Sao thể thao Việt Nam dính doping bị tước huy chương, chịu án phạt thế nào?
(Tin thể thao) – Thông tin 6 VĐV thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 có kết quả dương tính với doping, trong đó có 2 VĐV điền kinh đã giành HCV, HCB khiến dư luận xôn xao.
Việc Tiểu Ban y tế và phòng chống doping SEA Games 31 tiết lộ có 6 VĐV Việt Nam dương tính với chất cấm khi tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua đã làm chấn động làng thể thao Việt Nam.
Càng xôn xao hơn khi trong số này có 2 VĐV nổi tiếng của bộ môn điền kinh, đã giành HCV và HCB tại SEA Games năm nay. Điều này khiến người hâm mộ cả thấy vô cùng lo lắng cho dàn tuyển thủ quốc gia đã góp phần làm nên thành công lớn cho điền kinh nước nhà tại kỳ Đại hội lần này.
Dàn tuyển thủ điền kinh Việt Nam giành HCV và HCB tại SEA Games 31
Tại SEA Games điền kinh VN với 22 HCV, 14 HCB và 8 HCĐ đã vượt qua dàn sao nhập tịch của Thái Lan (giành tổng cộng 12 HCV, 11 HCB và 8 HCĐ) để lần thứ 3 liên tiếp xếp ngôi nhất toàn đoàn ở một kỳ SEA Games.
Điền kinh giúp đoàn Việt Nam giành 22 HCV tại SEA Games 31
22 HCV cũng là kỷ lục của điền kinh VN tại đấu trường SEA Games, vượt qua kỷ lục 17 tấm HCV năm 2017 tại Malaysia. Con số này giúp điền kinh VN cân bằng kỷ lục HCV tại một kỳ SEA Games của Thái Lan lập năm 2001 ở Malaysia.
Danh sách 22 VĐV Việt Nam giành HCV ở SEA Games 31 gồm: Nguyễn Thị Thanh Phúc (Đi bộ nữ 20km), Võ Xuân Vĩnh (Đi bộ nam 20km), Hoàng Nguyên Thanh (Marathon nam), Hoàng Thị Ngọc/Quách Thị Lan/Nguyễn Thị Hằng/Nguyễn Thị Huyền (4x400m nữ), Phạm Thị Hồng Lệ (10000m nữ), Lò Thị Hoàng (Ném lao nữ), Nguyễn Văn Lai (10000m nam và 5000m nam), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp nữ), Quách Thị Lan (400m rào nữ), Lê Tiến Long (3000m chướng ngại vật nam), Nguyễn Thị Oanh (3000m chướng ngại vật nữ, 1500m nữ và 5000m nữ), Khuất Phương Anh (800m nữ), Vũ Thị Ngọc Hà (Nhảy xa nữ), Bùi Thị Nguyên (110m rào nữ), Nguyễn Thị Huyền (400m nữ), Phạm Thị Diễm (Nhảy cao nữ), Nguyễn Tiến Trọng (Nhảy xa nam), Lương Đức Phước (1500m nam) và Nguyễn Hoài Văn (Ném lao nam).
Bên cạnh đó, danh sách các VĐV giành 14 HCB gồm: Quách Công Lịch/Trần Nhật Hoàng/Trần Đình Sơn/Lê Ngọc Phúc (4x400m nam), Quách Công Lịch (400m rào nam), Nguyễn Thị Huyền (400m rào nữ), Lê Thị Mộng Tuyền/Hà Thị Thu/Dương Thị Hoa/Hoàng Dư Ý (4x100m nữ), Đỗ Quốc Luật (3000m chướng ngại vật nam), Bùi Thị Thu Thảo (Nhảy xa nữ), Nguyễn Thị Hương (3000m chướng ngại vật nữ), Lê Ngọc Phúc (400m nam), Trần Nhật Hoàng/Nguyễn Thị Huyền/Trần Đình Sơn/Quách Thị Lan (4x400m nam nữ), Phạm Thị Hồng Lệ (5000m nữ), Trần Văn Đảng (1500m nam), Vũ Thị Ngọc Hà (Nhảy 3 bước nữ), Ngần Ngọc Nghĩa (200m nam) và Khuất Phương Anh (1500m nữ).
Có thể thấy trong danh sách này có rất nhiều tuyển thủ nổi tiếng, đang là trụ cột của điền kinh nước nhà tại các giải đấu quốc tế. Nếu bị xác định dương tính với chất cấm, VĐV đó không chỉ bị tước huy chương mà còn bị cấm thi đấu và phạt tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp đỉnh cao, như một số trường hợp khác của thể thao Việt Nam trước đây.
Vận động viên Thể thao Việt Nam từng dính doping, có người tiêu tan sự nghiệp
Tính từ năm 2003 (lần đầu phát hiện có VĐV dính doping) cho đến lần gần nhất vào năm 2020, thể thao Việt Nam đã có 16 trường hợp bị phát hiện dương tính với chất cấm trong 17 năm. Các bộ môn có VĐV bị dính doping gồm: Cử tạ (6 VĐV), điền kinh (2 VĐV), thể hình (2 VĐV), lặn (2 VĐV), canoeing (1 VĐV), Boxing (1 VĐV), thể dục dụng cụ (1 VĐV) và futsal (1 VĐV).
“Bóng ma” doping lần đầu được phát hiện với thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games 2003 được tổ chức ngay trên sân nhà với 4 trường hợp gồm những tuyển thủ giành thành tích cao ở giải đấu này gồm: Phạm Thị Dịu (3 HCV, lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV, lặn), Hoàng Hồng Anh (2 HCV, canoeing) và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB, điền kinh).
Cử tạ là môn có nhiều VĐV dính doping nhất với 6 đô cử. Trong đó có 5 trường hợp thuộc về các lực sĩ từng giành thành tích cao ở đấu trường thế giới, thậm chí có người giành huy chương Olympic, như Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng.
Trong số này, nhà vô địch thế giới Trịnh Văn Vinh bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm và phạt 5.000 USD. Án phạt này khiến sự nghiệp của đô cử sinh năm 1997 coi như chấm hết. Hai nhà vô địch trẻ thế giới Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng cũng phải trải qua án cấm thi đấu 4 năm. Đây cũng là những trường hợp nhận án phạt nặng nhất vì doping của thể thao Việt Nam.
Án phạt nhẹ nhất thuộc về tuyển thủ điền kinh từng giành HCV SEA Games Vũ Thi Ly khi cô chỉ bị cấm thi đấu 1 tháng. Vũ Thị Ly được xác định là không cố ý vi phạm do uống thuốc cảm theo toa của bác sĩ.
Trường hợp dính doping của “búp bê thể dục dụng cụ (TDDC)” Đỗ Thị Ngân Thương được xem là vụ việc đáng tiếc cho làng thể thao nước nhà bởi lý do khá “trớ trêu” bởi vì cô chỉ muốn…làm đẹp, giảm số đo vòng eo nên đã tự mua thuốc giảm cân về uống trước khi lên đường dự Olympic 2008. Ngân Thương đã bị cấm thi đấu một năm.
Một số trường hợp khác dính doping do sơ suất và thiếu hiểu biết có thể kể đến như đô cử giành HCB Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn dính chất cấm vì dùng nước uống đóng chai không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc bị cấm thi đấu 2 năm. Sự kiện này đã gần như chấm dứt luôn sự nghiệp thi đấu quốc tế của VĐV cử tạ một thời danh tiếng này. Ngoài ra,VĐV thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng từng bị cấm thi đấu 1 năm bởi dương tính với chất furosemide do uống thuốc để chữa bệnh đau thắt lưng và bí đường tiểu.
Nguồn: [Link nguồn]