Ai, trong số BIG 3 (nhóm 3 tay vợt huyền thoại hàng đầu Federer, Nadal, Djokovic), là nạn nhân lớn nhất của những chấn thương nghiệt ngã?
Federer sẽ bỏ US Open và Roland Garros, dù cho hai giải này sẽ diễn ra trong tháng 9/2020. Và Federer cũng sẽ bỏ ATP Finals vào cuối năm nếu ATP ko xáo trộn kế hoạch.
Cả hai sự vắng mặt này đều dẫn tới nguy cơ, các kỷ lục của anh hoặc không còn là độc tôn, hoặc sẽ bị vượt qua.
Nhưng, chưa chắc cả hai đối thủ của Federer là Nadal và Djokovic sẽ lành lặn để thi thố hết tài năng với một bất trắc nào đó.
Các chấn thương đều đã lấy đi không ít các cơ hội để trở nên vĩ đại hơn nữa từ ba tay vợt này qua suốt các năm tháng trong sự nghiệp của họ.
Nghỉ tới hết năm 2020 là lần thứ hai trong năm nay Federer thông báo về một ca phẫu thuật. Lần trước là nội soi gối hồi tháng Hai. Hậu quả của nó là Federer tuyên bố sẽ lần thứ tư trong năm năm không tham dự Roland Garros.
Lần vừa rồi cũng là đầu gối. Federer không cho biết thêm chi tiết, ngoài công bố kế hoạch thi đấu trong toàn bộ phần còn lại của mùa 2020 của anh sẽ bị gạch bỏ.
Thật khó có thể biết chính xác mức độ nghiêm trọng của các chấn thương này. Federer vẫn đủ khả năng để chơi trận tennis biểu diễn trước Nadal ở sân bóng đá Cape Town trong một sự kiện quyên tiền cho tổ Quỹ từ thiện mang tên chính anh.
Nhưng vẫn coi đây là một dấu hiệu của chu kỳ lão hoá ở Federer ngày một rõ ràng và với tần suất lớn hơn, kể từ khi anh bước qua tuổi 30.
Kể từ 2013 cho tới 2017 là giai đoạn Federer bị chấn thương liên tục. Chấn thương lưng vốn có tiền sử từ khi còn trẻ tới lúc ấy bắt đầu hành hạ nhiều hơn, tới hai lần trong một năm.
Kết quả là Federer cả năm 2013 chỉ giành nổi một giải ATP 500. Tại Wimbledon, Federer có thành tích tồi tệ nhất trong sự nghiệp kể từ khi vô địch lần đầu: Bị loại ngay từ vòng 2 bởi Stakhovsky. Mạch 36 trận tứ kết Grand Slam liên tiếp bị đứt đoạn. Federer lần đầu văng ra khỏi Top 4.
Năm 2016 là một chương đen tối khác. Federer sau khi thua Djokovic ở bán kết Australian Open, dính chấn thương đầu gối, rách gân.
Chấn thương lưng buộc Federer phải rút lui khỏi Madrid, thua Thiem ở vòng 3 Rome Masters và vắng mặt ở Roland Garros: Chuỗi 63 lần tham dự liên tục Grand Slam của Federer dừng lại.
Ở Wimbledon 2016, Federer tái phát chấn thương đầu gối. Và ngay sau thất bại trước Cilic, Federer tuyên bố không tham dự Olympic và US Open.
Đó là năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Federer trắng tay tuyệt đối – không giành nổi danh hiệu nào.
Đó là hai trong số sáu giải Grand Slam mà Federer không tham dự trong tổng số 19 giải đấu theo lịch của quần vợt thế giới tính cho tới cuối 2020.
Những ca chấn thương xảy ra trong một quãng thời gian như trên là trái ngược so với cả một giai đoạn dài Federer lành lặn.
Federer từng được chơi 763 trận đấu liên tục mà không có vấn đề gì về sức khoẻ. Và lần đầu tiên anh phải bỏ một trận đấu trước khi nó diễn ra vì chấn thương là ở Paris Masters 2008, bảy năm sau kể từ khi tham dự các giải lớn. Chấn thương lưng năm ấy cũng không phải là quá tệ. Anh vẫn đủ sức tham dự ATP Finals vào cuối năm.
Nếu như Federer phải tới năm 35 tuổi mới phải lần đầu vắng mặt ở một giải Grand Slam vì chấn thương thì điều đó xảy ra với Djokovic khi anh 30 tuổi: US Open 2017.
Đó cũng là Grand Slam duy nhất cho tới lúc này của Djokovic, kể từ khi ngôi sao người Serbia bắt đầu xuất hiện ở các giải đấu lớn nhất này khi mới 18 tuổi.
51 lần tham dự liên tiếp của Djokovic cũng cho thấy sự dẻo dai hiếm có. Chỉ vắng 1/61 giải Grand Slam là nền tảng lý tưởng cho công cuộc Djokovic chinh phục những danh hiệu cao quý của thế giới banh nỉ.
Nhưng vấn đề của Djokovic lại nằm ở khía cạnh khác. Anh không sớm đạt tới một trạng thái hoàn hảo về thể trạng, là người có số lần bỏ cuộc trong khi trận đấu đang diễn ra nhiều nhất trong số Big 3.
Dừng trận đấu ở set 3 sau khi bị Stan Wawrinka dẫn trước ở US Open 2019 là lần thứ sáu trong lịch sử tham dự Grand Slam của riêng anh. Nó cũng khiến cho Djokovic “hoàn tất” một kỷ lục buồn: Từng bỏ dở trận đấu ở cả bốn giải Grand Slam.
Djokovic bỏ cuộc trận đấu lần đầu tiên khi mới 18 tuổi, ở vòng 2 lúc đang bị Guilermo Coria dẫn trước.
19 tuổi, Djokovic bỏ dở lần thứ hai lúc anh đang bị Nadal dẫn trước sau 2 set ở tứ kết Roland Garros 2006.
20 tuổi, Djokovic bỏ dở trận đấu ở bán kết Wimbledon 2007, cũng trước Nadal, sau khi anh sắp thua set 3 và 2 set đầu mỗi người thắng một set.
22 tuổi, Djokovic xin dừng trận đấu với Roddick ở tứ kết Australian Open sau khi bị dẫn 2-1 sau 3 set.
30 tuổi, Djokovic bỏ dở trận đấu với Berdych ở tứ kết Wimbledon ngay sau khi trận đấu bước qua set 2.
Sáu lần bỏ cuộc ở Grand Slam này nằm trong tổng số 13 lần dừng trận đấu của Djokovic trong cả sự nghiệp (tới nay).
Và việc phần lớn trong số đó xảy ra khi Djokovic còn trẻ, với lý do chủ yếu là hoa mắt, chóng mặt và khó thở cho thấy Djokovic gặp vấn đề về nền tảng nhiều hơn là các rủi ro trong tập luyện và thi đấu. Chấn thương nghiêm trọng nhất mà anh phải giải quyết là chứng viêm khuỷu tay (elbow) năm 2017, và gần đây có thêm chấn thương nhẹ ở vai.
Lịch sử của các ca chấn thương của Nadal sớm hơn so với Djokovic, nhiều hơn cả hai đối thủ của anh cộng lại, và tần suất gần tới mức xảy ra hàng năm.
Nadal chấn thương khuỷu tay năm 17 tuổi, lỡ cơ hội ra mắt ở Roland Garros 2003.
Nadal chấn thương cổ tay năm 18 tuổi buộc tay vợt này chưa thể tới Roland Garros 2004 và cả Wimbledon lẫn Olympic cùng năm.
Chấn thương bàn chân năm 2005 khiến Nadal không thể tới ATP Finals và Australian Open đầu năm sau đó.
Nadal chỉ được chơi hai năm trọn vẹn ở các giải Grand Slam trong 2007 và 2008, rồi chấn thương đầu gối trở nên nghiêm trọng hơn khiến tay vợt người Tây Ban Nha vắng mặt ở Wimbledon 2009.
Chấn thương gối là lý do Nadal đưa ra khi anh bỏ dở trận đấu với Murray ở tứ kết Australian Open 2010, sau khi đã thua hai set đầu và bị dẫn tiếp ở set 3.
Nadal tiếp tục dính chấn thương và không tham dự US Open 2012, Australian Open 2013, US Open 2014, Wimbledon 2016.
Chín giải Grand Slam mà Nadal lên kế hoạch tham dự đã không thể diễn ra. 9/68 giải qua 17 năm này không kể những lần Nadal cho rằng anh dính chấn thương trong lúc thi đấu, nhưng vẫn hoàn tất trận đấu.
Đầu gối bị tổn thương cả hai không phải là nơi duy nhất ngăn cản Nadal. Có cổ tay, có khuỷu tay, có xương bàn chân, có vai, từ khá sớm cho tới sau này khi bước vào ngưỡng 30 tuổi cho thấy Nadal gặp nhiều vấn đề hơn chúng ta vẫn cho rằng nó đơn thuần chỉ là do cường độ vận động, phong cách thi đấu.
Federer không góp mặt ở 6 Grand Slam nhưng chỉ có 3 lần là do chấn thương, còn 3 lần khác ở Roland Garros anh chủ động điều chỉnh.
Và cũng chỉ có sự vắng mặt ở US Open 2016 mới có thể coi như việc anh mất đi 1 cơ hội để cạnh tranh vô địch, bởi US Open diễn ra trên mặt sân cứng, là giải đấu đã mang lại cho anh số danh hiệu nhiều thứ 3 (5 lần) trong tổng số 20 kỷ lục.
Djokovic chỉ bị lấy mất 1 cơ hội cạnh tranh từ sự vắng mặt ở US Open 2017. Nó khiến cho anh không thể có 4 lần liên tiếp vào chung kết giải đấu này sau khi đã thắng ở đây năm 2015 và 2018, và vào chung kết 2016.
8 lần của Nadal có ba lần mà sự vắng mặt của anh có thể đã tác động nghiêm trọng tới cuộc đua tranh trở thành người vĩ đại nhất trong số những người vĩ đại.
Không thể đến Wimbledon 2009 là Nadal không thể làm nên 6 lần liên tiếp ít nhất vào tới chung kết giải đấu này sau khi đã có 3 năm liên tiếp từ 2006 – 2008, từ 2010 -2011.
Vắng ở US Open 2012 là lỡ cơ hội 4 lần liên tục vào tới chung kết giải đấu này sau khi anh đã vô địch 2010, chung kết 2011 và vô địch 2013.
Phải ngồi ở nhà xem Australian Open 2013 làm sứt mẻ cơ hội 3 lần vào chung kết liên tiếp khi năm trước và năm sau đó anh đều đi tới trận đấu cuối.
Những quá khứ khép lại với một điều đã được thừa nhận: Chấn thương là một phần tất yếu của thể thao đỉnh cao. BIG 3, những người tạo ra các giới hạn cho nhau rồi chinh phục nó, phải đối mặt với chấn thương vì thế là điều đương nhiên. Đặc biệt, tennis còn buộc họ trước ngưỡng 30 tuổi phải tham dự hầu hết các giải đấu lớn như một phần trong quy định của ATP khiến cho cuộc chơi trở nên khốc liệt.
Thậm chí là kỳ diệu nếu chúng ta thấy rằng sự bền bỉ của họ cũng là không tưởng. Federer vẫn chưa từng bỏ dở giữa chừng 1 trận đấu nào trong suốt sự nghiệp cho tới nay anh đã chơi 1565 trận – một kỷ lục.
Và sẽ là hoàn hảo, nếu ở phần còn lại của cuộc đua trở thành vĩ đại nhất sau đây, khi tennis trở lại một cách hoàn toàn, nó không lấy đi cơ hội của ai một lần nữa.