Serena, người bảo vệ giá trị Grand Slam

Đã từng có lúc người ta coi Serena Williams là kẻ thù của tennis nữ, nhưng nếu không có cô, tennis nữ thế giới có còn đáng xem?

Việc Serena quyết định kết thúc mùa giải 2015 sớm, sẽ không tham dự cả WTA Finals (ở Singapore) đã lập tức gây nên những hệ quả mà rõ ràng nhất là tính cạnh tranh của giải đấu sẽ suy giảm đáng kể.

Sự thống trị của Serena cũng thường khiến cho tính cạnh tranh giảm bớt. Vì các tay vợt có thể cảm thấy "thối chí" khi đứng trước cô hoặc các trận đấu trở nên nhàm chán và tẻ nhạt bởi sự chênh lệch về mặt trình độ, đẳng cấp. Ngay cả khi đương đầu với cô là số 2 thế giới, Sharapova, thì trận đấu cũng vẫn thường chỉ là một chiều.

Serena, người bảo vệ giá trị Grand Slam - 1

Serena thống trị quần vợt nữ

Nhưng sự thống trị của Serena lại tạo ra một chuẩn mực cho những tay vợt khác nỗ lực vươn lên, mà nếu vượt qua được giới hạn bản thân sẽ tạo nên sự thăng hoa rực rỡ. Như cái cách Roberta Di Vinci thực hiện ở bán kết US Open 2015. Đó không chỉ là trận đấu hay nhất giải, mà còn là một trong những trận bán kết Grand Slam hấp dẫn nhất trong nhiều năm qua của nữ. 

Vì Serena quá mạnh hay phần còn lại quá yếu?

Chúng ta hãy nhìn vào thành tích của Serena trong hai giai đoạn nếu như coi việc Serena bị đánh bại ở vòng 1 Roland Garros 2012 là cột mốc. Tính từ đó cho tới trước US Open 2015, Serena đã thắng 8 Grand Slam trong 13 kỳ gần nhất (61,5%). Cô giành cả thảy 28 danh hiệu trong quãng thời gian hơn ba năm, đạt hiệu suất cứ hơn 10 trận đấu với các tay vợt nằm trong Top 10 của nữ thì thắng 9, và tỉ lệ chiến thắng nói chung trước các tay vợt thuộc đẳng cấp khác nhau là 93,4%.

Tỉ lệ này vượt trội so với các thông số trước đó, như cô chỉ đoạt được 13 danh hiệu Grand Slam trong tổng số 47 lần xuất hiện (27,7%), mất 12 năm mới đoạt được 41 danh hiệu khác nhau, tỉ lệ chiến thắng chỉ là 83% qua 630 trận đấu, và khi đối đầu với Top 10 thì cứ khoảng hai trận thắng lại thua một (111-59).

Phải chăng, Serena ở tuổi ngoài 30 (sinh năm 1981) mới đạt tới độ chín của sự nghiệp, mới trở nên hoàn thiện hơn so với hồi trẻ?

Một phần là như vậy nếu như chúng ta biết rằng những cú giao bóng nhanh nhất của Serena đều được thực hiện trong năm 2013, khi cô trong một trận đấu có hai lần giao bóng lên tới 129 dặm/giờ (208 km/h). Đến Australian Open 2015, khi cú giao bóng nhanh nhất của Djokovic là 129 dặm/giờ thì của Serena dù xuống đôi chút nhưng nhanh nhất vẫn là 127 dặm/giờ.

Serena, người bảo vệ giá trị Grand Slam - 2

Serena càng già càng hay

Một điểm mạnh khác của Serena là sự trưởng thành về mặt tâm lý, kiểm soát trạng thái cảm xúc dù chưa thực sự hoàn hảo nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều.

Serena ở tuổi ngoài 30 trở nên mập mạp hơn, thường dao động trong khoảng 75kg. Nhưng yếu tố cân nặng này không giúp cho bóng của cô nặng hơn mà nó chỉ khiến cô di chuyển chậm hơn so với giai đoạn trước 2012, khi có lúc cô nặng dưới 70kg.

Serena thực ra không phải là người chín muộn. Một tay vợt vô địch Grand Slam đầu tiên khi mới 19 tuổi, rồi giành bốn Grand Slam liên tiếp khi mới 22-23 tuổi cũng đáng để coi là một tay vợt vĩ đại mà không cần phải chờ tới hôm nay, khi cô đã có 21 Grand Slam cả thảy.

Nhưng lý do là ở giai đoạn trước 2012 kéo dài tới 12 năm mà Serena “chỉ” giành được 13 Grand Slam là do cô phải đối mặt với hàng loạt những đối thủ tài năng. Nó thể hiện qua việc cô có tỉ lệ đối đầu thắng/thua với Henin 8-6, nhưng ở khuôn khổ Grand Slam thì cô thua bốn lần và thắng ba.

Một đối thủ tương xứng khác mà Serena gặp đó là Martina Hingis, người chỉ thua Serena tám qua 15 lần đối đầu.

Và Serena còn hay bị ngáng trở ở Grand Slam bởi tay vợt đồng hương Jenifer Capriati, người tuy thua tới 10 lần sau 17 lần gặp, nhưng lại có tỉ lệ đối đầu ở các giải đấu lớn nhỉnh hơn, 4-3.

Ngay cả tới khi các đối thủ lớn kia treo vợt thì Serena đôi khi còn gặp những thử thách đáng kể khác, như những gì đã xảy ra ở US Open 2009. Đánh bại cô ở bán kết US Open 2009 là một Kim Clijster mới quay trở lại với tennis đỉnh cao lúc ấy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN