Sự khác biệt của HLV tennis ngoại
Sự chuyên nghiệp của HLV Baroch không chỉ được thể hiện ở trên sân tập.
sáng ngày 29 tháng 8, các tay vợt cùng những người có mặt tại buổi trò chuyện nội bộ của đội tuyển tận mắt chứng kiến phương pháp huấn luyện đẳng cấp quốc tế của ông.
Đối với Michael Baroch, sự thành bại của một đội tuyển không chỉ nằm ở yếu tố kỹ thuật và sức mạnh mà từ trong suy nghĩ. Ông khẳng định với các thành viên trong đội rằng chỉ cần một sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ sẽ dẫn đến thay đổi lớn về phong độ thi đấu. Chính vì thế, ông yêu cầu mỗi thành viên trong đội nghĩ ra 2 từ miêu tả tố chất mà họ nghĩ là cần thiết đối với một tay vợt của đội tuyển quốc gia.
Ông luôn hết mình trên sân tập
Ban đầu, do còn khá bỡ ngỡ với những câu hỏi của HLV, các thành viên trong đội khá rụt rè. Nhưng càng về sau, họ càng mạnh dạn phát biểu ý kiến. Tay vợt Lê Quốc Khánh cho rằng hai tố chất đó chính là “nỗ lực” và “tự tin”. Phạm Minh Tuấn lại cho rằng đó là “đoàn kết” và “quyết thắng”, trong khi Hồ Huỳnh Đan Mạch nêu ra ý kiến “chiến đấu” và “không bỏ cuộc”.
Sau khi bàn thảo, cả đội thống nhất đưa ra câu khẩu hiệu chung:“Chúng ta là một đội tự tin, mạnh mẽ, luôn nỗ lực hết sức và không bao giờ bỏ cuộc.” HLV Michael Baroch nhấn mạnh một cách rất nghiêm túc rằng câu khẩu hiệu trên là do các tay vợt thống nhất đề ra, và do đó những tố chất trên chính là lời cam kết của các tay vợt đối với bản thân, với các thành viên đội tuyển và với đất nước. Câu khẩu hiệu được in lớn trên 2 chiếc bảng đặt ở hai đầu sân tập, để nhắc nhở các tay vợt không bao giờ được quên lời hứa của mình.
Tiếp theo, HLV Baroch viết tên các tay vợt hàng đầu như Federer, Nadal, Djokovic, Murray… lên tấm bảng trắng và yêu cầu các thành viên đội tuyển miêu tả họ. Các thành viên phát biểu rất tích cực. HLV Baroch chốt lại: các tay vợt hàng đầu thế giới đều sở hữu những đức tính có trong câu khẩu hiệu vừa đề ra ban nãy, như mạnh mẽ, tự tin, nỗ lực và không bao giờ bỏ cuộc. Ông nhắn nhủ các thành viên trong đội hãy ghi nhớ những điều này để có thể tiến xa hơn nữa trong làng quần vợt quốc tế. Ông Baroch còn chia sẻ về khao khát được khoác áo đội tuyển Davis Cup Úc khi còn trẻ của mình, và nhấn mạnh với các tay vợt Việt Nam rằng họ có một vinh dự vô cùng lớn lao khi được khoác áo đội tuyển quốc gia.
Trong buổi nói chuyện hôm ấy, một tay vợt trẻ sơ ý, không tập trung tư tưởng và làm việc riêng. HLV Baroch lập tức cảnh cáo tay vợt này một cách rất nghiêm khắc và yêu cầu tinh thần kỷ luật của mọi thành viên trong đội. Ông nhấn mạnh rằng đội tuyển Davis Cup không cần bất cứ một “hành khách đi nhờ” nào cả. Tất cả mọi thành viên của đội đều phải nỗ lực 100%, còn những ai coi thường kỷ luật và mang nặng tính cá nhân chắc chắn sẽ bị đào thải.
Sau buổi nói chuyện, các tay vợt quay trở lại sân tập với một tinh thần khác hẳn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch, TTK VTF – người cũng có mặt trong buổi nói chuyện cho biết: ông cảm thấy phương pháp huấn luyện nhấn mạnh vào khía cạnh tâm lý của HLV Baroch khác hẳn so với các huấn luyện thường thấy trong nước. Ông cũng đề cao tính chuyên nghiệp và sự nhiệt tình của HLV Baroch đối với đội tuyển nước nhà.
Thiết nghĩ, sự chuyên nghiệp của một nghề phải bắt đầu từ trong suy nghĩ và những hành động dù là nhỏ nhất, điều đó cũng rất đúng trong thể thao. Một hình tượng thể thao không thể chỉ giỏi về chuyên môn mà còn cần được chỉ dạy về văn hóa ứng xử, tính kỷ luật và nhiều hơn nữa những kỹ năng cần thiết cho một vận động viên chuyên nghiệp.