“Siêu nhân” Murray trong tay Ivan Lendl
Lendl đang biến Murray trở thành tay vợt có thể lực khó ai sánh bằng.
“Tôi đứng trước các bạn hôm nay… thừa nhận Ivan là một siêu nhân có sức khỏe hơn hẳn tôi, dù khoảng cách là 13 tuổi.”
Đây là những lời hóm hỉnh của Jez Green, vị huấn luyện viên thể lực của Andy Murray, trong một lời tuyên bố kéo dài 1 phút trước buổi họp báo của Murray tại Australian Open 2013. Người đàn ông 40 tuổi này đã phải chuẩn bị những lời này để gửi tới Ivan Lendl, cựu tay vợt từng 8 lần vô địch Grand Slam và đã huấn luyện Murray từ đầu mùa giải năm 2012.
“Chúng tôi đã mua một thiết bị tập luyện mới có tên “VersaClimber” khi giải US Open diễn ra và Jez đã nói với Lendl rằng thứ ấy sẽ chẳng phù hợp với một ông già 53 tuổi,” Murray giải thích trên tờ The Australian. “Đó là một cỗ máy không dễ chịu chút nào giúp bạn có cảm tưởng như đang leo núi. Thử tưởng tượng xem: Về cơ bản, bạn dang hai tay lên cao trong khi chân lại bị khóa ở dưới và sau đó bạn bắt đầu động tác trèo. Cỗ máy sẽ kéo căng cơ đùi và sau đó cánh tay của bạn sẽ cảm thấy sự đau đớn. Trước khi thách thức bắt đầu, họ đã cá cược với nhau. Người thua cuộc là Jez phải đứng trước mọi người nói lời xin lỗi tới Ivan. Quả là vui nhộn dù trước đó bất cứ ai trong chúng tôi, đặc biệt là Jez dám thách thức Ivan.”
Ivan Lendl biến Andy Murray trở thành "siêu nhân" trên sân đấu
Sau 16 năm cầm vợt chuyên nghiệp và 17 năm sau khi giải nghệ, cho tới khi hợp tác với Murray từ đầu năm 2012, Lendl vẫn là một con người tràn đầy về sức mạnh. Người đàn ông được biết tới với chế độ ăn uống lành mạnh, những bài tập sức chịu đựng của tim mạch và luyện thể lực, đại diện cho thế hệ quần vợt mãnh mẽ như chế độ ăn kiểu Haagen Dazs của kình địch John McEnroe hay sau này là Mountain Dew của Andre Agassi, không chỉ giữ những kinh nghiệm ấy cho bản thân, mà còn dành 16 tháng qua để chia sẻ những trải nghiệm khôn ngoan của mình cho chàng trai 26 tuổi Murray. Ông thường tập chạy vài dặm, nhưng khi hông bắt đầu đau, ông chuyển sang đạp xe hơn trăm dặm một tuần. Một trong những điều thu hút Lendl hợp tác với Murray và giúp ông dễ dàng đứng ở vị trí huấn luyện viên là vì thực tế Murray đam mê những bài tập thể lực. Murray buộc cơ thể của mình phải chiến đấu với những bài chạy ngắn để biến anh trở thành một vận động viên điều kinh nước rút trung bình. Murray cũng trải qua những bài tập nặng bao gồm đu xà với một vật nặng 20kg gắn vào thắt lưng cùng 4kg khác gắn vào các bắp, giống như những bài tập nâng tạ của vận động viên bóng bầu dục.
“Những gì Ivan mang lại cho Andy không hề khắt khe,” huấn luyện viên Darren Cahill (người từng hợp tác với Lleyton Hewitt, Andre Agassi) bây giờ là bình luận viên của kênh ESPN, người từng đóng vai trò tư vấn cho Murray trong mối liên hệ với hãng đồ thể thao Adidas đang tài trợ cho Andy cũng như là cầu nối đưa Andy tới gần Lendl, lý giải về mối quan hệ giữa Lendl và Murray. “Ivan rất thẳng thắn nhưng bạn có thể tranh luận với ông ấy. Ivan mang lại ít nhất cả tá những điều nhỏ nhặt vào trận đấu của Andy, như chuyện giúp cậu ta phát triển khả năng tấn công dọc dây bằng cú thuận tay, vì Ivan biết mọi tay vợt với nền tảng thể lực như bây giờ chẳng gặp vấn đề gì nếu cứ đánh thuận tay chéo sân tấn công cả ngày.”
Sự thay đổi của Lendl từ một tay vợt tennis trở thành một “vận động viên” đến vào thời điểm khó khăn nhất trong sự nghiệp. Sau khi thua 4 trận chung kết Grand Slam liên tiếp – trước Bjorn Borg ở Roland Garros 1981, tới Jimmy Connors ở US Open 1982 và 1983 và Mats Wilander ở Australian Open 1983 – Lendl đã vắt kiệt sức để đánh bại John McEnroe 3-6, 2-6, 6-4, 7-5, 7-5 trong trận chung kết Roland Garros 1984 sau khi bị dẫn trước 2 set.
“Sau khi hạ John, tôi cảm thấy không tốt chút nào,” Lendl kể lại, sau khi ông cũng như người đồng hương Tiệp Khắc cũ Martina Navratilova chú trọng tới những bài tập đặc biệt ngoài sân để tạo lợi thế hơn đối thủ. “Tôi cảm thấy mệt mỏi và sự nghi ngờ về lượng bạch cầu trong máu tăng lên hóa ra là sự thật. Tất cả là vì vấn đề dinh dưỡng. Đó là lý do vì sao tôi phải xem lại chế độ dinh dưỡng của mình và nó cho phép tôi có thể tập luyện cường độ cao hơn. Trước đó tôi không nghĩ nếu uống 2 lít soda trong bữa tối hay ăn quả mâm xôi lại tích tụ nhiều đường tự nhiên đến vậy. Một khi nó khiến tôi thông suốt và tôi bắt đầu có chế độ dinh dưỡng thích hợp, mọi thứ khác biệt đột nhiên đến với tôi.”
Nhờ có sự chỉ bảo của Lendl, Murray đã có Grand Slam đầu tiên tại US Open 2012
Lendl thừa nhận ông không phải là vị cứu tinh của Murray hay sẽ sống cả phần đời của mình với vị trí huấn luyện viên. Ông vẫn đùa rằng mọi thứ đơn giản chỉ là chờ đến khi 55 tuổi để có thể bắt đầu tham gia các tour du đấu chơi golf. Ivan vẫn chơi hàng ngày và trong suốt thời gian diễn ra Wimbledon, ông thuê một căn hộ ở địa điểm có thể đi bộ ra sân golf gần nhất để có thể tới đó từ 7 giờ sáng, sau đó lại trở lại đó vào chiều tối khi đã kết thúc buổi tập hay một trận đấu của Murray. Ông không tìm kiếm Murray, tay vợt đã làm việc với 5 huấn luyện viên trong 14 năm qua bao gồm cựu tay vợt người Anh Mark Petchey, huấn luyện viên nổi tiếng người Mỹ Brad Gilbert và chuyên gia đất nện một thời của Tây Ban Nha Alex Corretja.
Lendl hoàn toàn hạnh phúc với cuộc sống của ông, với 5 cô con gái đam mê thể thao và người vợ Samantha, trong số đó 4 cô con gái đều là những vận động viên, 3 người chơi golf, một người thi đấu rowing và người con ít tuổi nhất, cô bé 15 tuổi là vận động viên cưỡi ngựa. Ông có thể thưởng thức những giây phút chơi golf ở ngôi nhà tại Vero Beach, Florida hay ở Goshen, Connecticut. Nhưng sau khoảng thời gian huấn luyện những tay vợt trẻ của Liên đoàn quần vợt Mỹ USTA, Lendl bỗng nhận ra ông thực sự thích thú được làm việc cùng những đứa trẻ, đặc biệt với những tay vợt chăm chỉ và có sự cầu tiến.
Murray khi còn là một cậu bé đã lần đầu tiên gặp Lendl ở học viện tennis của “phù thủy” Nick Bollettieri tại Bradenton, Florida. Ông ở đó cùng Gilbert và đang tập cùng tay vợt người Czech Radek Stepanek, và sau đó Gilbert đã giới thiệu Murray cho Lendl.
“Chúng tôi trò chuyện khoảng 3 phút và cậu ta cực kỳ ngoan ngoãn và lịch sự, điều khiến tôi rất ấn tượng,” Lendl kể lại, vì ông cũng là người được tiếp thu sự dạy dỗ khắt khe về cách ứng xử từ cha mẹ. “Tôi nghĩ đó là chìa khóa, vì nếu tôi không biết cậu ta, tôi không biết sẽ bắt đầu cuộc thảo luận ở đâu. Nếu cậu ta có thái độ thô lỗ, hay lại đang ở phòng tắm khi Darren Cahill liên lạc thì tôi nghĩ tôi sẽ trả lời ngay, “Cảm ơn, nhưng tôi thích cuộc sống của tôi hơn.”
Đó là thời điểm gần cuối năm 2011 khi Cahill liên hệ với Lendl để hỏi rằng liệu ông có thể gặp gỡ Murray ở khu người Italia có tên Sal’s Ristorante, nằm giữa căn nhà của Lendl ở Vero Beach và thành phố Miami nơi Murray đang sống. Nó là một bước ngoặt đột phá, khi Murray và Lendl nhận ra họ có nhiều điểm chung. Cả hai đều là những tay vợt theo dạng “công nhân” trên sân, cống hiến hết mình để có thể trở thành người giỏi nhất. Nhưng với sự cục cằn, đôi khi thiếu thân thiện khi thể hiện trên sân đấu, họ đều bị hiểu lầm. Bên ngoài sân, cả Murray và Lendl là những tay hài hước, dễ dàng nở nụ cười và bàn tán sôi nổi về thể thao, từ môn quyền anh hay bóng đá yêu thích của Murray cho tới niềm đam mê hockey trên băng của Lendl. Điều quan trọng nhất mà họ có điểm chung, ngoài sự cuồng tín về một thể lực "siêu nhân", là một thực tế ảm đạm khi Murray thất bại ở những trận chung kết Grand Slam, giống như Lendl đã thua trong giai đoạn đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Lendl hiểu những gì Murray phải trải qua.
Murray vẫn còn những điểm yếu tinh thần mà HLV Lendl đang khắc phục
“Chỉ có những ai phải trải qua rất nhiều những trải nghiệm như tôi mới có thể giúp đỡ,” Murray bày tỏ khi nói về sự giống nhau với Lendl, để thua 4 trận chung kết Grand Slam trước khi đăng quang tại US Open năm ngoái. “Có thể nói chuyện với ai đó biết cảm giác phải đi qua những lúc như vậy là thứ giá trị nhất mà tôi đi tìm kiếm, để có thể giao tiếp với ông ấy nhiều hơn cả về tinh thần và xúc cảm.”
Lendl biết rõ có một ranh giới giữa thể chất và tinh thần và không có tay vợt nào có thể giành chiến thắng mà không có cả hai điều đó. Ông cũng biết rằng không có công việc nào kéo dài suốt đời, và đó là lý do vì sao hợp đồng với Murray chỉ là tháng này qua tháng khác, tuần này qua tuần hay hay là ngày này qua ngày khác. “Chúng tôi không nói về thời gian,” Lendl nói. “Lợi thế của Murray và tôi khi làm việc cùng nhau so với những người khác chính là tôi không phụ thuộc vào cậu ta. Ý tôi là, tôi không làm việc vì tiền, tôi có thể kiếm nhiều hơn nếu như đi đánh vài trận biểu diễn. Bởi vì tôi có thể kể cho cậu ta sự thật. Có một ưu điểm lớn khi có thể thành thật tất cả. Nếu chúng tôi đi theo con đường riêng vì chuyện đó, chúng tôi sẽ đi.”
“Tôi luôn luôn nói với cậu ta,” Lendl kết thúc bằng một nụ cười, “khi nào cậu thấy mệt vì tôi hãy cho tôi biết. Tôi sẽ đi chơi golf nhiều hơn.”