Sau 20 năm, Việt Nam vẫn ưu tiên SEA Games hơn Olympic
"Olympic là tiền đề để hướng tới SEA Games". Câu nói đó của tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh ngay trước thềm Thế vận hội khiến nhiều người phải suy ngẫm. Đâu mới là đích ngắm thực sự của thể thao Việt Nam lúc này? Tại sao sau hơn hai thập niên, chúng ta vẫn đề cao SEA Games hơn Olympic?
Từ câu chuyện của Bùi Thị Nhung
Trước Quách Thị Lan, có một vận động viên nữ từng cầm cờ dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ Thế vận hội. Đó là Bùi Thị Nhung, người vẫn được biết đến với biệt danh “Nữ hoàng nhảy cao” của điền kinh Việt Nam. Tại Olympic Athens, Nhung được tín nhiệm dẫn đầu toàn đoàn nhờ thành tích giành Huy chương vàng Giải điền kinh vô địch châu Á năm 2003.
Ánh Viên không thể vươn tầm vì phải cày ải quá nhiều ở các giải nhỏ
Thật khó tin khi với bảng thành tích vô địch châu Á, Nhung lại không có tên trong danh sách 10 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam trong năm 2003. Lý do bởi năm này trùng với thời điểm diễn ra SEA Games 22 tại Việt Nam. Trở về thi đấu trên sân nhà, Nhung không đạt phong độ cao và chỉ giành Huy chương bạc. Cô tỏ ra lép vế trong một năm Việt Nam đại thắng ở SEA Games với 158 tấm huy chương vàng.
Trên trang chủ của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cái tên Bùi Thị Nhung vẫn giữ một trong những vị trí trang trọng nhất. Thành tích 1,94m cô lập nên ở giải điền kinh Thái Lan mở rộng hồi năm 2005 cho đến nay vẫn là mức xà cao nhất mà một VĐV nữ Việt Nam có thể chinh phục. Sau ngày Nhung giải nghệ, điền kinh Việt Nam không bao giờ có thêm một “Nữ hoàng nhảy cao” nữa.
Cũng trong năm 2005, xếp trong tốp 10 vận động viên Việt Nam tiêu biểu có đô cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Đó là năm Tuấn ghi danh ở đấu trường quốc tế bằng tấm Huy chương vàng Giải vô địch cử tạ châu Á nhưng chỉ "đỗ vớt" cuộc bình chọn VĐV tiêu biểu. Phải đến năm 2008 khi Tuấn giành huy chương bạc Olympic Bắc Kinh, anh mới được xướng tên trên bảng vàng.
Câu chuyện của Bùi Thị Nhung, hay Hoàng Anh Tuấn cho thấy một vấn đề của thể thao Việt Nam trong quá khứ. Chúng ta có một thời gian dài chú tâm quá nhiều vào đấu trường SEA Games, chứ không để tâm mấy đến các giải châu Á hay thế giới. Phải đến những năm gần đây, xu hướng đó mới dần khác đi.
Đầu tư sai hướng
Sau khi các VĐV Việt Nam dần khép lại hành trình của mình ở Olympic Tokyo, một câu chuyện khác được xới lên. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên với màn trình diễn nhạt nhòa tại kỳ Thế vận hội (có thể là) cuối cùng trong sự nghiệp đã khiến người hâm mộ rất thất vọng. Đến lúc này, chúng ta mới giật mình khi nhẩm tính lại và thấy Ánh Viên được đầu tư đến gần 30 tỷ đồng trong 10 năm qua nhưng không thể vươn tầm thế giới.
Nhà vô địch châu Á Bùi Thị Nhung (trái) từng mất danh hiệu VĐV tiêu biểu vì không có HCV SEA Games
"Ánh Viên là vận động viên có tài năng thiên phú, là ngôi sao được ông trời ban xuống cho thể thao Việt Nam. Thể trạng của em sinh ra để tập bơi, với tạng người hiếm có ngay cả với những VĐV quốc tế. Chỉ tiếc là chúng ta chưa đào tạo Ánh Viên đúng hướng để em có thể tranh tài ở Olympic", nguyên Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang đã thốt lên đầy tiếc nuối như thế.
Vậy Việt Nam, và đơn vị chủ quản của Ánh Viên ở cấp địa phương đã sử dụng Ánh Viên như thế nào? Ở mỗi kỳ SEA Games, Ánh Viên thường phải tranh tài ở 8-10 nội dung với yêu cầu hướng đến huy chương vàng ở tất cả hạng mục mình tham gia. Ánh Viên thường làm tốt chỉ tiêu này, với thành quả là 25 tấm HCV SEA Games. Trở về giải bơi vô địch quốc gia, cô còn phải cày ải nhiều hơn với khoảng 20 nội dung tranh tài.
Chỉ 4 tháng trước khi Olympic Tokyo bắt đầu, Ánh Viên tham gia giải bơi vô địch quốc gia hồ 25m và giành được 17 HCV. Thành tích đó giúp cô có thể đứng đầu bảng tổng sắp huy chương nếu tách ra thành lập một đoàn thể thao riêng. Phải liên tục cày ải mang về thành tích ở các giải quốc gia và khu vực khiến Ánh Viên không còn sức tập trung vào những nội dung sở trường của cô nữa.
VĐV không có lỗi
Phát biểu "Olympic là tiền đề hướng tới SEA Games" của Thùy Linh nghe có thể không lọt tai lúc ban đầu, nhưng càng suy ngẫm ta càng thấy có lý. Theo giải thích của Linh, cơ hội tranh chấp huy chương ở một đấu trường như Olympic là điều rất khó. Thể thức thi đấu quá khắc nghiệt, cộng thêm đẳng cấp vượt trội của một số VĐV hàng đầu khiến cho chỉ có những người thực sự xuất chúng mới giành được huy chương.
Bùi Thị Thu Thảo, HCV nhảy cao ASIAD 2018 từng bỏ tập để đi xách vữa
Ở vòng bảng môn cầu lông nội dung đơn nữ, Thùy Linh đụng độ Tai Tzu Ying, tay vợt số 1 thế giới người Đài Loan Trung Hoa. Trong bảng đấu mà chỉ tay vợt nhất bảng mới lọt vào vòng trong, khả năng đi tiếp của Thùy Linh gần như là con số không. Bằng chứng là cô đã thi đấu rất cố gắng nhưng vẫn phải chịu thua đối phương chỉ sau hai hiệp.
Thùy Linh khao khát một tấm huy chương SEA Games bao nhiêu thì Tiến Minh cũng khao khát bấy nhiêu. Tay vợt số 1 Việt Nam từng có thời điểm xếp hạng 5 thế giới, nhưng thành tích tốt nhất của anh ở đấu trường SEA Games cũng chỉ là huy chương đồng. Lý do bởi cầu lông Đông Nam Á tập trung quá nhiều tay vợt mạnh từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, thế nên Tiến Minh không thể đổi màu tấm huy chương.
Thùy Linh và Tiến Minh là hai trong số rất ít các VĐV Việt Nam vươn tầm thế giới, có cơ hội thi đấu ở nhiều giải quốc tế. Ngoài khoản tiền lương, họ còn có thêm tiền thưởng sau mỗi trận thắng, cũng như tiền hợp đồng tài trợ. So về thu nhập, Tiến Minh và Thùy Linh thuộc nhóm VĐV có thu nhập tốt, không hề thua kém những cầu thủ bóng đá. Nhưng đồng nghiệp của họ ở các môn thể thao khác không được may mắn như thế.
Vài năm trước, một VĐV thuộc tuyển điền kinh Việt Nam từng lên truyền hình chia sẻ công khai về thu nhập. Theo đó, thể thao Việt Nam chia các VĐV ở trên đội tuyển thành 2 nhóm: Đầu tư trọng điểm (chuyên thi đấu các giải châu lục, thế giới) và Đầu tư cơ bản (thi đấu ở Đông Nam Á và các giải trong nước. Những VĐV thuộc diện đầu tư trọng điểm có thu nhập 14-15 triệu/ tháng, còn đầu tư cơ bản nhận khoảng 10 triệu/ tháng.
Indonesia có 1 HCV cầu lông ở Olympic Tokyo
"Những người như chúng tôi tính ra còn may mắn hơn VĐV ở các tỉnh thành, địa phương. Ở đó họ chỉ nhận mức lương 5-7 triệu/tháng, rất khó trang trải cuộc sống", VĐV này nói thêm. Thu nhập thấp, cộng thêm áp lực thành tích là lý do khiến anh từng muốn giải nghệ. Câu chuyện của anh không chỉ cho chúng ta thấy sự khó khăn của các VĐV, mà còn thể hiện một vấn đề khác: Một VĐV muốn cải thiện thu nhập thì phải có thành tích tốt.
Thành tích, nói theo một góc độ khác, chính là màu của những tấm huy chương. Nhưng đặt mục tiêu giành huy chương ở những đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic dường như là mục tiêu quá xa tầm với của các VĐV Việt Nam. Kể từ năm 1980 đến nay, Việt Nam đã cử 180 lượt VĐV đến tham dự Thế vận hội nhưng mới chỉ có 5 huy chương, trong đó riêng Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV và 1 HCB ở Rio 2016.
Khó giành huy chương ở đấu trường châu Á và thế giới là lý do khiến các VĐV Việt Nam nhắm đến những giải đấu ở cấp độ thấp hơn. Một tấm HCV SEA Games có thể mang lại khoản tiền thưởng bằng 1 năm tiền công tập luyện. Các địa phương đôi lúc còn tỏ ra bạo chi hơn ở kỳ SEA Games 2019, thành phố Hải Phòng đã thưởng riêng cho mỗi VĐV giành HCV số tiền lên tới 200 triệu đồng, HCB 100 triệu, HCĐ 50 triệu.
“Năng nhặt chặt bị”, VĐV vốn có gia cảnh khó khăn mới theo nghiệp thể thao nên càng tập trung nhiều hơn cho đấu trường SEA Games. Họ không hề sai khi chọn nhắm đến những giải đấu khu vực, bởi đó là cách tốt nhất, và nhanh nhất để thoát nghèo. Khó khăn từng khiến một tuyển thủ quốc gia như Bùi Thị Thu Thảo bỏ tập, trốn ra ngoài làm phụ hồ. Nếu cô không chịu trở lại tuyển điền kinh, Việt Nam đã không có tấm HCV ASIAD 2018 môn nhảy xa.
Các nước Đông Nam Á hướng đến Olympic như thế nào? "Chúng tôi xác định nếu phát triển thể thao, mục tiêu đầu tiên hướng đến phải là đấu trường Olympic". Đó là tuyên bố của trưởng đoàn thể thao Indonesia tại SEA Games 2013. Năm đó xứ vạn đảo kết thúc giải ở vị trí thứ 4, xếp dưới Thái Lan, Việt Nam và nước chủ nhà Myanmar, nhưng họ không quá bận tâm đến chuyện thứ hạng. Với người Indonesia, họ vẫn coi đối trọng thể thao duy nhất ở Đông Nam Á chỉ có Thái Lan. Indonesia và Thái Lan là 2 quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số huy chương giành được ở các kỳ Olympic. Hướng phát triển của họ là chỉ tập trung vào một vài môn thế mạnh giành được huy chương vàng, sau đó mới ưu tiên các môn "có thể tranh chấp huy chương", rồi đến ASIAD, cuối cùng là SEA Games. Danh hiệu nhất toàn đoàn ở SEA Games với họ giờ không quá quan trọng nữa. Với Thái Lan, những môn thể thao trọng điểm họ nhắm tới là quyền Anh, cử tạ và taekwondo. Toàn bộ 34 huy chương (10 HCV, 8 HCB, 16 HCĐ) Thái Lan giành được ở Olympic đều đến từ 3 môn thể thao này. Indonesia kém hơn một chút khi chỉ giành 8 HCV, nhưng lại có đến 37 huy chương các loại (14 HCB, 15 HCĐ). Thế mạnh của họ là cầu lông và cử tạ. Những quốc gia khác như Malaysia (cầu lông, nhảy cầu), Philippines (quyền Anh, cử tạ) cũng chú trọng vào phát triển môn thể thao thế mạnh của mình để nhắm đến đấu trường Olympic. Chỉ có Singapore vẫn đang tìm hướng phát triển trong tương lai. Tấm HCV Olympic Rio của kình ngư Joseph Schooling khiến Singapore đổ xô phát triển bơi lội, dù họ không thực sự có ưu thế về môn thể thao này. Quốc đảo sư tử hiện có rất nhiều nhà vô địch SEA Games nhưng không có ai đủ sức chinh phục đấu trường ASIAD nữa. Olympic bây giờ là mục tiêu càng xa vời với họ khi Schooling bước qua thời kỳ đỉnh cao. |
Thể thao đỉnh cao càng phát triển, áp lực vận động viên càng lớn và đây là bài toán không dễ có lời giải.
Nguồn: [Link nguồn]