Siêu VĐV SEA Games vàng đeo trĩu cổ: "Độc cô cầu bại" toàn thắng 39 HCV
(Tin thể thao) Bao giờ sẽ có một VĐV toàn thắng mọi nội dung tham dự ở các kỳ SEA Games, chứ chưa nói tới việc có được số HCV kỷ lục như của kình ngư Pat Chan?
SEA Games luôn quy tụ được các VĐV xuất sắc bậc nhất khu vực Đông Nam Á, có những người đủ sức vươn tầm thế giới. Mời các bạn tìm hiểu về các siêu VĐV trong lịch sử Đại hội qua tuyến bài: Siêu VĐV SEA Games Vàng đeo trĩu cổ từ 26/11! |
Singapore thưở mới lập quốc cần có một niềm tự hào trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả thể thao, và Pat Chan đã mang lại điều đó. Bà được biết đến là “Cô gái Vàng” đầu tiên của Singapore và không những đoạt rất nhiều HCV, còn trở thành một huyền thoại bởi không bao giờ thất bại ở SEA Games.
Pat Chan là tượng đài của các kỳ SEA Games
Từ năm 1965 tới 1973, Patricia Chan Li-Yin đã tham gia 39 nội dung thi đấu môn bơi tại Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (khi đó còn gọi là SEAP Games). Và bà đã khiến mọi người phải kinh ngạc: Toàn thắng cả 39 nội dung tham gia. Không có bạc, không có đồng, không có ngoài top 3. Chỉ một màu vàng, và đến nay chưa ai sánh kịp.
Pat Chan bắt đầu hành trình vinh quang của mình khi mới chỉ 11 tuổi, đoạt HCV ở 8 nội dung thi đấu tại SEAP Games 1965 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ý nghĩa của chiến thắng rất to lớn bởi Singapore vừa tách ra khỏi Malaysia và giây phút Pat Chan đứng trên bục vinh quang với lá cờ Singapore được giương lên và bài quốc ca xướng lên, cô bé Pat trở thành biểu tượng của một quốc gia mới độc lập – Trẻ tuổi nhưng giàu kỷ luật và nghị lực hướng tới thành công.
Pat Chan tiếp tục tung hoành ở 4 kỳ SEAP Games tiếp theo, đoạt 10 HCV tại Bangkok 1967, 10 HCV tại Rangoon 1969, 5 HCV tại Kuala Lumpur 1971 và 6 HCV trên sân nhà Singapore 1973. Cô cũng dự ASIAD 1966 và 1970 nhưng chỉ đoạt HCB và HCĐ, cũng như thi đấu ở Olympic Mexico 1968 và Munich 1972.
Pat Chan là con gái trong một gia đình rất nhiều kình ngư tài năng, nhưng cô bắt đầu tập luyện tương đối muộn khi đã lên 9. Cô cùng 3 người anh trai đi theo một giáo trình khắc nghiệt được ông bố Chan Ah Kow đặt ra: Thức dậy 4h30 mỗi sáng, vào CLB bơi bằng cách trèo tường và bắt đầu tập lúc 5h. Sau khi đi học lúc 6h45 thì trở lại tập lúc 17h và về nhà lúc 19h30.
Patricia Chan bất bại cả 39 nội dung thi đấu tại các kỳ SEAP Games từ 1965 đến 1973
Ông Chan Ah Kow không chỉ là một kình ngư mà còn là một bác sĩ nên đã nghĩ ra những phương pháp giúp tạo sức bền tốt lẫn kỹ thuật bơi tiên tiến. Thành công của ông cùng các con đã khiến những kình ngư hàng đầu Đông Nam Á luôn đến gặp ông để được huấn luyện.
Hội đồng Olympic quốc gia Singapore bắt đầu trao giải VĐV nữ xuất sắc nhất năm từ 1967 và Pat Chan không những là người đầu tiên đoạt giải mà còn giật giải 5 năm liên tiếp. Ở tuổi 19 vào năm 1973, Pat Chan giải nghệ để làm công tác huấn luyện và 5 năm sau bước vào lĩnh vực báo chí. Bà trở thành tổng biên tập của tạp chí thời trang nữ đầu tiên tại Singapore và hiện bà có công ty truyền thông của riêng mình. Không những vậy bà còn là một ca sĩ nhạc jazz và đi hát để quyên tiền từ thiện.
Năm 1999, tờ Straits Times vinh danh Pat Chan trong 50 VĐV vĩ đại nhất lịch sử Singapore và bà được công nhận là VĐV nữ xuất sắc nhất. 39 HCV của Pat Chan là thành tích vĩ đại nhất của một VĐV Singapore ở các kỳ SEA Games cho tới khi một kình ngư khác là Joscelin Yeo chạm mốc 40 HCV năm 2005, nhưng kỷ lục toàn thắng 39 nội dung thi đấu của bà đến nay chưa (và có thể không bao giờ) bị phá.
Mời các bạn đón xem phần tiếp theo về Joscelin Yeo, người đã hạ bệ Pat Chan vào 6h, sáng mai 27/11!
Nguồn: [Link nguồn]
Mục tiêu giành HCV của đoàn Việt Nam khiêm tốn so với Thái Lan, Philippines.