Số 1 không trong tầm tay Murray
Murray mới chỉ đủ tài để giành Grand Slam chứ anh chưa đủ sức để đứng ở ngôi số 1 thế giới.
Nói như thế không có nghĩa giành Grand Slam là một việc dễ dàng. Trái lại, đó là một thử thách to lớn mà thế giới tennis hiện tại chỉ có sáu tay vợt vẫn đang còn thi đấu được mang danh là nhà vô địch Grand Slam: Ngoài bộ tứ Federer, Nadal, Djokovic, Murray còn có Del Potro (US Open) và Lleyton Hewitt (US Open và Wimbledon).
Bản thân Murray phải chơi trận chung kết Grand Slam thứ năm của riêng anh mới trở thành người chiến thắng.
Còn Hewitt giành được Grand Slam thứ hai (và có lẽ là cuối cùng) cách nay đã 12 năm.
Hay Del Potro sau lần lên ngôi ở US Open 2009 đến nay có thành tích tốt nhất là vào tới bán kết.
Hàng loạt những tay vợt tài năng đã và đang đứng trong top 10 thế giới gần nửa thập kỷ qua cũng chưa thể được một lần đứng trên bục vinh quang, dù đã vào tới chung kết, và dù đó là Tsonga (chung kết Australian Open 2008), Berdych (CK Wimbledon 2010) và Ferrer (CK Roland Garros 2013).
Nhưng đứng ở ngôi số 1 thế giới của quần vợt nam còn là một thách thức to lớn hơn rất nhiều.
Murray giành Grand Slam đã khó nhưng trở thành số 1 thế giới còn khó hơn
Trước tiên phải là số 2 xuất sắc
Kể từ khi bảng xếp hạng ATP ra đời năm 1973, chỉ có 1 trong số 25 người từng đứng ở ngôi số 1 thế giới mà không giành được Grand Slam nào trước đó. Marcelo Rios, một chuyên gia đất nện và chơi tay chiêu, đã "tranh thủ" sự xuống phong độ của Sampras, Pat Rafter... để nhảy lên bục số 1 và trụ lại được ở đó sáu tuần. Và Rios cũng chẳng giành được Grand Slam nào ở phần còn lại của sự nghiệp mà anh đã gom được cả thảy 18 danh hiệu.
Tennis đương đại ghi nhận những quá trình bước lên ngôi số 1 đầy gian khó của Nadal và Djokovic.
Nadal từng phải ngồi ở ngôi vị số 2 thế giới trong 160 tuần liên tiếp (một kỷ lục) rồi mới leo lên thay thế vị trí của Federer. Khi ấy (8-2008), Nadal đã giành được năm Grand Slam, trong đó có kỳ tích vô địch Roland Garros và Wimbledon trong cùng một năm.
Djokovic bắt đầu leo lên vị trí số 3 thế giới từ tháng 7-2007, hơn một tháng trước khi anh vào chung kết US Open với Federer, rồi mãi tới năm 2011, anh mới trở thành tay vợt số 1 thế giới - điều anh đã mơ ước chỉ khi mới sáu tuổi.
Đó là sự khác biệt so với thế giới của WTA, nơi có tới năm nữ hoàng chưa từng một lần nếm mùi vô địch Grand Slam, trong đó chỉ có Kim Clijster và Amelie Mauresmo về sau mới chiến thắng ở ít nhất một trong số bốn giải đấu lớn. Wozniacki và Jankovic có lẽ sẽ giống như Safina (đã gác vợt), mãi trở thành những ví dụ mỉa mai cho nghịch lý của hệ thống tính điểm xếp hạng của tennis nữ.
Phải xuất sắc và rất ổn định
Nadal với 160 tuần liên tiếp và Djokovic với bốn năm liên tục xếp ở vị trí số 3 rồi số 2 trước khi lên ngôi số 1 cho thấy họ đã tiếp cận với đỉnh cao từ trước đó và ổn định ở đẳng cấp ấy trong một thời gian dài.
Murray cũng có sự ổn định như thế. Anh lọt vào top 5 thế giới (từ thứ 6 lên thứ 4) vào tháng 9-2008 và chưa từng bị đánh bật ra khỏi top 4 kể từ tháng 3-2011.
Nhưng cho tới trước khi Murray vô địch Grand Slam lần đầu tiên (US Open 2012), sự ổn định của Murray ở một đẳng cấp thấp hơn. Không chỉ vì anh là số 4, mà Murray đôi lần nhảy lên vị trí số 2 hoặc số 3 nhờ Nadal bị chấn thương (năm 2009 và 2012).
Nadal và Djokovic cần một khoảng thời gian dài thi đấu ổn định trước khi là số 1
Mặt khác, Nadal và Djokovic khi bước lên ngôi số 1 thế giới, họ là người xuất sắc nhất của tennis thế giới ở thời điểm ấy, và đặc biệt, sự xuất sắc đã được thể hiện trong một thời gian tương đối dài trước đó.
Nadal vô địch 5 trong 6 giải đấu anh tham dự, trong đó có hai Grand Slam (Roland Garros và Wimbledon) và hai Masters 1000.
Djokovic thì vô địch tất cả các giải đấu anh tham dự trong sáu tháng trước khi được tấn phong vào đầu tháng 7-2011, ngoại trừ Roland Garros anh chỉ vào tới bán kết. Những thành tích đã nâng Djokovic lên trở thành tay vợt xuất sắc nhất thế giới bao gồm hai Grand Slam (Australian Open và Wimbledon) và bốn Masters 1000.
Murray trong 12 tháng qua đã lọt vào tới ba trận chung kết Grand Slam trong bốn giải đấu (và vô địch hai). Nhưng Murray chỉ vô địch nổi Miami Masters trong quãng thời gian ấy qua bảy lần tham dự các giải Masters 1000 khác nhau.
Số 1 thế giới chưa phải là mục tiêu của Murray?
Sẽ là không đúng nếu nói rằng Murray không ước mơ trở thành số 1 thế giới. Murray cũng giống như biết bao tay vợt khác, đều khát khao được đứng trên đỉnh cao của thế giới.
Federer trong một lần tụt xuống vị trí thứ hai, từng định nghĩa một cách giản đơn như sau: "Khi anh là số 1, thì người ta sẽ gọi anh là số 1, và điều đó đồng nghĩa với việc tất cả phải thừa nhận anh như là người xuất sắc nhất thế giới. Đó là lý do tại sao tôi muốn quay trở lại số 1".
Với riêng Murray, trở thành số 1 thế giới có lẽ cũng là một kỳ tích, ít nhiều giống như vô địch US Open rồi Wimbledon vậy.
Nếu như quãng thời gian chờ đợi để thấy một người Anh lên ngôi ở Grand Slam là 76 năm, thì điều gần như tương tự cũng xảy ra với ngôi vị số 1 thế giới. Chính Fred Perry là người Anh cuối cùng có vinh dự ấy khi thể thức tính điểm trước kia đã lần cuối cùng xếp ông lên trên tất thảy vào năm 1941.
Nhưng như đã nói ở trên, vô địch Grand Slam không có nghĩa là Murray đã hội tụ đủ điều kiện để trở thành số 1 thế giới.
Vấn đề ở đây không chỉ là Murray hạn chế trên sân đất nện (hoàn toàn trắng tay mùa này), mà anh cũng thất bại trên sân cứng. Đẳng cấp của Murray chưa tạo ra một khoảng cách đủ lớn so với các tay vợt còn lại trong top 10 giống như bộ ba Federer, Nadal và Djokovic đã tạo dựng và chứng minh trong một thời gian dài.
Liệu Murray đã hội tụ đủ các yếu tố để trở thành số 1?
Đó là lý do tại sao Murray tại các giải đấu trong năm 2012 - 2013 (sau US Open 2012 và trước Wimbledon 2013) lại thua không chỉ Djokovic hay Federer mà còn bại trận trước Marcel Granollers, Berdych và Wawrinka, Janowicz và Raonic.
Danh sách và hoàn cảnh của các trận thua ấy cho thấy một khi Murray muốn thắng các đối thủ, dù không phải hàng đầu, anh cũng phải chơi với tất cả khả năng của mình.
Và nó cũng cho thấy Murray đã cải thiện về mặt thể lực, nhưng 18 tháng làm việc theo HLV Ivan Lendl mới chỉ đảm bảo cho anh có phương pháp chuẩn bị thích hợp nhất để bước vào các giải Grand Slam.
Còn để có một nền tảng thể lực hoàn hảo xét trên khía cạnh sức bền đủ để căng sức chơi ở hầu hết các giải đấu lớn, Murray cần một quá trình tích lũy dài hơi hơn nữa.
Murray có lẽ sẽ không thay đổi phương thức tiếp cận và chọn lựa giải đấu như anh đã làm trong một năm qua. Chỉ ưu tiên cho việc chinh phục Grand Slam là biết mình biết người, khi bản thân anh không tài năng như Federer, chưa toàn diện như Djokovic và không sớm tìm ra con đường đúng đắn từ khi còn là một cậu bé như Nadal.
Hoặc nếu Murray lên ngôi số 1 thế giới ngay từ đầu năm 2014, đó chắc chắn là một bất ngờ!