Show diễn của Djokovic và Murray
Phải chăng Novak Djokovic và Andy Murray sẽ trở thành cặp đấu đáng xem nhất làng banh nỉ tới đây.
Sau trận chung kết US Open và Thượng Hải Masters, không ít người tin rằng Djokovic – Murray đã trở thành cặp đấu huyền thoại tiếp theo trong lịch sử quần vợt. Quả thật trong năm 2012, họ đã chơi rất xuất sắc, khiến cả thế giới phải dõi theo từng giải đấu. Hai tay vợt người Anh và Serbia đã gặp nhau 5 lần, trong đó có hai trận đấu kéo dài 5 séc tại Grand Slam (bán kết Australian Open và chung kết US Open). Tuy nhiên, có một vài lý do để tin rằng Djokovic và Murray vẫn chưa thể trở thành huyền thoại như cặp Nadal – Federer.
Thứ nhất, việc hai tay vợt này đối đầu trong hệ thống các giải đấu của ATP không phải mới. Murray và Djokovic, cả hai sinh cùng một tuần tháng 5/1987, đã biết nhau rất rõ kể từ khi bước chân vào quần vợt chuyên nghiệp, tính đến sau trận chung kết Thượng Hải Masters vừa qua, họ đã gặp nhau 16 lần.
Murray và Djokovic vẫn chưa thể thay thế Nadal và Federer
Thứ hai, quá sớm để nói về sự sụp đổ của hai cặp đại kình địch khác, Federer – Nadal và Nadal – Djokovic. Trong quá khứ, ít nhất có hai lần người ta đề cập về sự hấp dẫn, kịch tính mỗi khi Federer đối đầu với Nadal. Nào là Nadal sẽ không thể lấy lại phong độ cũ khi dính chấn thương đầu gối rất nặng tại Roland Garros 2009, rồi đến Federer đã sa sút do dấu ấn tuổi tác. Nhưng rồi, cả hai đều đã trở lại, cống hiến cho NHM những trận đấu đỉnh cao như năm 2008 hay đầu năm 2009. Còn cặp Nadal và Djokovic cũng chưa thể nói đã “chết yểu”. Sau mỗi lần nghỉ chấn thương đầu gối, Nadal đều trở lại và thi đấu rất bùng nổ. Biết đâu, anh và Djokovic sẽ lại mang đến những trận chung kết nghẹt thở trong năm 2013.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Murray đang dần đạt đến đẳng cấp của những huyền thoại làng banh nỉ, bắt đầu giành được những danh hiệu lớn hơn, tự tin đối đầu với các tay vợt Top 3 thế giới. Từ US Open cho đến Thượng Hải Masters, Murray khiến NHM tin rằng “ngày đấy” không còn xa nữa.
Lối chơi cuối sân ngày một hoàn hảo
Sự tiến bộ của Murray một lần nữa chứng minh “serve and volley” (giao bóng lên lưới) đã không còn đất diễn. Đầu thế kỷ 21, Roger Federer vẫn coi Sampras như một hình mẫu, xây dựng lối đánh của mình dựa nhiều vào những cú giao bóng rồi tràn lưới. Sau vài năm không thể thành công, Fedex dần hiểu ra được vấn đề, điều chỉnh lại lối chơi, giảm bớt tần suất lên lưới, trở thành tay vợt chơi toàn diện với lối đánh khắp mặt sân (all court play). Kể từ đó anh mới đạt tới đỉnh cao sự nghiệp và trở thành huyền thoại của những huyền thoại.
Phòng ngự cuối sân là sở trường của Nadal
Trên thực tế, lối chơi của Federer vẫn pha một chút gì đó của “serve and volley” nhờ kỹ thuật cá nhân hoàn hảo. Nhưng lối chơi đẹp mắt của Federer đã không còn nhiều đất dụng võ khi mà chiến thuật cuối sân (baseline strategy) ngày một trở nên đáng sợ hơn. Suốt từ Australian Open 2010 cho đến Wimbledon 2012, Fedex chỉ một lần đăng quang tại Grand Slam cũng chỉ vì những tay vợt “tôn thờ Bjorn Borg”.
Lleyton Hewitt sớm thành công nhờ lối chơi cuối sân, giành hai chức vô địch Grand Slam, US Open (2001) và Wimbledon (2002). Nhưng tay vợt người Australia cũng chỉ dừng chân ở đó khi mà những năm sau Federer đã chơi quá hay, thống trị làng banh nỉ nhờ kỹ năng hoàn thiện. Và phải tới khi Nadal xuất hiện, baseline strategy mới bộc lộ đầy đủ những tính năng ưu việt. Tay vợt Tây Ban Nha đã cho tất cả thấy để vận hành lối chơi ấy chẳng hề đơn giản, không chỉ dựa vào sức mạnh cơ bắp, sự kiên nhẫn, lì lợm ở cuối sân.
Ở giai đoạn đầu trên con đường trở thành số 1, Nadal chơi thiên về phòng ngự, có xu hướng đánh trả từng đường bóng, rồi kiên nhẫn chờ cho đối thủ mắc sai lầm. Họa hoằn lắm Vua đất nện mới dứt điểm khi tình huống quá ngon ăn.
Đỉnh cao của lối chơi baseline strategy chính là tấn công cuối sân. Thực tế là một tay vợt không thể đạt tới đỉnh cao của tennis nếu chỉ lăm lăm phòng ngự. Bởi vậy, bên cạnh khả năng phòng ngự siêu hạng, cứu những pha bóng không tưởng, Nadal dần dần hoàn thiện kỹ năng, tấn công cuối sân nhiều hơn bằng mọi cú quả.
Nadal ngày một quái hơn, hiểu rõ sức mạnh của mình và tấn công liên tục vào điểm yếu của đối thủ. Thế mới có giai đoạn anh liên tục thắng Federer mỗi khi đối đầu để trở thành số 1, thường xuyên sử dụng những cú topspin để ép trái Tàu tốc hành. Sự thăng hoa của Nadal tạm thời dừng lại khi Djokovic đạt đến một tầm cao mới. Nole tấn công cuối sân thậm chí còn hay hơn cả tay vợt người Tây Ban Nha. Để khắc chế những đường bóng nảy cao, Djokovic buộc phải nâng tầm khả năng đè bóng. Rồi anh lại dùng chính điểm mạnh của Nadal để đánh bại tay vợt này, đó là khả năng chơi rally (bóng bền). Nhờ thể lực vượt trội, Nole rất lì lợm, vừa tấn công, vừa cù cưa để chuyên gia bóng bền như Nadal mắc lỗi.
Tới năm 2012, Djokovic được chứng kiến lại hình ảnh của mình khi đấu với Andy Murray. Murray bỗng nhiên kiên nhẫn tới đáng sợ kể từ khi được dẫn dắt bởi huyền thoại Ivan Lendl. Tay vợt người Anh trì đến độ khiến Djokovic mất bình tĩnh, đập nát cây vợt. Ở hai trận chung kết US Open và Thượng Hải Masters, Nole đều phải chơi tấn công nhiều hơn để tìm lấy cơ hội chiến thắng và kết quả là phải đón nhận một thất bại. Nhiều người cho rằng Djokovic đã chứng tỏ được bản lĩnh khi cứu được 5 championship points. Điều đó không thể phủ nhận, nhưng rõ ràng tay vợt người Serbia tạo nên cú lội ngược dòng ngoạn mục cũng nhờ đóng góp không nhỏ của Murray. Một khi Murray cải thiện tốt hơn nữa tâm lý thi đấu, nâng tầm cú quả , chắc chắn Djokovic sẽ khó lòng tái hiện được kỳ tích đó.
Lối chơi cuối sân sẽ mang lại thành công cho các tay vợt
Tennis hiện đại – cái đẹp trong sự chắc chắn
Mỗi năm qua đi, sự khắc nghiệt của các trận đấu tennis đỉnh cao khiến các tay vợt buộc phải tự nâng cao kỹ chiến thuật nếu muốn tồn tại. Tennis hiện đại giờ không chỉ phụ thuộc vào giao bóng và những cú đoa chính xác, uy lực, các tay vợt cần phải hoàn thiện khả năng trả giao bóng cũng như cú trái. Nếu chỉ biết tấn công và tấn công, thật khó để có thể lọt vào Top 4 bởi không phải ai cũng có được kỹ năng toàn diện như Federer. Muốn thành công ở thời điểm này, họ phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa tấn công và phòng ngự.
Thực tế cho thấy, phòng ngự tốt chính là bàn đạp dẫn đến sự thành công. Điều đó đồng nghĩa với việc mất break diễn ra thường xuyên hơn. Từ trước đến nay, chúng ta luôn quan niệm việc để mất quá nhiều break trong một trận đấu là dấu hiệu xấu, chứng tỏ tay vợt đó đang gặp vấn đề về kỹ thuật hay tâm lý. Song điều này có lẽ nên được xem xét lại trong “kỷ nguyên Murray – Djokovic”. Đơn giản bởi họ trả giao bóng quá tốt, phòng ngự tuyệt vời nhằm bẻ game đối phương cầm giao bóng. Rõ ràng, điều đó hoàn toàn tích cực chứ không hề tiêu cực.
Bên cạnh đó, nền tảng thể lực là yếu tố then chốt mang đến vinh quang cho một tay vợt. Nếu sức bền không tốt, gặp những chuyên gia rally như Nadal, Djokovic hay Murray sẽ cầm chắc một thất bại.
Đó là những yêu cầu cần thiết của một nhà vô địch.