SEA Games 31 và chuyện tranh cãi bộ nhận diện

Sự kiện: SEA Games 32

Sau linh vật đến bộ nhận diện của SEA Games 31 trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội. Đây cũng là vấn đề mà ban tổ chức đã chính thức lên tiếng.

Năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai SEA Games đã lựa chọn Trâu Vàng là biểu tượng vui (linh vật). Để đi đến lựa chọn linh vật này cũng từng xảy ra những tranh cãi. Có nhiều ý tưởng được đề xuất như rồng vàng, rùa vàng, chú Tễu…

Hình ảnh linh vật Trâu Vàng của hoạ sĩ Nguyễn Thái Hùng  đáp ứng các tiêu chí: Gắn với nền văn minh lúa nước vốn rất phổ biến ở Đông Nam Á và gần gũi, mềm mại, dễ thể hiện hơn hình tượng rồng vốn giàu chất điêu khắc hơn hình họa. Trâu Vàng còn gắn với sự tích Hồ Tây (hiện còn đền Kim Ngưu tại Hà Nội) và con sông Kim Ngưu...

Đến năm 2021, sau 18 năm SEA Games trở lại Việt Nam. Ban tổ chức cũng đã phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng vui cho đại hội lần này. Một cuộc tranh cãi nữa được nổ ra khi có nhiều ý kiến quan điểm được đưa ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta có thể tiếp tục sử dụng linh vật Trâu Vàng bằng cách vẽ lại bằng một hình tượng khác đi. Bởi điều này được giải thích rằng, Thái Lan từng sử dụng biểu tượng vui về mèo qua các kỳ SEA Games 1995, 2007 hay Singapore cũng sử dụng sư tử ở SEA Games 1993 và 2015.

Linh vật và logo SEA Games 31.

Linh vật và logo SEA Games 31.

Cuối cùng, linh vật sao la được lựa chọn. Theo ý nghĩa mà ban tổ chức đưa ra vì: “Với sự bí ẩn, quý hiếm và độc đáo, sao la là một trong những loài được chú trọng bảo tồn nhất trên thế giới, không chỉ đối với WWF mà còn của nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế. Với vẻ đẹp kiêu hãnh, sự bí ẩn và cổ đại, sao la được mệnh danh là “Kỳ lân châu Á”.

Đặc điểm nổi bật của loài này là các đốm trắng trên mặt và một cặp sừng rất đặc biệt mà cả con đực và con cái đều có. Cặp sừng của sao la thẳng, thuôn dài, tạo thành hình chữ V - là biểu tượng chiến thắng (Victory) và đại diện cho chữ Việt Nam. Do đó, ngoài vẻ đẹp thuần khiết và bí ẩn, sao la còn có thể coi là một biểu tượng cho tinh thần chiến thắng và đại diện cho quốc gia”.

Còn theo họa sỹ Ngô Xuân Khôi - tác giả của mẫu biểu tượng Sao La đã chia sẻ: “Các nước Đông Nam Á đều là văn minh lúa nước, logo của ASEAN chính là bó mạ. Con trâu khá quen thuộc với các nước trong khu vực, nó không mang tính đặc trưng điển hình chỉ riêng chúng ta. SEA Games 22 đã rất thành công khi Việt Nam là nước chủ nhà và trâu vàng đồng hành cùng thành công đó.

Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á trở lại Việt Nam sau 19 năm khi vị thế, tiềm lực kinh tế và tầm vóc thể thao của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc. Bằng kinh nghiệm của lần tổ chức trước và sự học tập cách tổ chức các đại hội thể thao quốc tế thời gian gần đây, chắc chắn chúng ta sẽ lại thành công với tư cách nước chủ nhà. Sao La chắc chắn có sứ mệnh lớn hơn, bản thân nó đã hàm chứa niềm tự hào “có một không hai”.

Tưởng như câu chuyện tranh cãi khép lại sau khi ban tổ chức công bố linh vật SEA Games 31 thì mới đây lại xuất hiện thêm các ý kiến trái chiều khác. Vấn đề được dư luận nhắc đến là về bộ nhận diện mắc hàng loạt lỗi liên quan đến ngữ pháp tiếng Anh, sai chính tả, một số lỗi khác trong khâu thiết kế bộ nhận diện.

Về vấn đề này, Tiểu ban Thông tin - Truyền thông đã có những phản hồi cụ thể: "Mới đây, trên một số trang mạng xã hội, chủ yếu là từ Facebook của một vài cá nhân đã phát tán về hình ảnh bộ nhận diện SEA Games 31. Những lời lẽ, ngôn từ mà nhóm người này nhận định về thiết kế, màu sắc, bố cục của bộ nhận diện thương hiệu SEA Games 31 là phiến diện, chưa hoàn toàn đúng.

Hiện tại, nhiều hình ảnh và biểu tượng các môn thi đang được thiết kế lại nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiện đại và phù hợp với nguyên tác của tác giả cũng như xu hướng thiết kế đồ họa quốc tế hiện nay.

Bộ nhận diện cũng có nhiều thay đổi và chưa được cập nhật mới trên website của Ban tổ chức cũng như của Tổng cục Thể dục Thể thao. Ban tổ chức đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của người hâm mộ và các cơ quan chức năng, đồng thời đã tiến hành rà soát và phối hợp rất tích cực với các cơ quan thông tấn báo chí sao cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả nhất.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn cả lý do chủ quan và khách quan, nhưng ban tổ chức SEA Games quyết tâm và đang rất nỗ lực để tổ chức thành công kì Đại hội này”. Thực tế, câu chuyện tranh cãi là việc không lạ với nhiều đại hội thể thao mà Việt Nam hay các nước khu vực Đông Nam Á đăng cai. Vấn đề là ứng xử từ ban tổ chức ra sao. Đây là kỳ SEA Games mà chúng ta đối diện với nhiều khó khăn. Do đó, đây cũng là lúc cần đến các ý kiến mang tính xây dựng và thái độ tiếp nhận một cách cầu thị.

Hùng Dũng trải lòng về tấm băng đội trưởng

Đỗ Hùng Dũng trở lại tuyển Việt Nam sau hơn 2 năm vắng bóng và tiếp nhận băng đội trưởng từ Quế Ngọc Hải. Trả lời phỏng vấn AFC chiều 22/3, Đỗ Hùng Dũng chia sẻ: "Tôi vừa mới trở lại đội tuyển sau một thời gian dài chấn thương nên tôi phải điều chỉnh lại mọi thứ. May mắn thay, tôi được ban huấn luyện và các đồng đội hỗ trợ rất nhiều nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng thành thật mà nói, tôi cảm thấy một chút áp lực khi được trao chiếc băng đội trưởng.

Tuy nhiên, điều đó chỉ thoáng qua vì tôi có thể nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của đồng đội, cảm nhận được điều đó trong cái bắt tay của họ, rằng họ đã tin tưởng tôi, vì vậy tôi biết mình không đơn độc".

Sự trở lại của Đỗ Hùng Dũng giúp tuyến giữa của tuyển Việt Nam chơi hiệu quả hơn khi anh kết hợp rất ăn ý với Nguyễn Hoàng Đức. Trong tháng 3 này, tuyển Việt Nam sẽ kết thúc chiến dịch vòng loại World Cup 2022 với 2 trận gặp tuyển Oman (sân nhà, 24/3) và Nhật Bản (sân khách, 29/3). Nếu thắng 2 trận này, tuyển Việt Nam có thể thoát khỏi vị trí cuối bảng.                      

H.H

Lần đầu tiên có giải Golf quốc gia chuyên nghiệp, tranh 1,2 tỷ đồng trước SEA Games

(Tin thể thao, tin golf) Chiều 21/3 tại Hà Nội diễn ra buổi họp công bố giải vô địch Golf quốc gia - Cúp 2022. Sự kiện golf VĐQG năm nay lần đầu tiên được tổ chức chuyên nghiệp,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hưng Hà ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN