SEA Games 27: Quần vợt trở lại?
Những dấu hiệu về sự có mặt của quần vợt và TDDC tại SEA Games 27 đang được thắp lên từ nỗ lực của các nhà lãnh đạo thể thao Đông Nam Á. Họ đã không ngừng kêu gọi Myanmar thay đổi ý định càng sớm càng tốt. Và những nỗ lực ấy đã đem lại hy vọng đưa môn quần vợt trở lại đấu trường SEA Games 27.
Đánh giá về cơ hội này của quần vợt, TTK Hiệp hội quần vợt Philippines (PHILTA), Romy Magat đã tự tin cho biết: “Khả năng lên tới 90%”. Cuộc vận động hành lang đưa môn quần vợt vào chương trinh thi đấu SEA Games 27 được dẫn đầu bởi Liên đoàn quần vợt Indonesia đang cần sự chấp thuận của BTC SEA Games Myanmar (MyaSOC). Cùng tham gia cuộc vận động này có tới 9 quốc gia Đông Nam Á, trong đó nhiệt tình nhất là Philippines, Thái Lan, những quốc gia rất mạnh về quần vợt. Cách thức vận động được tiến hành theo các kênh ngoại giao, ông Romeo Magat cho biết thêm như vậy.
Chủ tịch Hiệp hội Quần vợt Indonesia (PELTI), Wibowo Suseno Wirjawan đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng thể thao Myanmar và các vị đại sứ cùng đại diện của Liên đoàn quần vợt Thái Lan, Liên đoàn quần vợt châu Á. Trả lời báo chí, ông Wibowo Suseno Wirjawan cho biết: “Chúng tôi theo dõi rất sát sao quá trình chuẩn bị cho SEA Games 27. Và bây giờ chúng tôi cùng với các Liên đoàn khác đang nỗ lực đưa môn quần vợt trở lại đấu trường SEA Games". Ông Wibowo cũng hy vọng sẽ nhận được dự giúp đỡ của Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) trong vấn đề này.
Về tình hình cơ sở vật chất cho môn quần vợt, Myanmar cũng có khá đủ: Một sân quần vợt ở Pun Hlaing Golf & Country Club tại thủ đô cũ Yangon. Thậm chí đây còn là địa điểm được chọn tổ chức giải Davis Cup nhóm 2 châu Á/Châu Đại Dương...
Lý Hoàng Nam sẽ được thi đấu tại SEA Games 27 nếu quần vợt được đưa trở lại đại hội
Hy vọng của những người vận động đang là 90%, "Chúng tôi đang chờ đợi quyết định từ những cấp cao hơn”, ông Magat hồ hởi cho biết, “Nhưng theo tinh thần của những người có mặt trong cuộc họp tại Myanmar, triển vọng đó gần như đã thành hiện thực”.
Hiệp hội Thể dục Indonesia (PERSANI) cũng tham gia vào những nỗ lực tương tự. PERSANI đã cùng với Liên đoàn thể dục của các quốc gia Đông Nam Á khác và Liên đoàn thể dục châu Á vận động để có thể đưa thể dục trở lại trong SEA Games 27. “Tất cả chúng tôi đều có mối quan tâm lớn là tại sao BTC lại quyết định gạt thể dục dụng cụ khỏi SEA Games 27 trong khi đó là môn Olympic. Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục thảo luận với Myanmar về vấn đề này”, Chủ tịch PERSANI, Jati Waluyo cho biết như vậy.
Bà Rita Subowo, Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia (KOI) đã bày tỏ quan điểm là KOI sẽ sẵn sàng hỗ trợ cả hai Liên đoàn quần vợt và thể dục đấu tranh đưa hai môn thể thao này trở lại trong SEA Games 27. “Tất cả vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn đang cố gắng đàm phán với các Ủy ban Olympic khác để cùng thực hiện mục tiêu này”.
Quần vợt đã bị loại khỏi SEA Games 27 cùng với dancesports, thể dục, cầu lông, bóng bàn và bóng nước vì nước chủ nhà cho rằng không có địa điểm để tổ chức các môn này. Sau đó, cầu lông, bóng bàn, bóng nước đã được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 27 khi các quốc gia Đông Nam Á vận động thành công.