SEA Games 33: Hạn chế cả môn thể thao “ao làng” lẫn Olympic?
Danh sách những môn thể thao tranh tài tại SEA Games 33 ở Thái Lan đã hạn chế tối đa số môn "ao làng", nhưng mặt khác, cho thấy nước chủ nhà vẫn luôn tìm cơ hội tăng khả năng giành huy chương vàng bằng việc đưa nhiều môn mới vào chương trình thi đấu.
Kỳ SEA Games giữa mùa đông
Theo kế hoạch tổ chức SEA Games 33, kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 12/2025. Các kỳ SEA Games trước đó thường diễn ra vào mùa hè. Nhưng đến giải đấu sắp tới, chủ nhà Thái Lan đã quyết định kéo thời gian tổ chức xuống mùa đông vì có ý đồ rõ ràng.
Chương trình thi đấu SEA Games 33 sẽ chứng kiến nhiều môn thể thao mùa đông lần đầu xuất hiện. Người hâm mộ thể thao Đông Nam Á chuẩn bị có dịp chứng kiến các VĐV thi đấu trượt băng, trượt tuyết giữa cái lạnh của miền Bắc Thái Lan. Nguyên nhân những môn thể thao mùa đông xuất hiện là một phần kế hoạch "Olympic hóa" SEA Games.
SEA Games sẽ chứng kiến một số môn thể thao mùa đông trở lại.
1 năm trước, kỳ SEA Games tổ chức tại Campuchia từng chịu nhiều chỉ trích. Nước chủ nhà không ngần ngại gạch bỏ nhiều môn thể thao Olympic khỏi chương trình thi đấu, bao gồm những môn truyền thống như Bắn súng, Bắn cung, Đua thuyền. Phía nước chủ nhà phát đi tín hiệu rõ ràng: Họ sẽ không tổ chức những môn mình không có khả năng giành HCV.
Ở chiều ngược lại, Campuchia đưa nhiều môn thể thao bản địa vào như võ Kun Bokator, Kun Khmer, cờ ốc. Sự thực là họ đã giành tới 81 HCV ở kỳ SEA Games này, nhiều nhất trong lịch sử những lần tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Tuy nhiên, điều đó cũng dấy lên mối lo ngại về khả năng hội nhập với thể thao thế giới của Đông Nam Á.
Không thể phủ nhận Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều từ quyết định này. Ở 2 kỳ SEA Games vừa qua, Việt Nam đã đạt ít nhiều thành công khi vận động đưa Vovinam vào chương trình thi đấu. Nhưng với những thay đổi mới nhất, Vovinam một lần nữa biến mất khỏi chương trình thi đấu SEA Games và chưa hẹn ngày trở lại.
Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á đã ra một quyết định trọng đại. SEA Games 32 tại Campuchia là kỳ Đại hội cuối cùng cho phép tổ chức tràn lan những môn thể thao bản địa. Kể từ SEA Games 33 tại Thái Lan, nước chủ nhà buộc phải đưa vào khung chương trình thi đấu chung là những môn xuất hiện trong Olympic, sau đó là ASIAD.
Thái Lan đã làm đúng theo quy định đó, trừ một khoảng hở ít người để ý từ trước: Olympic ở đây bao gồm cả Olympic mùa đông. Chương trình thi đấu Olympic mùa đông tồn tại không ít môn thi đấu nặng về cảm tính, chấm điểm như trượt băng nghệ thuật hay trượt tuyết. Đây cũng là những môn được Thái Lan đưa vào SEA Games 33.
Hiểu theo một nghĩa khác, những nước chủ nhà tổ chức SEA Games luôn có cách đưa nội dung thi đấu họ có thế mạnh vào khung chương trình. Điều đó chỉ thể hiện dưới một hình thức khác, như cách Thái Lan đã làm. Sau 2 kỳ SEA Games không đứng đầu, thể thao Thái Lan đã chuẩn bị cho một kỳ Đại hội rực rỡ hơn bao giờ hết.
"Ao làng" vẫn rất mạnh
Trong nhiều năm gần đây, truyền thông Thái Lan đã liên tục đưa thông tin chứng minh thể thao của họ vẫn là số 1 Đông Nam Á. Điều đó được thể hiện ngay tại các kỳ SEA Games, nơi Thái Lan vẫn giành phần lớn HCV ở những nội dung thi đấu thuộc Olympic. Ngoài ra, các VĐV Thái Lan vẫn đạt thành tích tốt ở ASIAD và SEA Games.
"Chúng ta vẫn là thế lực số 1 của thể thao Đông Nam Á, và cần chứng minh điều đó ở một kỳ SEA Games được tổ chức công bằng". Đó là luận điểm được một tác giả chia sẻ trên tờ Bưu điện Bangkok về công tác tổ chức ở SEA Games tới. Điều đó cũng cho thấy, Thái Lan đã chuẩn bị kỹ càng và hướng đến một kỳ SEA Games thành công rực rỡ.
Sự nghiêm túc của Thái Lan, trên thực tế, là áp lực với nhiều đội thể thao còn lại trong khu vực Đông Nam Á. Với các VĐV Việt Nam nói riêng, họ đã phải lao vào tập luyện ngay trong giai đoạn không có nhiều giải đấu như hiện tại. Tất cả đều hướng đến một thành tích tốt trong năm 2025, qua đó tranh suất tham dự SEA Games.
"Mọi người vẫn nói SEA Games là ao làng, nhưng với VĐV như chúng em, đây vẫn là sân chơi danh giá, quy tụ nhiều VĐV mạnh tham gia tranh tài. Nếu chúng em không thể khẳng định bản thân là VĐV số 1 khu vực Đông Nam Á, làm sao chúng em bước ra được sân chơi châu lục và thế giới", một VĐV xin giấu tên thành thực chia sẻ.
VĐV này cho biết thêm, để hướng đến thành tích tốt và tranh suất tham dự SEA Games, em đã phải ép cân trước khi thi đấu 4 tháng. Lý do khiến VĐV trên phải ép cân sớm, là bởi em đã được thông báo về chương trình thi đấu SEA Games. Nếu em không chuẩn bị sớm, kế hoạch tập luyện và thi đấu trong năm tới sẽ không đạt được.
VĐV nói thêm: "Em hiện là VĐV Kickboxing, thi đấu ở hạng cân nhỏ. Bản thân em cũng gặp khó khăn trong việc ép cân nên các thầy đưa ra lộ trình ép cân sớm. Em cũng xác định ở dịp Tết Nguyên đán sắp tới, em sẽ không được ăn uống thỏa thích như trước nữa. Thay vào đó là chương trình dinh dưỡng lành mạnh để giữ cân trước giải đấu tháng 3".
Nhiều VĐV khác cũng có chung chia sẻ về mục tiêu hướng đến SEA Games 33. Ngay cả khi đây chỉ là giải đấu quy mô khu vực Đông Nam Á, những quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Thái Lan vẫn cử VĐV hàng đầu của họ tham dự. Vì thế, mỗi tấm huy chương đều quý giá, mỗi thành tích đạt được đều có ý nghĩa của riêng nó.
Các môn võ ở SEA Games 33 vẫn có số lượng huy chương lớn
Bên cạnh những môn võ truyền thống tại Olympic như Boxing, Judo hay Taekwondo, SEA Games 33 vẫn đưa nhiều môn như Muay, Pencak Silat vào chương trình thi đấu. Điều đó giúp hạng mục các môn võ tiếp tục được kỳ vọng trở thành mỏ vàng của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Một môn võ khác được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 33 ở phút chót là Kickboxing. Theo chia sẻ từ đại diện đoàn thể thao Việt Nam, ban đầu Thái Lan đã gạch môn võ này khỏi danh sách tổ chức. Nhưng sau khi lắng nghe, trao đổi thêm cùng đại diện các nước, Thái Lan quyết định đưa thêm Kickboxing vào với 8 nội dung tranh huy chương.
So với nhiều môn võ khác, Boxing ở kỳ SEA Games 33 còn được Thái Lan mở rộng chương trình thi đấu, khi có 17 hạng cân tranh tài. Hiện chưa rõ Thái Lan có giới hạn số nội dung thi đấu cho các nước khác hay không. Nhưng ngay cả khi Thái Lan không hạn chế, họ vẫn được kỳ vọng có thể giành phần lớn số HCV ở các môn võ, bao gồm cả Boxing.
(Tin thể thao) Trần Thị Nhi Yến vươn lên trở thành nữ chân chạy cự ly ngắn tốt nhất Việt Nam khi vượt qua thành tích từng giành HCV SEA Games của Lê Tú Chinh tại giải điền kinh Cúp Tốc độ ở TP.HCM.
Nguồn: [Link nguồn]