Sharapova: Nữ hoàng đất nện thời khủng hoảng
Làm thế nào để Sharapova, người tự ví mình trên sân đất nện như “con bò trên sân băng” lại trở thành người thống trị đất nện của WTA.
Ổn định và tiến bộ không ngừng
Không ai giành nhiều danh hiệu lớn trên mặt sân đất nện như Sharapova trong hai năm qua. Cô vô địch Roland Garros 2012, danh hiệu đủ để hoàn tất sự nghiệp Grand Slam khi mới 25 tuổi. Cô vô địch Rome 2012 sau khi đăng quang chính nơi đây năm 2011, và vừa bảo vệ thành công chức vô địch ở Stuttgart.
Chuỗi chiến thắng liên tiếp trên sân đất nện của Sharapova hiện là 16. Và Rome cũng như Stuttgart chính là những giải lớn đầu tiên Sharapova bảo vệ thành công chức vô địch sau ba lần từng làm được điều tương tự ở những giải đấu nhỏ như ở Birmingham (2004-05), San Diego (2006-07) và Tokyo khi chưa được nâng cấp (2003-2004).
Sharapova vừa bảo vệ thành công chức vô địch ở Stuttgart
Những đối thủ bị Sharapova đánh bại trên sân đất nện trong thời gian qua là Li Na (ở Rome 2012 và Stuttgart 2013), Azarenka (Stuttgart 2012), Errani (Roland Garros), Samantha Stosur (Rome 2011). Điều đặc biệt, cũng trong quãng thời gian này, Sharapova lại thua khá dễ Li Na trên mặt sân cứng, ở Australian Open 2013 (2-6,2-6), thua Azarenka 3-6, 1-6 ở Bắc Kinh Open, hay ngang ngửa với Stosur (thua ở Tokyo, thắng lại ở Qatar).
Như thế liệu đã đủ để tạm thời tấn phong cho Sharapova một danh hiệu Nữ hoàng trên sân đất nện? Nếu câu trả lời là chưa, nó cũng đã là một sự thay đổi cực lớn so với chính cô trong quá khứ.
“Con bò trên sân băng”
Nếu như Sharapova từng giành Wimbledon khi mới 17 tuổi, phải sáu năm sau cô mới biết tới vinh quang ở sân đất nện tại Strasbourg 2010 (danh hiệu ở Amelia Island 2009 là trên sân Hartru Clay kiểu Mỹ). Và danh hiệu lớn đầu tiên của Sharapova trên mặt sân đất màu đỏ là ở Rome 2011.
Hay trong số 21 danh hiệu Sharapova giành được cho tới trước Rome 2011 (không tính Amelia Island), có tới 20 danh hiệu là sân cỏ và cứng.
Và khi Sharapova đã vô địch từ Wimbledon tới US Open và Australian Open trong gian đoạn 2004-2008, phải tới năm 2012, cô mới vào tới chung kết Roland Garros.
Thực ra, Sharapova đã vào tới bán kết Roland Garros 2007, nhưng cô thua Ivanovic mà chỉ giành được ba game. Đó là giải đấu Sharapova đã tự ví mình giống như “con bò trên sân băng”.
Sharapova cao 1m88, một hình thể không được cho là lý tưởng trên sân đất nện khi một số nhà vô địch giải đấu này gồm Jusin Henin, Schiavone đều cao chưa tới 1m7, hay chỉ hơn 1m7 như Li Na, Kuznetsova (với WTA). Chiều cao ấy khiến cô xoay trở chậm hơn, trong khi vốn dĩ cô không phải là người có tốc độ di chuyển tốt (cả khi di chuyển ngang lẫn di chuyển dọc).
Sharapova đã tự ví mình giống như “con bò trên sân băng”
Sharapova lớn lên trên đất Mỹ, nơi chỉ có sân cứng và lác đác một vài sân đất nện màu xám (không được phổ biến trên toàn thế giới).
Sharapova có lối đánh dựa trên cú giao bóng sấm sét (trước 2009), với cú thuận tay uy lực và luôn muốn kết thúc đường bóng ngay trong lần chạm vợt đầu tiên. Cách đánh ấy khiến cô, dù rất ít khi lên lưới, dễ phát huy điểm mạnh của mình trên các mặt sân nhanh (cỏ và cứng) hơn là sân đất nện.
Và đặc biệt, Sharapova không có kỹ thuật xoạc trên sân đất nện, nơi kỹ thuật di chuyển chuẩn mực là xoạc trước hoặc sau khi chạm vợt vào bóng trong lúc di chuyển ngang ở hai đầu sân cũng như cả những pha di chuyển lên cứu bóng hay bắt volley.
Bước xoạc trên sân đất nện tạo sự cân bằng cho cơ thể, tận dụng lợi thế của mặt sân trơn (so với sân cứng), và bàn chân xoay ngang giúp các tay vợt giảm tốc độ và “phanh” lại kịp thời, và trở về với vị trí sẵn sàng nhanh hơn. Guillermo Vilas, nhà vô địch Roland Garros 1977 người Argentina cho rằng xoạc là kỹ thuật quan trọng nhất trên sân đất nện, và những người xoạc giỏi nhất chính là Borg và Nadal.
Ngay cả trong trận chung kết Stuttgart mới đây, Sharapova vẫn không thực hiện kỹ thuật xoạc trong khi di chuyển. Nó hoàn toàn trái ngược với Li Na có thể xoạc thuần thục hơn và cũng tỏ ra linh hoạt hơn khi di chuyển.
Lý do nào để Sharapova lên ngôi trên sân đất nện?
Li Na dù cho đã có một quãng thời gian dài tập luyện ở Đức, nơi mà sân đất nện nhiều hơn sân cứng, vẫn không phải là một chuyên gia sân đất nện, do xuất thân từ Trung Quốc vốn không có truyền thống tennis và cũng thiếu vắng sân đất nện.
Có hai tay vợt vẫn thường át vía Sharapova trong những năm gần đây, là Serena Williams và Azarenla, nhưng họ thường chỉ làm điều đó trên mặt sân cứng và sân cỏ. Vốn dĩ Serena là một tay vợt Mỹ điển hình, tức là không giỏi trên mặt sân đất nện, và chức vô địch duy nhất ở Roland Garros cách nay 11 năm của cô được coi là thành tích bất ngờ.
Azarenka cũng không khác Sharapova là mấy, trưởng thành từ các lò đào tạo tennis của Mỹ, dù cô rời bỏ quê hương Belarusia của mình muộn hơn.
Các tay vợt thường nằm trong top 10 WTA khoảng ba năm qua còn có Radwanska, Kvitova, nhưng người đầu tiên lại chỉ thiên về phòng ngự và thiếu cú quả đặc sắc, người thứ hai lại là một chuyên gia tấn công trên sân cỏ và cứng (đã vô địch Wimbledon).
Những người được coi là chuyên gia trên mặt sân đất nện của WTA mấy năm qua chỉ còn các tay vợt người Italy. Tiếc là Schiavone sau khi lên ngôi ở Roland Garros 2010 đã không thể chống lại sức nặng của tuổi tác, và Errani bị cho là đã đạt tới ngưỡng của khả năng.
Sau Justin Henin, tennis nữ thế giới đã không còn những chuyên gia đất nện thực sự. Thậm chí, tìm những người đủ khả năng để so sánh với Mary Pierce hay Amelia Mauresmo (đều của Pháp) cũng là nhiệm vụ bất khả thi.
Sharapova trong môi trường cạnh tranh ấy dù đôi khi vẫn giống như “con bò trên sân băng” (như cách cô nói ở Roland Garros năm ngoái), nhưng không quá thất thế khi tìm kiếm các danh hiệu trên mặt sân đất nện.
Vả lại, Sharapova giờ đây chỉ có vẻ vụng về do không biết xoạc, chứ cô đã cải thiện khá nhiều những phẩm chất khác và cần có để thành công trên mặt sân đất nện.
Thứ nhất là phòng ngự. Sharapova bẻ gãy game giao bóng đầu tiên của Li Na bằng những đường cứu bóng trái tay miệt mài cho tới khi Li Na tự mắc lỗi, và cuối cùng Sharapova chọn đường bóng hợp lý nhất để ghi điểm trực tiếp. Trên thực tế, giống như các tay vợt khác, Sharapova phòng ngự trên sân đất nện tốt hơn sân cứng và cỏ do bóng đi chậm hơn, có nhiều thời gian hơn để phán đoán đường bóng. Nhưng điều quan trọng nhất là khả năng phòng ngự này được cải thiện nhờ Sharapva nâng cao được nền tảng thể lực trong suốt hơn hai năm qua.
Masha có thể thu vén thêm những thành công trên mặt sân đất nện?
Thứ hai là sự kiên nhẫn. Sharapova dưới bàn tay của HLV Thomas Hodsted (người Thụy Điển) biết chờ đợi hơn (như điểm phân tích ở trên), và biết xây dựng đường bóng chứ không chỉ là cố gắng dứt điểm trong mọi vị trí và tư thế. Mặt khác, cũng giống như Robin Soderling của ATP, một người chơi thiên về tấn công, Sharapova tìm thấy cơ hội lý tưởng hơn cho các cú bóng bạt của mình từ những đường bóng nảy cao (nhưng không quá cao tới tầm mức như của Nadal).
Năm ngoái, Sharapova từ chối nhận xét rằng cô là người thống trị sân đất nện bởi “thống trị đồng nghĩa với việc phải chiến thắng mọi trận đấu”. Ở thời điểm ấy, cô chưa chinh phục được Roland Garros, phải dừng bước trước bán kết ở sân đất nện màu xanh tại Madrid, và chỉ thắng ở Rome và Stuttgart.
Giờ, đã thắng 16 trận liên tiếp, chí ít là Sharapova đã tiến lên một ngưỡng mới, bắt đầu cho cuộc chinh phục trở thành Nữ hoàng đất nện trong một giai đoạn mà những tay vợt xuất sắc nhất của tennis nữ thế giới đều là các chuyên gia sân cứng, và không có ai còn đang cầm vợt lại có nhiều hơn một lần đứng trên bục vinh quang ở Roland Garros.