Tấm vé không từ trên trời rơi xuống
Khi thể thao Việt Nam đang mòn mỏi chờ từng ngày những tấm vé tham dự Olympic Tokyo tới thì tin vui đã đến từ môn thể dục dụng cụ (TDDC).
Không cần tham dự giải vô địch TDDC châu Á vào tháng 5 này, vận động viên (VĐV) Đinh Phương Thành vẫn giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Chuyện tưởng đơn giản nhưng rõ ràng tấm vé dự Olympic Tokyo của Đinh Phương Thành không phải từ trên trời rơi xuống.
Từ tập cho khỏe…
Từ khi trở thành HLV đến nay, HLV Trương Tuấn Hiền - cũng là Trưởng bộ môn TDDC Hà Nội, HLV đội tuyển quốc gia, cũng không nhiều lần gặp những trường hợp đặc biệt như Đinh Phương Thành. Câu chuyện Đinh Phương Thành đến với TDDC bắt nguồn từ việc cậu bé sinh năm 1995 này thường xuyên ốm vặt. Nhà gần Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội) vốn là nơi tập luyện của đội TDDC trẻ Hà Nội những năm đầu 2000, nên gia đình mới đưa Thành đến tập luyện để bớt ốm vặt. Nhìn cậu bé yếu ớt lúc đó, ít ai nghĩ rằng đó lại là một tài năng TDDC.
Chính ông Trương Tuấn Hiền đã nhìn ra những tố chất phù hợp với môn TDDC của Đinh Phương Thành và mong muốn đưa cậu bé này đi theo con đường VĐV TDDC. Tất nhiên, để làm được điều đó lại cần thuyết phục gia đình cho Đinh Phương Thành theo nghiệp VĐV và khởi đầu là chuyến tập huấn dài hạn ở Trung Quốc.
Đấy bao giờ cũng là bài toán khó với các nhà quản lý bộ môn, HLV mỗi khi phát hiện ra tài năng. “Chúng tôi từng gặp không ít cháu có tố chất trời cho phù hợp với TDDC. Nhưng gia đình không chấp nhận cho các cháu theo con đường VĐV trong đó có đi tập huấn nước ngoài dài hạn nên chúng tôi đành bỏ cơ hội” – ông Trương Tuấn Hiền kể lại.
Đinh Phương Thành giành vé dự Olympic Tokyo đầy xứng đáng.
Sau đó, phải rất mất công thuyết phục, ông Trương Tuấn Hiền và các HLV bộ môn TDDC Hà Nội mới thuyết phục được gia đình cho Đinh Phương Thành theo thể thao thành tích cao và đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc – vốn là một trong những giải pháp thành công của thể thao Hà Nội trong đào tạo các VĐV năng khiếu.
Thế nhưng, khó khăn chưa dứt vì khi sang Trung Quốc, cậu bé Đinh Phương Thành chưa thể thích nghi ngay, đến nỗi HLV phải đưa cậu về Hà Nội chữa bệnh, bồi bổ một thời gian rồi mới quay lại Trung Quốc tập luyện.
Phải qua giai đoạn ban đầu khó khăn đó, cùng sự hy sinh thầm lặng của các HLV – nhất là những người đi theo lứa VĐV trẻ sang Trung Quốc tập huấn, cuối cùng tài năng của Đinh Phương Thành dần nở rộ. 8 năm tập huấn ở Trung Quốc, Phương Thành trở về nước để từ đó, TDDC Hà Nội bớt lo về đội ngũ kế thừa và nhìn thấy hướng tranh chấp HCV quốc gia hay SEA Games cũng như huy chương ở các giải đấu cấp độ cao hơn.
Điều đó đã được giải đáp bằng thành tích ấn tượng của Đinh Phương Thành từ những năm 2010 đến nay ở các sân chơi trong nước, khu vực và châu lục. Như ở SEA Games gần đây nhất là SEA Games 30 vào năm 2019, Phương Thành đoạt 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ. Đáng chú ý, 2 tấm HCV của Phương Thành ở nội dung xà đơn, xà kép tại SEA Games này đều được xem là “quý hơn vàng” khi nhà vô địch thế giới năm 2019 nội dung thể dục tự do Carlos Yulo (Philippines) trước đó tưởng như sẽ thống trị các nội dung thi đấu tại SEA Games 30.
Tại ba kỳ SEA Games gần đây nhất, Phương Thành đều giành HCV. Tại SEA Games 2015, anh đoạt được tấm HCV toàn năng danh giá. Đó cũng là tấm HCV nội dung toàn năng đầu tiên ở nội dung nam của TDDC Việt Nam tại đấu trường SEA Games.
Còn ở đấu trường ASIAD, Đinh Phương Thành cũng để lại dấu ấn với tấm HCĐ nội dung xà kép ở ASIAD 2014. Đấy được xem như tấm huy chương lịch sử của TDDC nam Hà Nội cũng như Việt Nam. Trong khi đó, anh cũng từng lên ngôi ở một số Cúp thế giới.
Dù vậy, Đinh Phương Thành vẫn khát khao được một lần dự Olympic như anh từng tâm sự ngay sau khi giành HCV nội dung xà kép ở SEA Games 30 năm 2019. Trước Olympic Rio 2016, Thành cũng có cơ hội nhưng lại bỏ lỡ.
Đến tấm vé góp mặt ở Olympic Tokyo
Trong cả năm 2019 cũng như năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Đinh Phương Thành đã dồn toàn lực cho mục tiêu giành vé dự Olympic 2020 tại Tokyo. Chỉ người trong cuộc mới hiểu được hết những vất vả của VĐV giàu nghị lực này.
Cơ hội đã đến với Đinh Phương Thành ở giải TĐC thế giới vào tháng 10/2019. Ở đó, Thành đã nỗ lực hết mình để đứng thứ 75 ở vòng loại toàn năng với tổng điểm 77,465, từ sáu nội dung gồm tự do, nhảy ngựa, ngựa tay quay, vòng treo, xà kép và xà đơn. Ở vòng loại này, VĐV khác của Việt Nam là Lê Thanh Tùng đứng thứ 59 với 78,832 điểm. Tuy vậy, Lê Thanh Tùng đã giành suất dự Olympic Tokyo ở nội dung nhảy chống nhờ đứng thứ năm vòng loại nội dung này.
Sau đó, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn kế hoạch tổ chức thi đấu của TDDC thế giới cũng như châu Á. Các giải đấu xét vé dự Olympic Tokyo liên tục bị hoãn trong đó có giải vô địch châu Á – giải đấu xét vé dự Olympic Tokyo, vào tháng 5/2021. Để chuẩn bị cho giải này, Đinh Phương Thành giữ nguyên chế độ tập luyện nghiêm ngặt trong suốt thời gian dài, kể cả trong giai đoạn TP Hà Nội phải thực hiện giãn cách để ngăn ngừa dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, giải đấu này đã bị hủy và Liên đoàn TDDC thế giới đã xét chọn VĐV châu Á dự Olympic Tokyo tới dựa trên kết quả thi đấu toàn năng tại giải vô địch thế giới vào tháng 10/2019. Theo tiêu chí lựa chọn VĐV dự Olympic Tokyo 2020, châu Á có hai suất, lấy từ các VĐV châu Á có thành tích cao ở vòng loại phần thi toàn năng giải vô địch thế giới 2019. Trừ những VĐV đã giành vé hoặc các quốc gia châu Á đã đủ suất tham dự, cuối cùng Đinh Phương Thành trong số 2 VĐV châu Á được trao vé dự Olympic Tokyo 2020.
Như thế, Phương Thành đã giành suất cuối tham dự Olympic Tokyo 2020 cho TDDC Việt Nam, giúp TDDC Việt Nam tiếp tục có 2 vé trực tiếp tham dự Olympic tới.
Thực tế, nếu dự giải vô địch châu Á vào tháng 5 này, chưa chắc Đinh Phương Thành đã giành 1 trong 2 vị trí dẫn đầu phần thi toàn năng để giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Nhưng dù thế nào thì rõ ràng, đó không phải là tấm vé ăn may. Nếu không, đã không có thành tích xếp hạng 75 ở vòng loại phần thi toàn năng tại giải vô địch thế giới của VĐV đang đầu quân cho đội Hà Nội này.
Vấn đề giờ đây của Đinh Phương Thành là cải thiện thành tích, điểm số so với giải vô địch thế giới 2019 tại Olympic Tokyo tới. Để qua đó, khẳng định rằng không đến Olympic để dạo chơi. Bởi rõ ràng, trong làng thể thao Việt Nam, từng đâu đó có tâm lý không giành huy chương Olympic thì tập luyện vừa phải, thi đấu cho có dẫn đến thành tích chỉ thể hiện một phần năng lực bản thân. Ở góc độ khác, điều đó cũng gián tiếp ảnh hưởng đến uy tín của thể thao Việt Nam.
Bởi xét cho cùng, khi đã được góp mặt ở Olympic như mong muốn thì cần tận hưởng tối đa. Và cách tận hưởng chẳng có gì tốt hơn là phô diễn hết năng lực của bản thân. Đấy là điều thực sự cần thiết với những người như Đinh Phương Thành bởi cơ hội lần thứ hai góp mặt ở Olympic của VĐV “giàu ý chí ít ai so được” này - như nhận xét của HLV Trương Tuấn Hiền, sẽ khó lặp lại.
Hơn 1 năm để có tấm vé tiếp theo dự Olympic Ngày 10/3/2020, võ sĩ boxing Nguyễn Văn Đương giành tấm vé thứ 5 dự Olympic Tokyo 2020 cho thể thao Việt Nam. Và ngày 22/4/2021, tấm vé thứ 6 dự Olympic Tokyo 2020 mới đến với thể thao Việt Nam bởi VĐV Đinh Phương Thành. Như thế, thể thao Việt Nam đã mất đến hơn 1 năm, phần lớn do dịch COVID-19 khiến nhiều giải đấu xét vé dự Olympic 2020 bị hoãn, để biết chủ nhân tấm vé thứ 6 dự Olympic 2020. Trước đó, thể thao Việt Nam đã xác định được chủ nhân 5 tấm vé dự Olympic Tokyp 2020 gồm Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Nguyễn Văn Đương (boxing), Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Ánh Nguyệt (bắn cung). Minh Khuê |
Nguồn: [Link nguồn]
Phương án này có thể là "con dao hai lưỡi"...