Trận đấu nổi bật

camila-vs-maria
Australian Open
Camila Osorio
2
Maria Sakkari
1
andrey-vs-joao
Australian Open
Andrey Rublev
0
Joao Fonseca
3

SEA Games - "Mùa gặt" của làng thể thao Việt Nam

VĐV, HLV, các nhà quản lý của ngành Thể thao VN đều “khoái” SEA Games hơn hẳn ASIAD hay Olympic. Đơn giản vì đó là sân chơi “hội làng” dễ dàng có thành tích, kèm theo đó là “mưa” tiền thưởng.

"Mưa" tiền thưởng

Còn nhớ suốt cả tháng cuối của năm 2011, đi đâu cũng thấy dân thể thao hồ hởi nói đến chuyện thành tích rồi khen thưởng, hết tổng kết chung của Ngành đến các địa phương, đơn vị chủ quản. Tất cả cũng nhờ một kỳ SEA Games thành công, với 96 HCV, 92 HCB và 100 HCĐ. Càng vui hơn vì đúng thời điểm ấy, mức thưởng cũng được áp dụng theo quy định mới, tăng gần gấp đôi. 

Chỉ riêng khoản thưởng của Nhà nước cũng lên tới 35 tỷ đồng, rồi thêm của địa phương, đơn vị chủ quản cùng thưởng “nóng” đủ loại. Các HLV, VĐV lập công trên đất Indonesia đã nhận được không dưới 50 tỷ đồng. Trong đó, có hàng chục tuyển thủ giành 2-3 HCV như: Hà Thanh, Ngân Thương, Phước Hưng (Thể dục dụng cụ); Quý Phước (Bơi); Quang Liêm (Cờ vua) lĩnh từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Khoảng 50 tuyển thủ nhận trên dưới 100 triệu đồng. Đông nhất là số lượng gần 300 tuyển thủ thuộc diện “đại trà” với mức 30 - 50 triệu đồng. 

Không phải ai cũng có thưởng “khủng” để tạo ra một bước đột phá cho cuộc sống của bản thân và gia đình, nhưng rõ ràng SEA Games 26 đã giúp cho dân thể thao khép lại một năm trong sự vui tươi. Chỉ cần giành 1 tấm HCĐ là VĐV cũng đã có một khoản 30 triệu đồng để đón cái Tết Nguyên đán tươm tất. Chưa kể rằng rải rác trong cả năm, vì có đích  chuẩn bị cho SEA Games nên tuyển thủ của hàng loạt các ĐTQG được xuất ngoại tập huấn thi đấu. Ngoài chuyện điều kiện tốt hơn, họ cũng có thêm một khoản tiền tiết kiệm từ chế độ tiêu vặt. 

Và quan trọng không kém, ngành Thể thao có thành quả để làm đẹp các bản báo cáo. Thật dễ hiểu, dù báo chí và dư luận có nói gì, dân thể thao vẫn chỉ thích “hội làng” SEA Games nhất. 

Trong khi đó, so sánh ngay năm ngoái, 2012 gắn với sự kiện Olympic London thực sự là một năm đầy vất vả của dân thể thao vốn đã quen với nếp SEA Games. Do sân chơi này quá tầm, nên kế hoạch tập huấn thi đấu, rồi sau đó là thành tích và thu nhập cũng bị đảo lộn và ảnh hưởng lớn theo hướng tiêu cực.

Chỉ chưa đầy 100 tuyển thủ của 20 môn được huy động vào “chiến dịch” Olympic. Sau đó, có 18 tuyển thủ của 11 môn giành vé đến London và không ai giành nổi huy chương. Phần còn lại chiếm số lượng áp đảo đều chỉ có thể tập trung ở mức bình thường, với việc tập huấn thi đấu quốc tế rất hạn chế. Thậm chí, có nhiều môn coi như không thành lập ĐTQG hoặc chỉ tập trung trong thời gian ngắn. 

SEA Games - "Mùa gặt" của làng thể thao Việt Nam - 1

VĐV Hà Thanh

Nhiều môn vẫn có các giải đấu quốc tế để tranh chấp thành tích, nhưng tất cả chỉ nhỏ lẻ thay vì “cao điểm hoành tráng” như SEA Games. So với năm 2011 có sự kiện SEA Games, bảng vàng thành tích năm 2012 đuối hẳn và thu nhập cũng sụt giảm thê thảm. 

Số người lĩnh trên dưới 100 triệu đồng tiền thưởng thành tích như bộ đôi Thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh và Nguyễn Hà Thanh đếm chưa nổi một bàn tay. 

Diện nhận vài chục triệu đồng như thành viên của ĐTQG Taekwondo, Wushu hay môn Bi sắt nhờ giành huy chương châu lục và thế giới là rất hiếm hoi. Hầu hết các môn đều trong cảnh trắng thưởng, may mắn lắm cũng chỉ có được vài triệu đồng tiết kiệm từ tiền công, tiền ăn cả năm. 

Trình độ: mốt hai mốt

Không khó trả lời câu hỏi vì sao thể thao Việt Nam đã khí thế hơn hẳn trong năm 2013 này khi có SEA Games 27. Có tới 517 tuyển thủ của 29 môn được “phó hội” với mục tiêu mà… ngay từ bây giờ ai cũng tin chắc sẽ đạt được là tối thiểu 70 HCV cùng gấp đôi số đó các HCB và HCĐ.

Việc đứng vị trí Top 3 toàn đoàn ở Đại hội thể thao Đông Nam Á rất nhiều đặc thù, phù hợp với sự chuẩn bị và trình độ của Việt Nam. Kèm theo đó là mấy chục tỷ đồng tiền thưởng, cùng hàng loạt các hoạt động khác: Thưởng “nóng” ngay tại Myanmar, rồi tôn vinh rình rang hậu SEA Games. Có nghĩa là, với SEA Games kiểu gì thể thao Việt Nam cũng từ thắng tới đại thắng, khác hẳn với Olympic 2012 không giành nổi tấm huy chương nào hay ASIAD 2010 có vỏn vẹn 1 HCV dù đặt ra chỉ tiêu 4-5 tấm. 

Cả “làng” sẽ lại có một năm vui như hội. Phần nào cần hiểu và chia sẻ với họ vì gắn đến quyền lợi sát sườn, song cũng thật cám cảnh bởi thể thao Việt Nam thực chất đang giậm chân tại chỗ, với sự phụ thuộc hay chính xác là lệ thuộc vào SEA Games. Thế nên, cứ năm chẵn phải góp mặt tại Olympic, ASIAD là làng thể thao Việt Nam buồn tủi còn năm lẻ được dự SEA Games lại đông vui (!?).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi (giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN