SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng

Trong những lần được mời dự lễ khai trương hoặc mừng tân gia, khách thường tặng chủ câu “Mã đáo thành công”. “Mã đáo thành công” cũng là lời chúc gửi đến Thể thao Việt Nam nhân năm mới Giáp Ngọ…

1. Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dư chấn từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Không ít lĩnh vực phải cắt giảm chi tiêu, ngành thể dục thể thao cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều dự án trong lĩnh vực TDTT bị cắt giảm kinh phí. Nhiều chuyến tập huấn nước ngoài của đội tuyển môn này, môn nọ bị cắt giảm; kế hoạch tổ chức một số giải quốc tế bị hoãn và nhiều tuyển thủ đã phải ngưng việc dự giải quốc tế… Những điều đó khiến người hâm mộ thể thao lo cho thành tích của Thể thao Việt Nam, đặc biệt là trong năm diễn ra SEA Games 27 và sau đó là Asian Games 17 - 2014.

SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng - 1

Không phải khi đoàn TTVN đến Myanmar để dự SEA Games 27, người ta mới biết đến những khó khăn chờ sẵn đoàn thể thao Việt Nam. Từ những tháng trước, khi các nước ngồi bàn với nhau về số môn, số nội dung sẽ tổ chức, để rồi biết là nước chủ nhà SEA Games 27 không tổ chức nhiều môn, đồng thời có những môn được tổ chức nhưng cắt giảm số nội dung thi đấu đến mức không thể cắt giảm được nữa, ai cũng hiểu rằng Myanmar đang ôm mộng “mưu đồ bá vương”. Việt Nam là một trong số ít nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc cắt giảm này.

SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng - 2

Thể thao Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước SEA Games 27

2. “Việt Nam có thể lọt vào Top 3 SEA Games 27 không? Sẽ đoạt được bao nhiêu HCV?”, càng gần đến ngày khai mạc, câu hỏi đó càng được nhiều người đặt ra hơn. Không chỉ người làm thể thao mà ngay cả giới truyền thông lẫn người hâm mộ cũng muốn biết câu trả lời. “Việt Nam sẽ lọt vào Top 3 và đoạt ít nhất 70 HCV”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cụ TDTT Lâm Quang Thành, trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 27, khẳng định như thế phải đến vài lần trước khi sang Myanmar. Không phải ai cũng tin vào lời khẳng định này của ông. Nỗi nghi ngờ ấy kéo dài đến những ngày cuối cùng của đại hội, nhưng với nước rút dũng mãnh trong ngày cuối cùng, TTVN đã hoàn thành nhiệm vụ với 73 HCV, 85 HCB, 86 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ.

Chẳng những thế, TTVN còn thể hiện xuất sắc ở điền kinh và bơi lội, 2 môn được xem trọng nhất tại Olympic. Đường đua xanh có sự xuất hiện của Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật còn trên đường piste có Vũ Thị Hương, Phạm Thị Bình, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Văn Lai… để Việt Nam đạt chỉ tiêu đề ra với 10 HCV, vượt trên Indonesia và Philippines - những cường quốc điền kinh ở khu vực.

Nước rút vào thời điểm quyết định cuối cùng ấy cũng tuyệt vời như nước rút thần tốc của Vũ Thị Hương. Nhưng TTVN không chỉ có Vũ Thị Hương mà còn có Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Tiến Cương (bắn cung), Lừu Thị Duyên (quyền anh), Vũ Thị Hằng (vật), Nguyễn Thành Đạt (bắn súng)… và nhiều người khác nữa.

SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng - 3

Ánh Viên là điểm sáng của thể thao Việt Nam trong năm 2013

3. Khi trở lại đường đua, hơn ai hết Vũ Thị Hương biết rằng mình không hoàn toàn nhận được lòng tin từ mọi người. Không chỉ vì Hương đã 27 tuổi mà vì một căn bệnh đã buộc cô phải lên giường mổ mới vài tháng trước. Lúc đó Hương đã phải bỏ cuộc không ít giải, và nhiều người cho rằng cô sẽ không bao giờ lấy lại được phong độ từng khiến cô được trao danh hiệu “Nữ hoàng tốc độ” ở Đông Nam Á. Vậy mà Hương đoạt cả 2 HCV cự ly ngắn ở Myanmar, và không thể dùng từ gì khác hơn là “thần kỳ” để nói về sự trở lại đường đua của Hương.

Ánh Viên đã phải trải qua nhiều tháng sống nơi đất khách quê người, một thầy một trò, để có được 3 HCV cùng 2 kỷ lục SEA Games. Năm nay em mới 17 tuổi, và đã phải sống cảnh chỉ biết ăn và tập tại Mỹ từ năm 15 tuổi. Tôi dám chắc, nếu có ai hỏi Viên “Thấy gì vui ở nước Mỹ phồn hoa đô hội?”, em sẽ chỉ cười và lắc đầu.

Phạm Thị Bình cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Cô gái này đã phải trải qua đợt phẫu thuật tim, và bất cứ ai ở hoàn cảnh ấy cũng phải ngưng việc nặng nhọc nói gì đến tập luyện và thi đấu. Thế mà cô gái người Quảng Ngãi này vẫn tiếp tục con đường thể thao, mà lại thi đấu ở môn marathon, nội dung thi gian khó nhất của điền kinh.

Mới 18 tuổi, Thu Hiền dự SEA Games đầu tiên trong đời. Đối thủ của cô ở trận chung kết là Rangsiya Nisaisom, võ sĩ Thái Lan từng VĐTG năm 2011 và có mặt ở Olympic London 2012. Đẳng cấp, kinh nghiệm, bản lĩnh, bề dày thành tích… mọi thứ đều thuộc về Nisaisom, nhưng chiến thắng sau cùng lại thuộc về cô gái Việt Nam.

Chiến thắng của Vũ Thị Hương, của Ánh Viên, của Phạm Thị Bình, của Thu Hiền đều đến từ lòng tự tin và quyết tâm cao độ. Đó chính là những điều đã trở thành dấu ấn của thể thao Việt Nam kể từ khi trở lại SEA Games, và đó chính là những điều khiến bạn bè xung quanh nể phục kỳ tích Việt Nam. Còn rất nhiều người khác nữa, mà nếu không có họ, Thể thao Việt Nam đã không thể rời Nay Pyi Taw với thế ngẩng cao đầu.

SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng - 4

4. “Ao làng”, nhiều người dùng từ ấy để nói về SEA Games. Cũng có người dùng từ “vùng trũng”. Đều đúng cả. Đại hội thể thao Đông Nam Á đúng là ở đẳng cấp thấp nhất châu Á. Thêm nữa, đại hội thể thao này còn mang thêm tính “hội hè” khi đại hội nào cũng có thêm những môn “dân gian” chưa có tại Olympic và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có. “Đông, vui, hao” là tính chất của SEA Games từ bao nhiêu năm nay. Thế nhưng, thử hỏi nếu không có SEA Games 2 năm một lần thì thể thao Đông Nam Á có gì vui? Người hâm mộ thể thao các nước còn gì để mong chờ? Những gì đã diễn ra ở SEA Games 27 cũng tương tự như các SEA Games trước đây. Và đến SEA Games 28, SEA Games 29 sẽ vẫn thế…

Một nhà báo Thái Lan tôi quen từ lâu, khi gặp lại ở Nay Pyi Taw, thừa nhận: “Tôi không tin sẽ sớm có thay đổi trong quan điểm về SEA Games. Thể thao không thể tồn tại độc lập so với chính trị và dù ở thể chế nào thì nước tổ chức SEA Games cũng muốn đứng đầu bảng tổng sắp”. Anh nói thêm: “Tại Thái Lan cũng có ý kiến cho rằng SEA Games là vô bổ, nhưng có cơ quan truyền thông nào của Thái Lan bỏ qua sự kiện này đâu. Các đài truyền hình cũng như mọi tờ báo đều gửi phóng viên của mình đến Myanmar. Tổng cộng có đến vài trăm phóng viên Thái Lan chứ chẳng ít”. Đó cũng chính là điều đã diễn ra với báo chí Việt Nam, Malaysia, Indonesia…

Nếu vẫn còn SEA Games, chắc chắn các nước vẫn còn chịu sức ép thành tích, do vậy sẽ còn cảnh chia chác huy chương để “cả làng đều vui”. Và vẫn còn cảnh nước chủ nhà dùng cách này hay cách khác để thâu tóm huy chương về tay mình. “Trọng tài là vấn đề mà đại hội thể thao nào cũng có. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu”, trưởng đoàn Lâm Quang Thành nói thế trong những ngày cuối của SEA Games 27. Đó là một  thực tế mà để vượt qua, các VĐV của ta sẽ phải tìm chiến thắng bằng nỗ lực vượt qua chính mình. Họ đã làm điều đó một cách xuất sắc tại Nay Pyi Taw.

5.  Sẽ không ai hài lòng chỉ với những chiếc HCV SEA Games. Đích đến của thể thao Việt Nam phải là Asian Games, phải là Olympic. Ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, từng khẳng định: “Mục tiêu của ngành là dùng SEA Games làm bệ phóng cho Asian Games và Olympic”. Đó là những cuộc chiến ở đẳng cấp cao hơn hẳn và ở nơi đó đừng mong có chuyện ngồi cùng nhau để bàn chuyện chia chác huy chương. Muốn có huy chương vàng thì phải có thực lực áp đảo đối phương, như điều Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Trần Quang Hạ, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Thị Nguyệt Ánh, Hồ Nhất Thống, Trần Đình Hòa, Lý Đức… từng làm được.

SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng - 5

Đích đến của thể thao Việt Nam phải là Asian Games, phải là Olympic

Muốn đạt được mục tiêu này, không thể không đổi mới trong cách nghĩ và cách làm. Điều chỉnh về mục tiêu, về môn thi đấu, về nội dung thi đấu, để từ đó có đầu tư chuyên biệt về con người, về phương pháp tập luyện và thi đấu, về chu kỳ phát triển để hướng đến mục tiêu cao hơn là Asian Games và Olympic. Đó là những điều không thể không làm, và phải làm thật rốt ráo mới hy vọng thể thao Việt Nam có ngày bước ra biển rộng.

Hãy nhìn lại trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái 17 tuổi này tập huấn suốt ở Mỹ từ gần 2 năm nay. Tiếp cận được những thứ nơi cường quốc bơi số một thế giới, từ phương pháp tập luyện, tâm lý thi đấu đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt… Ánh Viên đã thăng tiến về thành tích với tốc độ hết sức khả quan. Có thể vào lúc này Ánh Viên vẫn chưa thể so đọ được với các tay bơi hàng đầu của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật nhưng tương lai đang thuộc về cô. Nếu vẫn tiếp tục được tập luyện trong môi trường như hiện nay thế này, một huy chương ở Asian Games hoặc Olympic là điều có thể nghĩ đến. Có thể Asian Games 2014 đến hơi sớm với Ánh Viên nhưng tại sao không dám hy vọng về Ánh Viên tại Olympic 2016 và Asian Games 2019?

Trường hợp của Ánh Viên đã khẳng định một điều: trong thể thao đỉnh cao không thể có việc “làm chơi ăn thiệt”. Muốn có huy chương vàng thì phải đầu tư một cách căn cơ và đừng bao giờ viện dẫn “hên xui” như lý do dẫn đến chuyện thắng thua. Và thể thao Việt Nam không thể chỉ nghĩ đến Ánh Viên. Đó chỉ là minh chứng để biết rằng còn rất nhiều viên đá thô đang chờ được bàn tay rèn giũa để trở thành những hạt ngọc sáng ngời.

Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, Lâm Quang Nhật, Phạm Thị Thu Hiền, Hồ Hoa Huệ, Trần Duy Khôi… đều còn ở tuổi teen. Không chỉ thế, ở các môn bóng người ta còn cảm nhận được tương lai xán lạn của đội tuyển bóng đá U.19 và những gương mặt trẻ đầy triển vọng trong môn bóng chuyền nữ như Âu Hồng Nhung, Đinh Thị Trà Giang, Nguyễn Thị Kim Liên, Hà Ngọc Diễm, Bùi Thị Ngà…

Người hâm mộ cứ mãi thất vọng khi bóng chuyền nữ nước ta cứ mãi thua Thái Lan, nhưng có bao giờ những người có trách nhiệm với bóng chuyền nước nhà vạch ra được chiến lược đúng đắn để đầu tư cho các cầu thủ trẻ của chúng ta phát triển đúng tiềm năng chưa? Về tố chất cũng như về sự khôn ngoan, lứa trẻ hiện nay hoàn toàn có khả năng phát triển để bắt kịp bóng chuyền Thái Lan, nhưng về tư duy chiến thuật, bản lĩnh cũng như tính chuyên nghiệp thì còn lâu các cầu thủ Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan. Thiếu những yếu tố đó thì việc cứ lẽo đẽo theo sau “ngửi bụi” bóng chuyền Thái Lan là tất yếu. Đó không phải lỗi của các em, bởi trên thực tế có ai dạy các em về điều đó đâu. Chúng ta đã bỏ phí thế hệ của Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Hà Thị Hoa… Bây giờ nếu lại bỏ phí cả thế hệ của Hồng Nhung, Trà Giang, Ngọc Diễm, Thanh Thúy, Kim Liên… thì đó sẽ là “tội ác”.

SEA Games 27 - Nhớ lại và suy nghĩ: Đổi mới để vươn ra biển rộng - 6

Thể thao Việt Nam làm thế nào để không phải “ngụp lặn trong ao nhà”?

Trong thể thao có thành công và cũng có thất bại. Thua vì đối phương hay hơn ta thì chẳng phải là quá xấu hổ, nhưng thua vì chuẩn bị chểnh mảng, vì chủ quan, vì không “biết mình, biết người” và vì không có lòng tin mới là “hết thuốc chữa”. Thất bại của đội bóng đá U.23 đến từ tất cả những yếu tố đó. SEA Games 27 đã hé lộ rất nhiều điều về bức tranh toàn cảnh của Thể thao Việt Nam hôm nay. Có mảng màu sáng rõ và cũng có mảng màu u tối, thế nhưng không thể phủ nhận là Thể thao Việt Nam đã xuất hiện những nhân tố mới ở các môn Olympic.

Làm sao phát huy mọi tiềm năng của lứa trẻ này sẽ là điều Thể thao Việt Nam phải làm cho được nếu không muốn mãi mang tiếng là “ngụp lặn trong ao nhà”. Không phải là không có cách, vấn đề là có muốn làm nghiêm chỉnh hay không mà thôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Trí (thethaohcm.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN