Taekwondo Việt Nam, vì đâu nên nỗi?

Lần thứ 2 trong vòng 8 năm Taekwondo Việt Nam không thể giành vé dự Olympic sau khi thua trắng tại vòng loại. Điều gì đã xảy ra với môn thể thao trọng điểm, từng là niềm hy vọng giành huy chương lớn nhất của Việt Nam tại Thế vận hội mùa hè?

Thất bại cay đắng

Vòng loại Taekwondo Olympic 2024 khu vực châu Á có 8 hạng cân (4 nam và 4 nữ) thi đấu. Mỗi nước chỉ được đăng ký hai võ sĩ nam và hai võ sĩ nữ. Hai võ sĩ dẫn đầu từng hạng cân sẽ giành quyền đến Paris vào mùa hè năm nay.

Đội tuyển Taekwondo Việt Nam thất bại cay đắng ở vòng loại Olympic 2024.

Đội tuyển Taekwondo Việt Nam thất bại cay đắng ở vòng loại Olympic 2024.

Đội tuyển Taekwondo Việt Nam lựa chọn kỹ càng để đưa ra 4 cái tên có cơ hội sáng nhất. Trong đó, hai võ sĩ nữ Trương Thị Kim Tuyền (hạng cân 49kg) và Bạc Thị Khiêm (67kg) có nhiều hy vọng hơn hai đồng đội nam là Lý Hồng Phúc (68kg) và Nguyễn Hồng Trọng (58kg).

Trương Thị Kim Tuyền từng giành vé dự Olympic Tokyo 2020 và lọt vào đến tứ kết. Trong 3 năm qua, nữ võ sĩ này duy trì phong độ tốt và nhận được sự kỳ vọng rất lớn của giới mộ điệu. Ngay trước vòng loại chính thức, Kim Tuyền có màn khởi động ấn tượng khi giành huy chương bạc tại giải Taekwondo Mỹ mở rộng. Ở trận chung kết, Kim Tuyền chỉ chịu thua hạt giống số 1 của giải là võ sĩ người Mexico, Daniela Paola.

Trong khi đó, Bạc Thị Khiêm cũng ít nhiều được chờ đợi sẽ giành vé đến Paris cho thể thao Việt Nam. Bạc Thị Khiêm vừa giành huy chương bạc giải Taekwondo Canada Mở rộng ở hạng 67kg nữ. Năm ngoái, võ sĩ này xuất sắc đánh bại Kim Jan Di, võ sĩ Hàn Quốc từng giành huy chương đồng thế giới ở ASIAD 19.

Thế nhưng, cả Kim Tuyền và Bạc Thị Khiêm đều thất bại chóng vánh ở vòng loại Olympic 2024. Cần biết rằng, đây là vòng loại duy nhất và các võ sĩ không có cơ hội sửa sai. Niềm hy vọng lớn nhất - Kim Tuyền cũng là người gây thất vọng lớn nhất khi để thua ngay ở vòng đầu tiên trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn là Tachiana Kezhia của Philippines.

Sau đó, đến lượt Bạc Thị Khiêm thất bại đáng tiếc. Ở nội dung 67kg nữ chỉ có tổng cộng 6 võ sĩ tham dự, đồng nghĩa cơ hội vào chung kết và giành vé dự Olympic 2024 lớn hơn nhiều so với các nội dung khác. Bạc Thị Khiêm khởi đầu tốt khi đánh bại võ sĩ Tajikistan Mokhru Khalimova 2-0 (3-0, 2-0) ở trận mở màn. Cô chỉ cần vượt qua Ozoda Sobirjonova là chính thức giành vé.

Ông Trương Ngọc Để vẫn canh cánh nỗi lo với Taekwondo Việt Nam.

Ông Trương Ngọc Để vẫn canh cánh nỗi lo với Taekwondo Việt Nam.

Lợi thế về chiều cao giúp Bạc Thị Khiêm thắng áp đảo Ozoda Sobirjonova 5-0 trong hiệp 1. Nhưng bước sang hiệp 2, ưu thế chuyển về Sobirjonova. Đối thủ của Bạc Thị Khiêm liên tục chủ động tấn công, thậm chí có tình huống đánh choáng võ sĩ Việt Nam. Bạc Thị Khiêm thua 3-12 trong hiệp này. Đến hiệp 3 quyết định, Sobirjonova ngược dòng nhờ nền tảng thể lực, sức mạnh tốt hơn và giành chiến thắng chung cuộc.

Ở hạng 68kg nam có 17 võ sĩ, Lý Hồng Phúc thắng võ sĩ Yehya Al-Ghotani 2-1 ở vòng một, rồi thua võ sĩ Thái Lan Banlung Tubtimdang 0-2 ở vòng hai. Nguyễn Hồng Trọng là võ sĩ Việt Nam ra quân muộn nhất, nhưng anh cũng nhanh chóng bị loại sau khi thua võ sĩ Kyrgyzstan Nurkhan Samidinov 0-2.

So với các môn thể thao khác, Taekwondo được đầu tư khá lớn. Trước vòng loại, đội được đi tập huấn ở Hàn Quốc đầu năm 2024, rồi dự các giải tại Canada và Mỹ để cải thiện chuyên môn. Bên cạnh đó, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam còn treo thưởng 100 triệu đồng cho VĐV giành vé dự Olympic. Thế nhưng, đội tuyển không thể hoàn thành mục tiêu giành tối thiểu 1 vé đến Paris 2024.

Thất bại cay đắng này đánh dấu sự sa sút đáng báo động của Taekwondo Việt Nam. Trong 3 kỳ Olympic gần nhất, Taekwondo Việt Nam vắng bóng đến hai lần. Trước Paris 2024 là Rio 2016.

Taekwondo chính thức được đưa vào tranh tài tại Olympic từ năm 2000. Kể từ đó đến nay, Việt Nam có 4 kỳ đại hội góp mặt liên tiếp (2000 đến 2012). Đặc biệt, huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam cũng đến từ môn thể thao này, đó là huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000.

Vấn đề của Taekwondo Việt Nam

Như thường lệ, sau các thất bại cay đắng, người ta luôn luôn cố gắng tìm kiếm vấn đề để giải quyết. Vậy, vấn đề của Taekwondo Việt Nam thực sự nằm ở đâu. Từ môn võ được kỳ vọng lớn nhất, Taekwondo Việt Nam dần biến mất khỏi bản đồ Olympic một cách đáng lo ngại.

Ông Trương Ngọc Để, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam thậm chí phải đăng bài viết lên trang Facebook cá nhân để tìm “quân sư” cho môn võ này. Ông viết: “Bạn suy nghĩ thế nào? Để Taekwondo Việt Nam quay trở lại Olympic và giành huy chương. Cùng tham gia trao đổi và thảo luận, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho Taekwondo Việt Nam”.

Võ sỹ Trương Thị Kim Tuyền không thể dự Olympic thứ 2 liên tiếp.

Võ sỹ Trương Thị Kim Tuyền không thể dự Olympic thứ 2 liên tiếp.

Ông Trương Ngọc Để là huyền thoại Taekwondo Việt Nam, là võ sĩ duy nhất ở Việt Nam đạt chứng nhận đai đen 9 đẳng (cửu đẳng huyền đai) của Viện Hàn lâm Taekwondo Thế giới (Kukkiwon). Ông cực mạnh về đối kháng, là người đứng sau, góp công lớn giúp Hiếu Ngân đoạt huy chương bạc Olympic 2000.

Dưới bài viết, ông Trương Ngọc Để cùng bạn bè và người hâm mộ đã đưa ra nhiều ý kiến. Đáng chú ý, ông Trương Ngọc Để nhấn mạnh việc thay HLV trưởng không mang nhiều ý nghĩa ở thời điểm này. Thay vào đó, ông đề xuất “cần phải thay hết hệ thống gắn bó 16 năm nay”.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam - ông Nguyễn Thanh Huy nói thẳng: “Mở rộng sự đóng góp, nếu Trưởng bộ môn Cục Thể dục thể thao (TDTT) vẫn cứ ôm làm, thì sẽ lại tiếp tục làm kỷ niệm 30 năm không ai phá được kỷ lục của Hiếu Ngân năm 2000”.

Vấn đề mà ông Nguyễn Thanh Huy nói ra không phải điều mà người hâm mộ nào cũng biết. Vì vậy, đổ mọi trách nhiệm vào HLV trưởng hay các võ sĩ khi họ thất bại là điều không công bằng. Theo luật TDTT, các đội tuyển quốc gia phải do Liên đoàn tương ứng quản lý, nhưng đội tuyển Taekwondo lại thuộc Cục TDTT. Nhiều lần Liên đoàn đề xuất hợp tác, sẵn sàng tài trợ kinh phí cho đội tuyển xuất ngoại tập huấn nhưng Bộ môn không đồng ý. Thậm chí khi Liên đoàn Taekwondo Việt Nam gửi công văn lên Tổng cục, nhưng phía Bộ môn nói thẳng Liên đoàn không đủ năng lực.

Võ sỹ  Bạc Thị Khiêm không thể tạo ra bất ngờ

Võ sỹ  Bạc Thị Khiêm không thể tạo ra bất ngờ

Giống như nhiều môn võ khác ở Việt Nam, mâu thuẫn ngầm vẫn tồn tại ở Taekwondo. Phía Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cũng có những động thái cứng rắn khi bị loại khỏi đội tuyển quốc gia. Ở lần đại hội gần nhất, ông Vũ Xuân Thành - Phó phòng thể thao thành tích cao 1, nguyên Trưởng bộ môn Taekwondo, Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo nhiệm kỳ trước - đã bị loại khỏi ban chấp hành nhiệm kỳ mới và đương nhiên mất luôn ghế Tổng thư ký.

Ông Vũ Xuân Thành từng làm trọng tài Taekwondo quốc tế và làm nhiệm vụ ở Olympic 2000 và 2012. Điều này chứng minh ông rất giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm nhưng vẫn mất chỗ đứng ở Liên đoàn vì mâu thuẫn giữa tổ chức này và Bộ môn ở Tổng cục. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ Liên đoàn khó có thể hài lòng khi Bộ môn vẫn nắm toàn quyền quyết định ở đội tuyển quốc gia, đặc biệt khi kết quả thi đấu quốc tế ngày càng bết bát.

Nói cách khác, vấn đề lớn nhất của Taekwondo Việt Nam hiện tại - hay chính xác là 16 năm qua như ông Trương Ngọc Để nhắc đến là sự thống nhất của thượng tầng. Khi Liên đoàn và Bộ môn không có tiếng nói chung, mỗi người làm một kiểu thì kết quả ngày càng tệ đi. Trước khi nghĩ đến những vấn đề khác như đẩy mạnh phong trào Taekwondo học đường, tìm kiếm và phát triển các tài năng trẻ, tổ chức hệ thống giải đấu mạnh hơn, Taekwondo Việt Nam cần phải giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa Liên đoàn và Bộ môn, từ đó tìm ra những người tài năng nhất hoạch định lại chiến lược phát triển của môn thể thao này.

Thất bại được báo trước

Kể từ sau chiếc HCB của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân (hạng cân 57kg) ở Olympic Sydney 2000, Taekwondo Việt Nam chưa thể giành thêm một huy chương nào nữa. Thậm chí, vé dự Olympic cũng ngày một ít dần. Từ chỗ có 2 vé dự Athens 2004, 3 vé dự Bắc Kinh 2008, 2 vé dự London 2012, Taekwondo Việt Nam chỉ còn giành 1 vé dự Tokyo 2020. Trong vòng 8 năm qua, Taekwondo Việt Nam có đến 2 kỳ Thế vận hội không thể góp mặt.

Trong khi Taekwondo Thái Lan, Philippines, thậm chí là Campuchia, đầu tư lớn và tiến bộ vượt bậc thì Taekwondo Việt Nam lại đầu tư ngày một giảm. Taekwondo từ môn được đầu tư trọng điểm ở nhóm 1 đã bị đẩy xuống nhóm 2.

"Chúng ta đầu tư không nhiều cho Taekwondo nhưng vẫn muốn giành vé đi Olympic. Các nước đầu tư nhiều, mình thì chỉ dựa vào Tập đoàn CJ, tài trợ chuyên gia Hàn Quốc và đi tập huấn nước ngoài. Nếu không có CJ, chắc đội tuyển taekwondo Việt Nam chỉ ở nhà tập chay", Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để than thở.

Nói thêm về thất bại của Taekwondo Việt Nam trong việc giành vé dự Olympic Paris 2024, ông Để cho rằng các võ sĩ vẫn tồn tại căn bệnh cũ: thể lực kém và thiếu sự tự tin. Vì vậy, thất bại tại vòng loại dù cay đắng nhưng vẫn nằm trong dự đoán của nhiều người.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau 4 năm, Nguyễn Trần Duy Nhất tiếp tục trở lại thi đấu tại giải võ thuật chuyên nghiệp quốc tế ONE Championship. Anh đã nhận kết quả không mong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Khánh ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN