SEA Games 31 và những cái được
SEA Games 31 đã chính thức khép lại với thành công lớn của đoàn thể thao Việt Nam. Trong số 205 huy chương Vàng mà chúng ta giành được, có đến 119 huy chương Vàng ở các môn/nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024. Đó là điểm nhấn mở ra hy vọng mới.
Hà Nội dành 17,4 tỷ đồng thưởng thành tích SEA Games 31 Khen thưởng cá nhân, tổ chức đóng góp vào thành công SEA Games 31
Nhiều kỷ lục được lập mới
Kết thúc SEA Games 31, đoàn Thể thao Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 205 huy chương Vàng, 125 huy chương Bạc và 116 huy chương Đồng. Chúng ta bỏ xa đoàn xếp sau là Thái Lan tới 113 huy chương Vàng. Đây là thành tích cao nhất mà một đoàn thể thao đạt được tại Đại hội thể thao Đông Nam Á từ trước đến nay, vượt qua con số 194 huy chương Vàng mà Indonesia đạt được tại SEA Games 1997.
Đảm bảo an toàn cho SEA Games 31 thành công có sự đóng góp đặc biệt của lực lượng Công an. Ảnh: Nguyễn Bình - Quỳnh Anh.
Trước thềm SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu sẽ giành từ 140 huy chương Vàng. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt xa chỉ tiêu này. Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 23-5, ông Trần Đức Phấn – Phó ban tổ chức SEA Games 31, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam cho biết: “SEA Games 31 có sự cạnh tranh quyết liệt ở 40 môn thi. Thực tế trước SEA Games chúng tôi dự kiến đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành được từ 140-185 huy chương Vàng. Chỉ cần giành được 140 huy chương Vàng thì thể thao Việt Nam sẽ đứng đầu bảng tổng sắp. Bất ngờ là nhiều vận động viên ở nhiều môn trước đây không được dự SEA Games đã thi đấu nỗ lực để có thành tích. Trước đó ở SEA Games 30, boxing, đua thuyền có rất ít nội dung được thi đấu, ngay vovinam muốn đưa vào Philippines cũng chỉ cho thi 4 nội dung. Vận động viên tôi ấn tượng nhất SEA Games chính là Lương Đức Phước - huy chương Vàng chạy 1.500m”.
Theo thống kê, trong tổng số 205 huy chương Vàng, có đến 119 huy chương Vàng ở các môn/nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024 chiếm tỉ lệ 58%. Điền kinh chiếm số huy chương Vàng nhiều nhất (22), sau đó đến các môn: Bơi (11), Judo: (9), Rowing (8); Canoeing (8), TDDC (7)…
Điền kinh đã đi vào lịch sử khi giành được thành tích “vô tiền khoáng hậu” với 22 tấm huy chương Vàng. Trong số này, những tấm huy chương Vàng ấn tượng phải kể đến Nguyễn Thị Oanh đã giành chiến thắng ở 3 nội dung khó: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m. Đặc biệt, cô đã tạo nên sự khác biệt khi phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Ở nội dung 7 môn phối hợp là một trong số các nội dung khốc liệt nhất của môn điền kinh, Linh Na giành 5.415 điểm, giành HCV SEA Games sau 17 năm chờ đợi. Cô cũng phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này mà vận động viên Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập với 5.350 điểm.
Đội tuyển bóng đá nữ giành Huy chương vàng. Ảnh: MH
Đặc biệt phải kể đến, huy chương Vàng nội dung marathon (42,195km) của nam vận động viên Hoàng Nguyên Thanh. Anh đã gây chấn động khi cán đích đầu tiên với thời gian 2 giờ 25 phút 07 giây 84. Tại SEA Games 31, Quách Thị Lan đánh dấu lần đầu giành được một huy chương Vàng cá nhân (nội dung 400m rào nữ). Hay đó còn là tấm huy chương Vàng của Lò Thị Hoàng ở nội dung ném lao nữ đã phá kỷ lục SEA games suốt 15 năm khi giành thành tích 56.37m.
Tiến sĩ Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT cho biết: “Từ lâu tôi đã ấp ủ rằng ngày nào đó Việt Nam sẽ lên ngôi số một Đông Nam Á và có nhiều hơn 20 huy chương Vàng SEA Games rồi. Năm nay điều đó đã thành hiện thực. Ở kỳ đại hội trước, điền kinh Việt Nam cũng vượt qua được Thái Lan. Điều đó cho thấy chúng ta đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, ta không thể đánh giá một tiến trình qua số huy chương đơn thuần mà còn phải tính tới chất lượng. Đó là lý do mà tôi nhắc tới chuyện chúng ta có huy chương ASIAD và đặt mục tiêu thành công tại giải điền kinh châu Á, thậm chí là đạt chuẩn Olympic".
Dấu ấn bóng đá
SEA Games 31 chứng kiến sự thành công trọn vẹn của bóng đá nam, nữ. Chúng ta đã bảo vệ thành công tấm huy chương Vàng cùng với hiệu ứng tích cực được tạo ra. Với bóng đá nữ, đây là tấm huy chương Vàng thứ 3 liên tiếp cũng là thứ 7 trong lịch sử các kỳ SEA Games. Còn với bóng đá nam, đó là tấm huy chương Vàng lịch sử mà thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã bảo vệ thành công. Bóng đá luôn là môn nhận được nhiều sự quan tâm nhất, và kỳ SEA Games này, chúng ta đã có khúc khải hoàn ca đẹp.
Đoàn Thể thao việt Nam có kỳ SEA Games thành công. Ảnh: MH
Trong thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi hai đội tuyển nam, nữ có nhấn mạnh: “Mỗi người dân đều trào dâng cảm xúc đặc biệt từ trái tim khi hàng triệu người hâm mộ mang theo lá cờ Tổ quốc tạo thành “rừng” cờ đỏ sao vàng trên khắp cả nước và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam vô địch”. Sự nỗ lực, thông minh, bản lĩnh, kiên cường, đoàn kết, kỷ cương, vì màu cờ sắc áo đã mang lại chiến thắng của đội bóng. Đó là chiến thắng của tinh thần Việt Nam đoàn kết và hội tụ.
Thành tích xuất sắc hôm nay, cùng với huy chương Vàng của Đội tuyển bóng đá nữ và thành tích các môn thể thao thi đấu tại SEA Games 31 đạt được đã khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung ở khu vực và từng bước vươn tầm thế giới. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa và mong muốn các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ để phát triển nền thể thao nước nhà nói chung các môn thể thao đỉnh cao nói riêng”.
Mục tiêu cho ASIAD, Olympic
Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu lớn ở đấu trường ASIAD và Olympic. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Thể thao Việt Nam đầu tư tập trung cho khoảng 30 vận động viên để giành thành tích tại ASIAD 19 và Olympic 2024. Có huy chương Vàng SEA Games nhiều vậy nhưng đoàn thể thao Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu giành 3-5 huy chương Vàng ASIAD. Ta chưa khoanh vùng để tập trung đầu tư đầy đủ, bài bản cho ASIAD theo cách quốc tế làm. Số vận động viên Việt Nam có thể giành huy chương Vàng ASIAD rất ít. Các môn võ như karatedo, taekwondo, vật thi đấu SEA Games tưng bừng nhưng đến ASIAD thì lại chẳng là gì, đến Olympic lại càng khó khăn”.
Đội tuyển điền kinh để lại dấu ấn lớn. Ảnh: MH
Để có được những thành công trong thời gian tới, ngành thể thao cần có sự đầu tư cho các môn Olympic. Đặc biệt, với dấu ấn mà điền kinh vừa giành được, đây là bộ môn cần có chiến lược đầu tư cụ thể. Như Tiến sĩ Dương Đức Thủy chia sẻ: “Trong vài năm gần đây, lãnh đạo Nhà nước, ngành TDTT và các liên đoàn bộ môn đều muốn xã hội hóa thể thao, nhưng chúng ta phải làm thật hiệu quả. Phát triển thể thao là sự nghiệp chung chứ không phải chỉ có Tổng cục Thể dục thể thao hay các ban, ngành. Huấn luyện viên, vận động viên và cả người hâm mộ cũng đang đóng góp cho thể thao. Nếu các giải đấu mà vắng người như thời đại dịch thì rất khó. Dẫu chúng ta có bật loa đài cỡ nào thì cũng không sánh được với người hâm mộ tới sân cổ vũ và tương tác với vận động viên.
Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải khai thác hết nguồn xã hội hóa cả tinh thần lẫn vật chất chứ không chỉ là một con số cụ thể nào. Những thứ như tiền thưởng, tiền ăn chỉ là con số đếm được thôi, nhưng còn rất nhiều thứ khác đi theo. Vận động viên điền kinh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những dụng cụ thi đấu tới sát SEA Games mới tới được. Giờ phút này chúng ta phải nghĩ tới việc khai thác cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả nhất”.
Hy vọng mới
Tối 23-5, SEA Games 31 đã chính thức bế mạc, khép lại kỳ đại hội thành công với đoàn thể thao Việt Nam. Điều quan trọng là thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” phần nào đã được lan tỏa. Theo ông Trần Đức Phấn, các quốc gia đánh giá chúng ta đã tổ chức quá thành công, đặc biệt là có một lượng khán giả hùng hậu vào cổ vũ ở các điểm thi đấu. Thể thao khi đó không chỉ còn nằm ở thi đấu thành tích cao mà còn là tinh thần thể thao của toàn người dân. Ai cũng thấy thể thao mang lại sự kết nối hiệu quả như thế nào.
Đội tuyển U23 Việt Nam giành thành tích lịch sử. Ảnh: MH
“Hội tụ để tỏa sáng” (tiếng Anh: Gather to shine) là thông điệp chính để Ban tổ chức SEA Games 31 sẽ gửi đến các đoàn thể thao trong khu vực cùng bạn bè quốc tế và các thành viên đoàn thể thao Việt Nam ở Lễ bế mạc.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm báo chí SEA Games 31 đồng thời là Phó trưởng Tiểu ban Thông tin truyền thông SEA Games 31 xác nhận: "Cho đến trước khi ngày cuối cùng thi đấu của SEA Games 31 diễn ra, chúng tôi luôn nhận được những lời khen và cảm ơn sự đón tiếp chuẩn bị của chủ nhà Việt Nam trong các môn thi đấu và tại các điểm thi đấu.
Chúng ta vừa tổ chức SEA Games 31 cũng vừa trao đổi, tích lũy kinh nghiệm thêm từ những chia sẻ đóng góp của các đoàn thể thao để từ đó có một kì SEA Games 31 ấn tượng nhất cho mọi người. Chắc chắn, lời chào SEA Games 31 tại Lễ bế mạc cũng như một sự tri ân của chúng ta đến những thành viên các quốc gia đã tham dự SEA Games. Bởi lẽ, các huấn luyện viên, vận động viên chính là những nhân vật chính ở bất kì Đại hội thể thao khu vực nào được tổ chức”.
Bên cạnh những thành công về mặt tổ chức và thành tích thi đấu, đó còn phải kể đến vị thế của đất nước được nâng lên hơn với sự thành công của Đại hội, sau một thời gian dài cả thế giới khó khăn trong đại dịch COVID-19. Đó còn là công tác đảm bảo an ninh trật tự thành công tốt đẹp, đem đến sự an toàn và lòng hiếu khách của nước chủ nhà đối với các vận động viên tham dự cũng như khách quốc tế đến tham gia. Đó là những yếu tố không thể đong đếm được, để đưa đất nước Việt Nam đi lên thực sự hùng cường.
SEA Games 31 đã tổ chức thành công đó là thành quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nước cùng nỗ lực của các bộ, ngành liên quan và trên hết người làm thể thao đặt quyết tâm thực hiện tốt nhất mọi công việc phục vụ một kì SEA Games an toàn nhất tại Việt Nam.
SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Campuchia vào năm 2023. Những hy vọng mới sẽ được mở ra, và với thể thao Việt Nam vẫn sẽ là một kỳ đại hội mà chúng ta luôn có khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Không nhiều người thật sự tin vào khả năng tranh chấp huy chương Vàng, chứ đừng nói là mục tiêu đoạt tới 5 Huy chương Vàng của bắn súng Việt Nam trước SEA Games 31. Nhưng tại...
Nguồn: [Link nguồn]