đợi sự tiến bộ của thế hệ này là nền tảng cho sự tiến bộ của thế hệ kế tiếp, thay vì cứ bị thống trị dài dài bởi một tay vợt như Ôn Tấn Lực, Trần Đức Quỳnh rồi Đỗ Minh Quân như trước giờ, dù họ không có vị thế thậm chí ở Đông Nam Á!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Thể Thao & Văn Hóa)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN