So tài kinh điển Federer – Nadal: Cặp đấu định đoạt tennis thế giới

Chúng ta lại may mắn được chứng kiến thêm một trận đấu của Federer và Nadal.

Video 2 loạt tie-break giữa Federer - Nadal tại Roland Garros 2006 & 2011

8 năm qua câu hỏi liệu Federer và Nadal có gặp nhau thường xuyên được đặt ra khi mà cả hai không còn thống trị ở hai vị trí đầu bảng xếp hạng thế giới.

So tài kinh điển Federer – Nadal: Cặp đấu định đoạt tennis thế giới - 1

Nadal và Federer sẽ gặp lại nhau ở bán kết Roland Garros

Sự vươn lên và đôi khi thống trị của Djokovic cùng với nguyên tắc bốc thăm dựa trên thứ tự hạt giống khiến cho Federer và Nadal có thể rơi vào nhánh của nhau hoặc của một tay vợt nào đó, và cũng không phải là những cơn địa chấn khi họ bị loại sớm hơn.

Vai trò mặt sân cũng có một tiếng nói nhất định tới thành tích của họ. Lúc ở đỉnh cao phong độ thì họ đánh mặt sân nào cũng ổn thỏa. Nhưng bắt đầu ở đoạn cuối của sự nghiệp thì họ dựa vào mặt sân sở trường của mình nhiều hơn.

Federer có cơ hội lớn hơn và cũng làm cho những vinh quang của anh chói lọi hơn nhờ mặt sân cứng hay sân cỏ. Chẳng hạn danh hiệu Grand Slam thứ 20, hay danh hiệu thứ 100 trong sự nghiệp – những cột mốc vĩ đại đều diễn ra trên mặt sân cứng.

Còn Nadal trong nửa thập kỷ qua giành được 4 danh hiệu lớn thì 3 trong số đó là từ Paris, và cũng vừa mới trở lại với tư cách người có nhiều Masters 1000 nhất (34 chức vô địch, Djokovic 33) sau khi thắng ở Rome.

Battle of surfaces – Cuộc chiến mặt sân

Năm 2007, tức là cách nay 12 năm, thế giới tennis đã phải tạo ra một mặt sân thi đấu chưa từng có cho họ thi đấu với nhau.

Trận đấu này được tạo ra bởi mục đích thương mại cũng có, nhưng nếu nói vì họ quá khác biệt nhau dù cùng vĩ đại, quá đối lập về phong cách thi đấu, lại như nhân lên sức mạnh trên mặt sân sở trường thì cũng không sai.

Nadal có 3 năm liền bất bại trên sân đất nện lúc đó qua 72 trận đấu (sau đó nâng lên thành 81 trận). Còn Federer thì có 48 trận thắng liên tục suốt 5 năm liền.

So tài kinh điển Federer – Nadal: Cặp đấu định đoạt tennis thế giới - 2

Cuộc so kè không khoan nhượng giữa hai tay vợt xuất sắc bậc nhất lịch sử

Tạo ra một cái sân tốn 1,63 triệu USD và gần 3 tuần chuẩn bị để cả hai bước vào trận đấu ngày đầu tháng 5/2007 là xứng đáng với họ.

Nó có ý nghĩa còn hơn cả trận chiến giới tính (battle of sexes) mà Riggs, một tay vợt nam, đấu với Billie King, một tay vợt nữ năm 1973. Vì Riggs khi đấu đã 55 tuổi còn huyền thoại King mới 29, rồi sau đó King đã thắng trong sự hò reo như là biểu tượng của bình đẳng giới.

Nó phần nào đó giống như sự khởi nguồn lên cuộc chiến xem ai chạy nhanh nhất hành tinh năm 1996 giữa Donovan Bailey (người Canada, HCV 100m Olympic) và Michael Johnson (Mỹ, HCV cự ly 200 và 400m) – sau đó Bailey đã thắng còn Johnson bị chấn thương lúc thi đấu.

Nó thậm chí vượt trên tầm vóc của 2 “The Match” mà người ta tổ chức cho Tiger Woods với McIlroy và Tiger Woods với Mickelson ở môn golf mà phần thưởng cho người chiến thắng một vòng golf lên tới 10 và 9 triệu USD.

Federer và Nadal chơi một trận đấu trên mặt sân có lưới chia đôi hai nửa sân, một nửa là mặt cỏ như Wimbledon, còn một mặt đất như Roland Garros.

Họ vẫn đổi sân, Nadal và Federer cứ tuần tự đứng ở bên nửa sân cỏ rồi sân đất nện. Nadal thắng sau 3 set sát nút 7-5 4-6 7-6(10).

Nhưng cái sân đó không thể phân rõ được ai là người giỏi hơn ở thời điểm đó. Nadal khi đứng bên phần sân đất nện, đánh sang sân cỏ thì xoáy lại mất đi nhiều vòng và nảy thấp. Federer đánh bóng bạt trở lại thì chạm vào phần sân đất nện lại chậm đi đáng kể.

Thực tế là ở Roland Garros ngay sau đó Nadal vô địch khi vượt qua Federer ở chung kết (lần thứ hai liên tiếp) còn Federer cũng lần thứ hai liên tiếp đánh bại Nadal ở chung kết để đăng quang Wimbledon.

Phải tới 2008, khi cả hai lần thứ ba chơi 2 trận chung kết Grand Slam liên tiếp với nhau (điều chưa từng có) thì mới có một người thắng cả hai trận – vinh dự đó thuộc về Nadal.

Khi tennis thế giới đã mãn nhãn và mê mẩn một chương vàng trong lịch sử rồi, khi cả Federer và Nadal đã cùng nhau tạo nên cảm hứng bất tận rồi, thì họ trở lại là tay vợt sở trường ở một mặt sân cụ thể.

Nadal vẫn đang có thành tích 13-2 khi đấu với Federer trên mặt sân đất nện, trong đó 5-0 ở Roland Garros (4 lần chung kết). Federer lại đang có tới chuỗi 6 trận thắng liên tiếp khi đối đầu với Nadal. Sáu lần đó, Nadal bỏ cuộc vì chấn thương trước khi đánh một, còn năm lần khác đều trên mặt sân cứng.

Federer sẽ chơi theo cách của mình, còn Nadal vẫn là ngọn núi

Federer thực ra vẫn cực kỳ xuất sắc trên mặt sân đất nện. Một người đã từng vào chung kết Grand Slam tới 4 lần liên tiếp (2006-2009) và lên ngôi 1 lần để hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam vào năm 2009 dĩ nhiên đủ giành được sự kính nể của thế giới tennis.

Nếu như không có Federer thì Nadal đã phải gặp Djokovic trong trận chung kết Roland Garros 2011, giai đoạn Nadal thua Djokovic trong mọi trận đấu.

So tài kinh điển Federer – Nadal: Cặp đấu định đoạt tennis thế giới - 3

Rất khó đoán kết cục của trận đấu

Nếu như không phải là một người chơi sân đất nện tầm cỡ thì Federer đã không thể vào tới bán kết Roland Garros này sau khi vắng mặt ở các giải đất nện trong hai mùa trước đó, đã không thể khuất phục những Monfils, Wawrinka… trên mặt sân màu đỏ ở các giải khác nhau trong vòng 1 tháng qua.

Hiểu biết thật kỹ về Federer, có sự trải nghiệm trên đấu trường khốc liệt nên Gilles Simon (tay vợt người Pháp) đã có một lý giải đáng lưu tâm rằng Federer chỉ bỏ qua mùa đất nện vì cách di chuyển trên mặt sân này không tốt cho lưng – nơi hay bị chấn thương nhất của Federer, để có thể kéo dài tuổi nghề hơn.

Và Simon cũng phân tích việc Nadal hay chấn thương ở sân cứng là việc làm cho mặt sân cứng nhám hơn để chậm hơn nhiều năm qua khiến cho Nadal không trượt đi như trước nữa, đầu gối chịu lực lớn hơn.

Federer trở lại khi thể trạng tốt hơn, và còn một lý do khác nữa là việc nghỉ quá dài tới gần 3 tháng kể từ sau Miami Masters không phải là sự chuẩn bị tốt cho mùa giải sân cỏ. Thi đấu có kiểm soát vẫn là cách tập luyện hữu ích.

Federer đã trình diễn thứ tennis trên sân đất nện như chơi trên sân cỏ của mình. Vẫn tấn công. Vẫn chủ động ép đối thủ. Vẫn lên lưới. Thậm chí chơi cả cú SABR (lén tấn công bởi Federer) khi trả giao bóng lúc cần.

Federer đã tràn lưới cả thảy 175 lần sau 5 trận, riêng đấu với Wawrinka là 60 lần. Federer vẫn ôm sân, đánh bóng nhú, và tìm cách mở góc thật sớm.

Còn Nadal đã trở lại như từ lúc giành giải Rome, chơi bóng xoáy, sử dụng bộ chân cực nhanh để né trái đánh phải nhiều hơn. Nadal cũng dùng cú bỏ nhỏ thường xuyên hơn để thay đổi nhịp độ. Nadal không bị phân tâm quá nhiều về cú giao bóng nữa dù vẫn bị bẻ games, và cũng như Federer, từng thua 1 set cho tới vòng bán kết.

Có thể chờ đợi Federer sẽ tấn công quyết liệt, và cũng có thể chờ Nadal sẽ có thêm vào số kỷ lục 231 lần bắn lưới ghi điểm trực tiếp trước Federer xưa nay.

Có thể hồi hộp chờ xem Nadal sẽ lùi sâu bao nhiêu để hóa giải tốc độ rồi mới tiến dần lên, còn Federer liệu sẽ thực hiện các cú đánh nửa nảy cả từ trái và phải như đã làm suốt từ đầu 2017.

Sự khác biệt, đối lập của Nadal và Federer ấy tạo nên màu sắc không thể lẫn trong thế giới tennis đầy khốc liệt, là một cảm xúc khác so với khi họ gặp bất cứ ai khác.

Cuộc đối đầu đã góp phần chủ đạo định hình nên thế giới tennis những năm đầu của thế kỷ 21 sẽ lại được tiếp tục…

Kinh điển Federer - Nadal: Muốn vĩ đại nhất, ”Tàu tốc hành” phải thắng

Trận kinh điển của Roland Garros 2019 giữa Federer và Nadal đã ở cận kề.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN