Lưu bài Bỏ lưu bài

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 2

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 3năm trước. 10 năm là một quãng thời gian không thực sự đáng kể đối với lịch sử môn thể thao có hơn trăm năm tuổi này khi giải lâu đời nhất là Wimbledon tổ chức lần đầu năm 1877.

Nhưng 10 năm thông thường là chu kỳ của một thế hệ của tennis. Chu kỳ của các tay vợt bắt đầu nổi lên – trở thành những nhà vô địch hàng đầu và vài người trong số họ vươn tới tầm huyền thoại – nhường lại vũ đài đỉnh cao cho lớp kế cận.

Wimbledon 2008 không phải là sự khởi đầu của sự đối đầu vĩ đại giữa Federer và Nadal, càng không phải là sự bắt đầu của sự nghiệp huy hoàng của mỗi người.

Khi cả hai tới London vào mùa Hè năm đó họ đã gặp nhau cả thảy 17 trận và 7 trong số đó là ở đấu trường Grand Slam với 1 bán kết và 6 chung kết. Federer thậm chí vô địch Grand Slam lần đầu năm 2003, còn Nadal có vinh quang tương tự năm 2004.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 4

Thậm chí, chỉ 4 Chủ nhật trước đó, họ còn gặp nhau ở trận chung kết Roland Garros. Hay chung kết Wimbledon hai năm liên tiếp trước đó nữa cũng là cuộc chơi riêng của họ.

Nhưng, sau khi trận đấu kết thúc, nó được coi là trận đấu đỉnh cao xưa nay chưa từng có. John McEnroe, một tay vợt lớn của tennis Mỹ và thế giới rồi sau này trở thành BLV hàng đầu cho các kênh thể thao khắp Anh, Úc, Mỹ gọi nó là “greatest tennis showdown” (màn trình diễn tennis kỳ vĩ nhất).

Brad Gilber, tác giả của cuốn “Winning Ugly” (tạm dịch: Thắng xấu”) cũng phải thốt lên đó là trận đấu đẹp nhất ông từng xem.

Cuốn sách xuất bản năm 2008 của cây viết tennis uy tín người Mỹ John Wertheim kể về trận đấu này đã lấy tựa là “Strokes of genius – Federer, Nadal, and the greates match ever played” (tạm dịch là Cú quả của thiên tài – Federer, Nadal, và trận đấu vĩ đại nhất xưa nay”.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 5

Và 10 năm qua, cho tới hôm nay, có lẽ nó vẫn đúng, dù tennis chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt đẩy lên tầm mức mới. Những diễn biến của trận đấu kéo dài gần năm giờ đồng hồ ấy trở về như một trong những giấc mơ đẹp nhất của một đời người những ai yêu mến môn thể thao này.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 6

Mùa Hè 2008, Federer bước tới London với một loạt những kết quả mà anh chưa từng phải trải qua trong suốt quãng thời gian 5 năm, từ 2003 – 2007.

Federer thua Djokovic ở bán kết Australian Open. Mẹ của Djokovic tuyên bố với truyền thông thế giới: “Vua đã băng hà. Đức Vua vạn tuế” – một câu nói đã trở thành mồi lửa châm lên sự thù hận kéo dài tới mãi hôm nay giữa Federer với gia đình Djokovic.

Rồi sau đó, Federer chỉ giành được hai chức vô địch và là ở ATP 250, không vào nổi tới chung kết của cả hai Masters 1000 đầu tiên trên sân cứng là Indian Wells và Miami, và thua Nadal trong 3 trận chung kết cho tới khi anh đến Wimbledon.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 7

Trận chung kết Roland Garros 2008 có lẽ là màn trình diễn tệ hại nhất, mang lại kết quả đáng xấu hổ nhất trong sự nghiệp của Federer: Thua Nadal mà chỉ giành nổi 4 game sau 3 set.

Nhưng Federer tới Wimbledon với một mục tiêu lớn: Khi chưa thể bắt kịp kỷ lục 14 Grand Slam của Pete Sampras thì việc trở thành người đầu tiên sáu lần liên tiếp vô địch Wimbledon (vượt Bjorn Borg) cũng là kỳ diệu.

Federer tự tin cũng đúng. Anh vẫn là số 1 thế giới lúc ấy, cộng với cách tính hạt giống dựa trên thành tích quá khứ và bảng xếp hạng ATP nên Federer đứng trên 127 tay vợt còn lại một cách tuyệt đối, bao gồm cả Nadal.

Wimbledon 2006 và 2007, Federer đều khuất phục Nadal trong trận chung kết đầy thuyết phục, dù không dễ dàng.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 8

Mọi lời ca tụng lẫn đánh giá của thế giới tennis lúc ấy dành cho Federer ở Wimbledon quả không sai. Nadal tiến vào trận chung kết chỉ thua đúng một set, dù các đối thủ là những Hrbaty, Soderling, Hewitt, Ancic hay Safin.

Federer thực sự sẵn sàng cho thử thách mà Nadal sẽ tạo nên một lần nữa ở Grand Slam danh giá nhất này và là sân chơi của riêng anh từ năm 2003. Năm 2006, Nadal sau 4 set. Năm 2007, Nadal thắng thêm được nhiều hơn thế, là hai.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 9

Nếu như Federer là trên vạn người và chỉ dưới một người trên sân đất nện thì Nadal cũng như vậy ở trên mặt sân cỏ trong thế hệ của họ tại thời điểm đó.

Federer đủ sức vào tới 3 trận chung kết Roland Garros liên tiếp thì Nadal cũng đủ tài năng để đi tới trận cuối cùng của Grand Slam duy nhất trên mặt sân cỏ Wimbledon trong quãng thời gian tương tự.

Số người làm được như thế đếm không đủ một bàn tay. Nó giúp cho cuộc đối đầu giữa Nadal và Federer trở thành kinh điển của kinh điển, vượt xa sự đối đầu giữa John McEnroe với Ivan Lendl, giữa Sampras và Agassi, hay bất cứ cặp kỳ phùng địch thủ nào khác.

Năm ấy, Nadal vô địch giải khởi động cho “mùa” sân cỏ ở Queen’s Club, dù cho anh chỉ có đúng một ngày nghỉ sau khi đánh bại Federer ở Paris.

Gọi là mùa thật ra chỉ là sự phóng đại, vì 10 năm trước, khoảng cách thời gian giữa ngày cuối cùng ở Roland Garros với giải đầu tiên trên sân cỏ chỉ là vài tiếng đồng hồ.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 10

Nadal đã từ chối đề xuất ưu đãi của BTC giải Queen’s muốn đưa máy bay riêng tới Paris đón anh sang London để tiết kiệm thời gian và sức lực. Chú Toni quyết định rằng Nadal và toàn bộ ê kíp sẽ vượt eo biển Manche bằng tàu như đã lên kế hoạch.

Vậy mà Nadal vẫn vô địch Queens sau 5 trận đấu. Nadal chỉ kịp trở về Mallorca nghỉ ngơi vài hôm, rồi sau đó quay trở lại London, tiếp tục chiến đấu cho mục tiêu trở thành người đầu tiên sau Bjorn Borg vô địch Roland Garros và Wimbledon cùng trong một năm.

Trước các đối thủ khá tên tuổi như Andreas Beck, Gulbis, Kiefer, Youzhny, Murray, Schuettler, Nadal chỉ mất đúng 1 set (vào tay Gulbis) để lần thứ ba liên tiếp lọt vào tới trận chung kết Wimbledon. Thành tích 3 lần vào chung kết liên tiếp ấy xếp Nadal ngang với nhiều tay vợt lừng danh trên sân cỏ, trong đó có Stefan Edberg, một nghệ nhân của lối chơi giao bóng lên lưới.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 11

Federer ở giải đấu đó, cũng như suốt nhiều năm trước đó luôn có một danh sách những tay vợt trái tay để làm quân xanh cho anh tập, chuẩn bị cho mỗi giải đấu có Nadal tham dự.

Có nhiều hơn một ngày chuẩn bị, Federer đã đưa một tay vợt trẻ thuận tay trái từ Mỹ qua.

Còn Nadal tập với người đại diện thương mại của anh, Carlos Costa, cũng từng là một tay vợt chuyên nghiệp. Nadal không chủ quan. Anh thường đã chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng từ trước, và khi còn trẻ, có khả năng thích ứng cực nhanh.

Cũng bởi thế mà trước trận bán kết, Nadal mời John McEnroe lúc đó đang ở London làm bình luận viên truyền hình, vào vai quân xanh cho anh tập.

Cuối cùng trận đấu cũng tới. Gần 15 ngàn khán giả ngồi kín Center Court để chứng kiến trận chung kết giữa Federer, số 1 thế giới suốt từ năm 2004, và Nadal, người lúc đó đã có 156 tuần liên tiếp đứng ở vị trí số 2 (từ 2005).

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 12

Nếu có một sự so sánh nào đó với các môn thể thao khác, thì trận đấu ấy cũng giống như 2 võ sĩ quyền anh xuất sắc nhất gặp nhau để tranh chiếc đai vô địch tuyệt đối. Họ đã thắng 14 trong số 16 giải Grand Slam gần nhất tính tới trước ngày 6 tháng 7 năm 2008.

Nadal bước ra sân trước, Federer ra sau đó chỉ vài giây. Wimbledon có một thông lệ, tất cả các tay vợt bước ra sân mà không mang theo đồ gì cả. Nhưng Nadal trong suốt sự nghiệp của mình phải luôn cầm trên tay một cái gì đó khi đi ra từ trong đường hầm.

Anh xin và BTC đồng ý cho một ngoại lệ: được cầm cây vợt Babolat. Đó là một trong tám cây vợt trong túi của Nadal.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 13

Chiếc đồng xu Slazenger (nhà tài trợ bóng) được tung lên, Federer giành quyền giao bóng. Và ngay trong pha bóng đầu tiên ấy, cả hai có 14 lần chạm vợt.

Federer và Nadal chính là những người đã tạo nên sự thay đổi của tennis hiện đại. Trận chung kết giữa McEnroe và Lendl của giai đoạn trước đó, suốt trận chỉ có đúng 1 lần 2 tay vợt đôi công nhiều hơn 6 lần chạm vợt.

Mặt cỏ ở Wimbledon được thay thế từ 2001 góp phần làm cho mặt sân chậm lại. Sự phát triển của công nghệ, sự hoàn thiện của những kỹ năng, sự phát triển ghê gớm về thể lực được dẫn dắt bởi Nadal và Federer đã làm thay đổi tennis.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 14

Nadal giành điểm đầu tiên của trận đấu sau cú thuận tay chéo sân. Nhưng Federer kết thúc game đấu bằng một cú ace. Cú giao bóng có tốc độ tốt nhất của trận chung kết thuộc về Federer, 129mph.

Bao gồm cả game đấu đó cho tới lúc kết thúc trận đấu, cả hai tay vợt có mặt trên sân là 4 giờ 48 phút (chung kết dài nhất lịch sử Wimbledon và dài thứ hai trong lịch sử Grand Slam).

Nếu như trận đấu bị chi phối bởi 3 cơn mưa thì nó cũng có thể được chia ra làm ba phần: Phần 1 là sự áp đảo của Nadal, phần 2 là sự thi triển những tuyệt kỹ của cả hai, làm nên những tình huống kinh điển mà Federer nhỉnh hơn ở những khoảnh khắc quan trọng nhất, và phần 3 là bản lĩnh của Nadal để vượt qua khó khăn để giành chiến thắng chung cuộc.

Nadal bẻ game lần đầu tiên của Federer ngay ở game thứ ba set 1. Trả giao bóng tốt để lập tức nhồi trái với Federer, chiến thuật ấy phát huy tác dụng.

Cũng không phải là khi gặp Federer chơi trái một tay thì Nadal mới làm thế. Ông Toni đã chuẩn bị và tập cho Nadal chiến thuật ấy suốt 14 năm, kể từ khi Nadal chính thức làm tay chiêu sau khi không còn cầm hai tay đánh cú forehand vào năm 8 tuổi.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 15

“Tôi khi là một tay vợt bóng bàn cũng như tennis, luôn rất sợ hãi khi phải đối đầu với người tay chiêu”, ông Toni từng lý giải như thế khi “giải phẫu” chuyện Nadal thuận tay phải nhưng cầm vợt tay trái.

Lợi thế đó được Nadal duy trì cho tới khi kết thúc set 1 khi mà Federer không có nhiều sức phản kháng, lại bị những cú bóng xoáy của Nadal đẩy ra khá sâu sau vạch baseline.

Federer sau này lý giải, dư chấn từ trận chung kết kinh hoàng ở Roland Garros đã khiến cho anh thiếu tự tin. “Sau trận chung kết ấy tôi đã khóc 30 phút”, Federer kể về ký ức Paris.

Sự ám ảnh ấy dường như đã tiếp tục chi phối Federer sang tới cả set 2. Dẫn 4-1 nhưng rồi sau đó Federer bị bẻ game liên tiếp và Nadal thắng liền năm ván.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 16

Nếu trận đấu dừng ở đó, hoặc nếu set ba vẫn như thế, trận chung kết Wimbledon 2008 sẽ trở nên nhạt nhẽo. Federer có thể sẽ bị chỉ trích dữ dội hơn nhiều so với việc anh chỉ thắng được 4 game ở chung kết Roland Garros.

Nhưng Federer không để điều đó xảy ra nhờ các kỹ năng của một thiên tài, là Vua trên mặt sân cỏ, người có cú giao bóng của Pete Sampras, có cú volley của Stefan Edberg, có bộ chân của con kangaroo mạnh khoẻ nhất, có cú thuận tay khi cần sẽ vặn ngược thời gian trở lại những năm 80 – 90 với cú bạt phẳng lỳ và lúc khác lại chơi bóng xoáy của kỷ nguyên do chính anh và Nadal mở ra, có cú trái một tay kỳ ảo, và đặc biệt là cảm giác chơi bóng tới nay chưa thấy người thứ hai.

Khi Federer tiếp xúc với bóng, cơ thể anh thả lỏng như một hoạ sĩ, mắt nhìn vào bóng như tay súng bắn tỉa, rồi giữ nguyên trạng thái của đầu sau khi tiếp xúc bóng như một gôn thủ sau khi đã di chuyển những bước chân linh hoạt ngang, dọc hay chéo như một võ sĩ boxing nhà nghề.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 17

Tất cả những điều đó Federer kết hợp với nhau hoàn chỉnh trong một pha bóng, trong một vài cái chớp mắt, hoặc chỉ là vài phần trăm giây.

Nếu như những cú giao bóng tuyệt đỉnh giúp Federer chiến thắng trong loạt tiebreak của set 3, thì người ta nhớ mãi về cú trái tay dọc dây ở loạt tiebreak của set 4.

Cú trái tay ấy cho tới về sau này Federer xếp nó là 1 trong 2 cú đánh xuất sắc nhất sự nghiệp. “Có thể tôi đã thực hiện ở đâu đó, nhưng về tầm quan trọng thì thật đặc biệt”.

Vậy nó quan trọng thế nào? Đó là khi Nadal có được championship point thứ hai, cơ hội thứ hai để kết thúc trận đấu, và vừa mới trước đó, Nadal phòng ngự phản công bằng cú thuận tay quả chuối kinh điển, thì Federer đáp trả bằng cú trái tay đi từ ngoài sân vòng vào dọc dây.

Hai pha bóng gần như liên tiếp trước sự chứng kiến của những huyền thoại qua các thời kỳ có mặt trên sân, để Bjorn Borg đã phải thốt lên rằng ông được xem trận tennis hay nhất trong cuộc đời mình.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 18

Cũng ở set đấu đó và thêm cả set 5, Federer trình diễn thứ tennis tuyệt hảo, đôi khi serve liên tục 4 cú không thể trả giao để kết thúc game đấu trên dưới 1 phút, đôi khi lại né trái đánh phải và tát quả bóng dọc dây cháy sân khi trả giao bóng hai của Nadal.

Nadal từ chỗ thắng hai set đầu, có hai championship points, đã có lúc tưởng như thua thêm Federer một lần nữa, và sẽ không bao giờ vô địch Wimbledon.

Nhưng điều kỳ diệu là Nadal, như được tôi luyện trong một trường quân đội nào đó của Triều Tiên thấy ý chí và nghị lực phi thường, có sự lạnh lùng như thể một sĩ quan KGB dù lúc đó mới chỉ đúng 22 tuổi 1 tháng (sinh 6/6/1986).

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 19

Pascal Maria, trọng tài người Pháp lúc ấy mới chỉ 35 tuổi, lần đầu tiên được bắt một trận chung kết Grand Slam. Sự lựa chọn này là cú sốc với bản thân, ông bèn gọi điện mời cả gia đình từ Nice qua London để xem trận chung kết.

Một trong những quyết định cứng nhất của Pascal Maria là khi ông cảnh cáo Nadal vi phạm luật 20 giây khi Nadal chuẩn bị serve điểm 30-30, 4 đều ở set 3. Thường thì các trọng tài ít khi bắt lỗi ở một thời điểm bản lề như vậy.

Nhưng Nadal chỉ ngừng lại trong một giây, rồi lại tiếp tục đập bóng. Anh thậm chí không ngước lên nhìn trọng tài, không một cái nhíu mày. Những thử thách và các nguyên tắc mà ông Toni đặt ra cho Nadal từ lúc còn là một cậu bé đã biến Nadal đôi lúc thành một cỗ máy – cỗ máy hủy diệt.

Trong tennis, “quên đi điểm số vừa rồi, quên đi chuyện mới xảy ra” là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất. Nadal làm điều đó cực tốt.

Những pha bóng kinh điển giữa Federer - Nadal (chung kết Wimbledon 2008)

Một nguyên tắc nữa mà Nadal và chú của anh luôn hiểu, nhưng ít khi nói ra, ấy là “tennis là sự kiên nhẫn, chờ đợi, vì không phải lúc nào đối thủ cũng có thể giao bóng chính xác và mạnh liên tục, rồi cơ hội sẽ tới”.

Việc Federer thắng game giao bóng đơn giản còn Nadal chật vật cầm game ở set 5 khiến nhiều người nghĩ rằng Nadal rồi cũng sẽ bị bẻ gãy. Ông Toni thậm chí đôi lúc còn hoang mang hơn cả cháu mình.

Cơn mưa ập xuống Center Court một lần nữa lúc tỉ số là 2-2 ở set 5. Đó là cơn mưa thứ hai kể từ khi trận đấu bắt đầu. Nadal và ông Toni gặp lại nhau trong phòng thay đồ, Nadal thậm chí còn phải trấn an ngược lại:

“Đừng có mà ngủ gật đấy chú”. “Chú còn nhớ không, năm ngoái, thua ở đây, cháu đã nói rằng không biết mình còn có thể vào tới chung kết một lần nữa hay không. Vậy mà giờ cháu ở đây, yên tâm, cháu sẽ thắng”. “Cậu trấn an tôi đấy à”? Thật. Cứ bình tĩnh đi chú. Cháu mất 2 tiebreak, nhưng Federer không thể bẻ được game nào trong cả hai set đó. Thế thì tại sao cháu không thể thắng set 5”?

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 20

Cuộc đối thoại ấy bằng tiếng Tây Ban Nha, đương nhiên rồi. Cách đó không xa là Federer đối thoại với HLV Luthi bằng tiếng Thụy Sĩ pha Đức. Hai phe của cuộc chiến không muốn bên nào đọc được suy nghĩ của nhau.

Và 30 phút mưa tạnh. Cả hai trở lại sân đấu khi trời London bắt đầu nhá nhem tối. Sân không có đèn. Cả hai hiểu rằng nếu không thể kết liễu đối thủ thì họ sẽ phải trở lại đây vào ngày mai.

Federer serve trước. Nadal tiếp tục chắt chiu từng điểm bám đuổi, chờ đợi cơ hội. Khi kết thúc set 4, điểm số của cả hai cùng là 151. Cân bằng.

Và khi kết thúc set 5, điểm số của Federer là 204 còn Nadal là 209. Bỏ đi một điểm lẻ tức là Nadal đã lấy được của Federer hai điểm: Đó là cả hai điểm mà anh bẻ được game của Federer ở game thứ 15 của set 5.

Wimbledon là một trong hai Grand Slam không dùng tiebreak ở set cuối. Người thắng phải chênh hai game. Nó tạo sự khốc liệt, đôi khi là tra tấn cả về thể chất lẫn tâm lý.

Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 21

Trọng tài bước xuống sân quyết định khi tỉ số set 5 là 7-7, nếu 2 game nữa, không ai thắng, trận đấu sẽ dời sang ngày hôm sau. Lúc ấy đâu đó khoảng 9 giờ tối London. 3 giờ sáng Việt Nam. 16 phút sau, trận đấu kết thúc. Nadal bẻ được game và sau đó kết thúc trận đấu theo đúng cách của anh: buộc đối thủ tự mắc lỗi.

Vậy là cuộc lật đổ vĩ đại nhất của tennis thế giới đã xảy ra trước sự chứng kiến của 13,1 triệu người Anh ngồi trước màn hình dõi theo giây phút căng thẳng nhất, với 4,5 triệu khán giả Tây Ban Nha, 1,2 triệu khán giả Thụy Sỹ và hàng trăm triệu người khác trên toàn thế giới.

Nadal chiến thắng Federer. Vua sân đất nện quật ngã Vua sân cỏ. Cuộc đối đầu của hai huyền thoại mà tới hôm nay họ vẫn đang đứng đúng ở vị trí của 10 năm trước: Nadal số 1, còn Federer số 2 thế giới, để chúng ta được gọi họ là những huyền thoại sống, huyền thoại đương đại.

1 tháng sau trận chung kết kinh điển ấy, Nadal giành HCV Olympic đơn nam ở Bắc Kinh, vươn lên ngôi số 1 thế giới lần đầu tiên sau 160 tuần đứng vị trí thứ hai (kỷ lục). Còn kỷ lục của Federer dừng lại ở 237 tuần liên tiếp.

Và họ hôm nay, như cái kết mỹ mãn nhất của mọi câu chuyện cổ tích, chung sống hòa bình với nhau trong một thế giới tennis không ngừng cạnh tranh…


Siêu kinh điển Federer - Nadal: 10 năm trận đấu thiên niên kỷ (Chung kết Wimbledon 2008) - 22

Content: Phạm Tấn

Designer, Coder: Nãm Trung Nguyên

Thứ Sáu, ngày 06/07/2018 11:40 AM (GMT+7)
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])