Sharapova "cáo già" chứ chẳng phải "thỏ non"
Maria Sharapova từng nhiều lần cho biết mình chỉ vô tình bỏ qua những cảnh báo chất cấm từ cơ quan phòng chống doping (WADA), nên vẫn sử dụng chất cấm mà không hề hay biết. Nhưng nếu xâu chuỗi lại những sự kiện thì có thể thấy Masha là một người rất khôn ngoan, lọc lõi.
Những ngày đầu tháng 3/2016, làng tennis rúng động trước thông tin do chính Maria Sharapova công bố, không vượt qua được kỳ kiểm tra doping tại Australian Open 2016 vì dính chất cấm meldonium. Tới hôm 8/6, Sharapova nhận án phạt chính thức từ Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) với thời gian cấm 2 năm, kể từ 26/1/2016 tới 25/1/2018.
Masha rất biết cách để người hâm mộ đứng về phía mình
Theo những báo cáo "chạy tội" của Masha, cô cho biết mình chỉ đơn thuần là để chữa chứng bệnh ischaemia: chứng thiếu máu cục bộ, và rằng cô đã vô tình bỏ qua những mail cảnh báo chất cấm từ Cơ quan phòng chống doping (WADA) nên vẫn sử dụng meldonium để chữa trị bệnh.
Masha bỏ qua những mail cảnh báo, vậy đội ngũ trợ lý của cô những người có trách nhiệm làm việc đó lại tắc trách thế sao? Max Eisenbud người đại diện 44 tuổi của "Búp bê Nga" đã đứng ra nhận lỗi với lời giải thích không ai muốn tin: Max thường có thói quen kiểm tra chất cấm trong những chuyến du lịch với vợ vào cuối năm, năm ngoái ông ly thân với vợ nên không đi du lịch, và quên luôn việc kiểm tra chất cấm cho thân chủ của mình.
Nhưng sự thật lại không đơn giản vậy, Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) tiết lộ một thông tin sốc. Maria Sharapova không chỉ sử dụng meldonium như một chất hỗ trợ trong vài tháng trước Australian Open mà cô đã sử dụng nó suốt 10 năm qua từ 2006, khi cô mới 18 tuổi. ITF kết luận, Masha lạm dụng meldonium một cách có hệ thống và rằng đây là hành động gian dối ghê tởm.
ITF cũng cho biết meldonium không đơn thuần chỉ là chất để chữa chứng thiếu máu, hay trị bệnh tiểu đường mà nó còn tác động tích cực tới sức bền, khả năng phục hồi trong thi đấu theo báo cáo của WADA, nên việc liệt meldonium là doping là hoàn toàn chính xác. Bởi vậy việc Masha người sử dùng chất này trong 10 năm vô tình hay cố tình bỏ qua cảnh báo vẫn còn là một nghi vấn.
Càng bước vào các giải quan trọng tần suất sử dụng meldonium của Masha càng dày. Ở Wimbledon 2015, Masha dùng meldonium 6 lần trong 7 ngày. Còn tại Australian Open 2016, cô dùng 5 lần trong 7 ngày. ITF khẳng định: “Sharapova đã cố tình giấu chuyện cô sử dụng meldonium trong ngày thi đấu và tập luyện. Cô ấy dùng meldonium để nâng cao thành tích thi đấu”.
Một tình tiết khác của ITF cũng khiến nhiều người giật mình. Kể từ năm 2012, chỉ có người đại diện Max Eisenbud biết Sharapova đang sử dụng meldonium. Còn tất cả những đội ngũ khác như bác sĩ chuyên gia dinh dưỡng đều không hề hay biết về việc Masha sử dụng chất meldonium. Do vậy việc Max Eisenbud cho biết mình quên gửi cảnh báo tới Maria Sharapova cũng là một dấu hỏi lớn mà chỉ người đại diện 44 tuổi với Masha mới biết được sự thật.
Ở Australian Open 2016, Sharapova cũng rất "cao tay" khi không khai báo về meldonium trong các bản khai chống doping của cô ở Australian Open 2016, Masha kiểm tra rất kỹ trước khi ký vào ô khẳng định nước tiểu của mình không cần mang đi phân tích doping. Nhưng rồi cuối cùng việc Masha dùng meldonium vẫn bị phát hiện.
Không có meldonium khi trở lại Masha sẽ chơi với phong độ nào?
Sự khôn ngoan của Sharapova còn được thể hiện ở chỗ cô đăng đàn tuyên bố, mình dính doping. Trước đó chưa tay vợt nào dám làm điều tương tự như Masha, nhiều người cho rằng đó là hành động dũng cảm, nhưng nghĩ sâu xa hơn "Búp bê Nga" làm như vậy để nhận được sự cảm thông từ công chúng bởi cô biết trước sau gì thông tin cũng bị báo giới phanh phui.
Chẳng thế mà khi nhiều nhà tài trợ ruồng rẫy bỏ Masha vẫn còn Nike và Head không bỏ "Búp bê Nga", hãng kẹo Sugarpova vẫn bán rất chạy, thậm chí cô còn cho ra đời sản phẩm mới. Cái được lớn nhất của Sharapova là gì? Nhiều người hâm mộ cho rằng án phạt "treo vợt" 2 năm với Masha là quá nặng, nhưng với những người có chuyên môn họ cho như vậy là quá nhẹ.
Huyền thoại quần vợt Úc - Pat Cash: "Là một VĐV chuyên nghiệp sử dụng doping mà chỉ bị cấm 2 năm là án phạt quá nhẹ. Rõ ràng khi sử dụng chất đó, Masha có sức bền và phục hồi tốt hơn những tay vợt khác. Chỉ cô ấy biết điều gì giúp cô chiến thắng trong những năm qua. Meldium không có trong hạng mục chất cấm trước 2016, nhưng rõ ràng nó giúp cô ấy trong thời gian trước đó".
Có thể thấy Sharapova không "thỏ non" như những gì cô đã và đang thể hiện. Maria Sharapova đã phụ thuộc vào meldonium trong 10 năm qua vậy khi không có chất cấm này Masha sẽ chơi với phong độ nào? Câu trả lời sẽ có khi "Búp bê Nga" mãn hạn treo vợt vào ngày 25/1/2018.