Sau quyết định rút đăng cai ASIAD 18: Vừa vui, vừa buồn
Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về việc xin rút đăng cai ASIAD 18 năm 2019. Ghi nhận của NTNN, người hâm mộ đã bày tỏ những cảm xúc đa chiều xung quanh quyết định nói trên…
Có chút tiếc nuối
Trao đổi với NTNN ngày 18.4, doanh nhân Trần Song Hải – Phó Chủ tịch Hội Cổ động viên (CĐV) Việt Nam nói: “Tôi cảm thấy buồn. Nhưng cũng cần phải nhận thấy rõ điều kiện kinh tế của Việt Nam đang rất khó khăn. Khi các nước khác thường phải tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD để tổ chức ASIAD thì thật khó tin khi nói chúng ta chỉ cần 150 triệu USD là đủ để tổ chức thành công Đại hội. Con số thực để tổ chức ASIAD phải gấp nhiều lần như thế. Và thời điểm này, chúng ta cần tiền để làm nhiều việc khác quan trọng, cấp thiết hơn”.
Theo ông Hải, thời gian tới, Việt Nam nên đầu tư vào việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng như chuẩn bị lực lượng vận động viên thật tốt: “Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ đăng cai ASIAD vào một thời điểm thích hợp”- ông Hải bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Duy Tân – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang cũng bày tỏ: “Biết thông tin Thủ tướng Chính phủ quyết định không tổ chức Asiad 18, tôi rất đồng tình. Và tôi tin sẽ có nhiều người ủng hộ. Trước nhất, về điều kiện nước ta chưa cho phép, việc tổ chức Asiad rất tốn kém nếu vì sĩ diện mà chúng ta gồng mình tổ chức thì sẽ rất khó khăn về sau”.
Ông Tân chia sẻ thêm: Trong khi nước ta còn nghèo, những công trình phúc lợi khác như đường, trường, trạm ở vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Nên tập trung đầu tư vào đây trước cho người dân của ta được thụ hưởng.
Ông Trần Song Hải - Phó Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam (giữa) ủng hộ quyết định xin rút đăng cai ASIAD 18 của Chính phủ.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hồng – Chủ tịch Hội CĐV SHB.Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi lấy làm tiếc khi biết thông tin Chính phủ quyết định rút đăng cai ASIAD 18. Tổ chức ASIAD là dịp để Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy sự phát triển của Việt Nam. Giải trình về mọi mặt của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT chưa thuyết phục được Chính phủ. Và như vậy, chỉ đạo của Chính phủ về việc xin rút không đăng cai là hợp lý”.
Cùng quan điểm, nghệ sĩ Đức Trung – Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam không giấu nổi sự tiếc nuối: “Nếu chỉ còn 2-3 năm nữa thì không đủ thời gian khắc phục những tồn tại, chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt thật. Nhưng chúng ta còn tới 5 năm cơ mà? Việc tổ chức ASIAD là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển về nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ riêng thể thao. Vậy mà…”.
Các nước rút đăng cai ASIAD phải làm những gì?
Thế vận hội Châu Á (ASIAD) cũng đã từng 3 lần bị nước giành quyền đăng cai hủy tổ chức.
Năm 1970, Hàn Quốc xin rút quyền đăng cai ASIAD với lý do không đảm bảo được an ninh do khi đó tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến phức tạp. Ngay sau khi nộp đơn xin rút đăng cai ASIAD, Ủy ban Olympic Hàn Quốc và Liên đoàn Thế vận hội Châu Á (AGF) đã phải bay sang Nhật Bản để vận động Tokyo đăng cai, tuy nhiên, Nhật Bản cũng đã từ chối và buộc AGF phải tìm phương án thay thế và Thái Lan đã nhận trách nhiệm này kèm theo điều kiện: AGF phải trang trải một phần kinh phí cho Thái Lan. Theo đó AGF phải đứng ra quyên góp tài chính từ các thành viên.
Trao đổi với PV NTNN, ông Phan Đình Tân - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ VHTTDL: “Sáng 18.4, Bộ mới nhận được kết quả thông báo quyết định rút đăng cai ASIAD 18 từ Văn phòng Chính phủ. Hiện tại, Bộ đang bàn thảo phương án với Bộ Ngoại giao về thủ tục xin rút đăng cai ASIAD 18”. |
Thời điểm đó, 12 thành viên của AGF đã đóng góp tài chính cho ASIAD gồm: Trung Quốc 25.000USD; Hongkong 5.000USD; Indonesia 5.000USD; Iran 5.000USD; Israel 25.000USD; Nhật Bản 75.000USD; Hàn Quốc 250.000USD; Malaysia 10.000USD; Nepal 1.000USD; Pakistan 5.000USD; Philippines 5.000USD, Việt Nam 1.000USD. Tổng cộng số tiền đóng góp là 412.000USD- đủ để khởi động thế vận hội. Ở thời điểm đó, không có thông tin nào đề cập đến việc Hàn Quốc có phải nộp phạt hay không.
Vào đầu năm 1974, Ủy ban Olympic Singapore cũng đã chính thức trả quyền đăng cai Asiad 1978 với lý do nền kinh tế Singapore đang gặp phải những vấn đề tài chính. Sau đó, quyền đăng cai ASIAD 1978 được trao cho Pakistan. Tuy nhiên, những cuộc xung đột vũ trang với Bangladesh và Ấn Độ ở thời điểm đó, cùng với tình hình suy thoái, lạm phát nghiêm trọng lan rộng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu đã buộc Pakistan hủy đăng cai ASIAD 1978 trước thời điểm khai mạc 3 năm.
Sau khi quyết định hủy đăng cai, Pakistan đã nộp phạt cho AGF 1,2 triệu USD. Một lần nữa, sau khi nhóm họp ở Canada, AGF đã thuyết phục thành công Thái Lan đăng cai thay thế Pakistan và lịch sử quyên góp tài chính tiếp tục được thực hiện với số tiền: Indonesia 10.000USD; Hàn Quốc 50.000USD, Arabia Saudi 849.875USD; Qatar 150.000USD; Malaysia 10.000USD; Hongkong 13.000USD; Trung Quốc 200.000USD; Iraq 150.000USD; Nepal 1.000USD, Singapore 10.000USD; Iran 75.000USD, Nhật Bản 410.000USD; Philippines 40.000USD, tổng cộng là 2,5 triệu USD. Với số tiền đóng góp này, Thế vận hội năm 1978 đã không phải dùng đến tiền từ Chính phủ Thái Lan.