Tan giấc mơ SEA Games

Trước thềm SEA Games 2013, có những VĐV mong được tỏa sáng lần cuối cùng ở sân chơi khu vực. Tuy nhiên, ước mơ của họ đã tan vỡ trong nước mắt do chấn thương...

Đáng tiếc nhất phải kể đến trường hợp của hai cô gái vàng, từng đem lại nhiều HCV cho thể thao nước nhà, đó là nữ hoàng điền kinh cự ly trung bình Trương Thanh Hằng và nhà vô địch cầu mây Á vận hội 15 - 2006 (Doha - Qatar) Nguyễn Bích Thùy. Cả hai đều bị chấn thương nặng ngay trước kỳ SEA Games, được xem nhiều khả năng sẽ là đại hội thể thao khu vực cuối cùng trong cuộc đời họ.

Có thể mất tới 3 HCV

Năm 2013 là một năm đen đủi với Trương Thanh Hằng khi VĐV này gặp tai nạn bị gãy chân, phải bó bột nhiều tháng. Không kịp bình phục để dự SEA Games 27, Thanh Hằng tiếc nuối bởi rất có thể SEA Games này là đại hội thể thao khu vực cuối cùng mà Hằng tham dự. Hai năm nữa, khi đã chạm ngưỡng 30 tuổi, nhiều chuyên gia cho rằng Hằng khó giữ được phong độ để tiếp tục chạy đua với lớp đàn em.

Tan giấc mơ SEA Games - 1

Bị đứt dây chằng chéo trong Giải Vô địch cầu mây thế giới ở Thái Lan, Bích Thùy bỏ lỡ SEA Games cuối cùng trong đời Ảnh: MẠNH DUY

Điều đáng tiếc với điền kinh và thể thao Việt Nam là việc Hằng phải đứng ngoài cuộc SEA Games khiến đoàn mất tới 2 HCV. Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam - nhận định: “Nếu Thanh Hằng có thể thi đấu, điền kinh tự tin đặt mục tiêu 12 HCV bởi trình độ hiện tại của Thanh Hằng vẫn đủ sức lấy 2 HCV cự ly sở trường 800 m và 1.500 m”.

Cầu mây Việt Nam cũng đặt mục tiêu giành 1 HCV ở SEA Games 27, tuy nhiên, Bích Thùy, VĐV giàu kinh nghiệm nhất tuyển nữ, bị chấn thương vào tháng 9 vừa qua tại giải vô địch cầu mây thế giới. HLV Hà Tùng Lập cho biết: “Chấn thương bất ngờ của Thùy khiến chúng tôi phải điều chỉnh nhân sự, kế hoạch giành HCV nội dung đội tuyển cũng rất khó khăn”.

Xót xa nghiệp thể thao

Bước chân vào nghiệp thể thao, việc gặp phải những chấn thương quái ác là một phần của sự nghiệp. Thanh Hằng và Bích Thùy đều từng gặp phải những chấn thương nặng, tuy nhiên, SEA Games 27 là đại hội mà cả hai dồn nhiều tâm huyết. Thanh Hằng nói: “Tôi vẫn đặt mục tiêu dự ASIAD 17-2014 nhưng SEA Games 2015 thì tôi cũng không dám chắc có bảo đảm phong độ hay không”. Bắt đầu tập nhẹ nhưng cô vẫn chưa thể vận động mạnh. Đã dự 4 kỳ SEA Games nên với Hằng, phải ngồi nhà nhìn đồng đội thi đấu là cảm giác không hề dễ chịu.

Khi thấy Bích Thùy, cô gái từng mang về 2 HCV cầu mây ở Á vận hội 15, phải chống nạng, chân nẹp chặt bất động, chúng tôi không khỏi xót xa. Thùy là người cuối cùng trong “thế hệ vàng” của cầu mây Việt Nam còn đang thi đấu. Cô nói: “Ước mơ dự kỳ SEA Games thứ 5 của tôi vậy là không thành. Tôi chỉ ước thi đấu nốt Á vận hội 17-2014 rồi chuyển sang công tác huấn luyện”.

Thiệt thòi đủ đường

Dù nhận được trợ cấp và được miễn phí điều trị từ ngân sách ngành thể thao nhưng các VĐV chấn thương trước các giải đấu lớn không tránh khỏi nỗi buồn. SEA Games chính là cơ hội tốt nhất để họ tích lũy tiền thưởng, lo cho tương lai. VĐV cầu mây Bích Thùy cho biết: “Thu nhập từ lương của VĐV chỉ đủ sống, giành huy chương SEA Games, bọn em mới có thêm tiền thưởng để tích lũy”. Hơn 10 năm làm VĐV, giành cho thể thao Việt Nam vô số huy chương ở các giải quốc tế nhưng đến giờ, cô gái quê Đồng Nai vẫn chỉ có hai bàn tay trắng, chưa kể những hy sinh không tính được về nhan sức, tuổi trẻ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN