SEA Games 27: Nếu gà nhà cứ đá nhau...

Hầu hết các đội tuyển dự SEA Games 27 của thể thao Việt Nam đã chốt danh sách VĐV nhưng đang xuất hiện dư luận về tình trạng tuyển chọn chưa công bằng ở một số đội

Đầu tháng 11, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) sẽ ký quyết định thành lập đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) dự SEA Games 27-2013.

Cũng như mọi lần, trước - trong và sau khi danh sách đoàn VĐV Việt Nam làm nhiệm vụ ở SEA Games được công bố, luôn có nhiều ý kiến xung quanh việc tuyển chọn. Nội bộ ở nhiều đội tuyển chưa bao giờ yên ả, nếu không muốn nói là có những mâu thuẫn gay gắt và chưa ai quên vụ 2 tuyển thủ đánh nhau trong lúc tham dự Giải Đông Nam Á ở Lào. Bóng bàn là một ví dụ tiêu biểu khi môn này nhiều lần phải điều chỉnh danh sách vì có những khiếu nại từ các CLB về chuyện khuất tất khi lập danh sách VĐV. Lãnh đạo Tổng cục TDTT đã buộc phải can thiệp để dẹp yên những đấu đá nội bộ. Ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Tổng cục yêu cầu bộ môn bóng bàn chỉ lập danh sách các VĐV thi đấu gồm 4 nam, 4 nữ đi, các VĐV còn lại phải ở nhà”.

SEA Games 27: Nếu gà nhà cứ đá nhau... - 1

Đinh Quang Linh, tay vợt có phong độ ổn định nhất của đội tuyển bóng bàn nam. Ảnh: Đào Tùng

Điều đáng buồn là bóng bàn Việt Nam đang đi thụt lùi so với khu vực dù các nhà chuyên môn nhận định không thiếu các VĐV tài năng. Thậm chí, ngay cả những môn mang về nhiều huy chương như điền kinh hay bơi lội cũng có những bất đồng âm ỉ giữa các trung tâm huấn luyện thể thao, giữa HLV đội tuyển với HLV địa phương… Trưởng Bộ môn Điền kinh của Tổng cục TDTT, ông Dương Đức Thủy, từng chỉ trích “sếp” mình là Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Hoàng Mạnh Cường, vì can thiệp quá sâu vào chuyên môn. Bộ môn điền kinh có thời gian không lên kế hoạch tập huấn, thi đấu cho các VĐV. Người chịu thiệt cuối cùng chính là những người đã hàng ngày hàng giờ đổ mồ hôi trên sàn tập.

Theo ông Lâm Quang Thành, tình trạng bộ môn và liên đoàn không thống nhất ý kiến phải được dẹp bỏ nếu TTVN muốn đạt thành tích cao ở ngày hội thể thao khu vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ chấm dứt cảnh “gà nhà đá nhau” bởi cơ chế xin - cho của TTVN đã tồn tại khá lâu.

Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT chịu trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân, từng bộ môn chịu trách nhiệm trước tổng cục về việc hoàn thành mục tiêu. Theo Tổng cục TDTT, nếu môn nào không hoàn thành mục tiêu thì ban huấn luyện, bộ môn phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Nói vậy nhưng lãnh đạo ngành thể thao ngoài nỗi lo về thành tích ở “tiền tuyến” còn có nỗi lo về tinh thần đoàn kết nơi hậu phương của cả một tập thể hơn 700 con người.

Lần này, TTVN vẫn lên đường với mục tiêu nằm trong nhóm 3 hạng đầu, một chỉ tiêu không nhẹ nhưng nếu cứ thỏa mãn với thành tích ở khu vực thì rất khó “bơi” ra biển lớn.

Bóng bàn kiểm tra nội bộ

Trước khi chọn ra các VĐV dự SEA Games, bóng bàn Việt Nam tổ chức một giải đấu tuyển chọn nội bộ. Ông Trương Thới Nhiệm - Phó Giám đốc Công ty CP Văn hóa Thể thao Dầu khí, đơn vị chủ quản của đội Dầu khí - nhận xét: “Thông thường, bộ môn chỉ cần căn cứ vào giải quốc gia hoặc giải các cây vợt mạnh là đủ để tuyển chọn. Ngoài ra, nếu có giải đấu này thì cũng nên thông báo trước cho các CLB, các VĐV”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Long, HLV trưởng đội tuyển bóng bàn quốc gia, cho biết: “Đây chỉ là cuộc kiểm tra nội bộ chứ không phải giải đấu nhằm tìm ra các VĐV tốt nhất”. Sáu VĐV nam, 5 VĐV nữ đang tập trung phải đấu đến tận ngày 2-11, trước thời điểm chốt danh sách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN