Rút đăng cai ASIAD: Dũng cảm và hợp lòng dân
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định rút đăng cai ASIAD 18, nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu đã có những chia sẻ của mình về quyết định được cho là sẽ đi vào lịch sử của nền thể thao nước nhà.
Là một người có hơn 40 năm làm báo và cũng rất quan tâm đến các vấn đề của nước nhà, trong đó có thể thao. Tôi có thể nói rằng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một sự kiện có thể đi vào “lịch sử” của nền thể thao nước nhà.
Thứ nhất, đây là một sự kiện có tầm vóc lớn. Hơn nữa, đây là một vấn đề liên quan đến thể thao mà lại được nhân dân cả nước, được báo chí nước nhà, được tất cả các giới thể hiện sự quan tâm, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, của Quốc hội. Bản thân tôi cũng từng được dự cả 2 cuộc hội thảo của Chính phủ và cuộc giải trình của Chính phủ trước Quốc hội về ASIAD.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một quyết định hợp lòng dân
Với quyết định rút đăng cai ASIAD này của Thủ tướng Chính phủ, tôi mới thấm thía được nét tiến bộ của thời kỳ đổi mới, đó là “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Để có được quyết định lịch sử của ngày hôm nay, tôi phải nói rằng đã có sự đóng góp rất lớn của báo chí, như một quyền lực thứ tư như người ta vẫn nói.
Quốc hội đã lắng nghe những lo lắng của người dân và Chính phủ cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mình dành cho sự kiện tầm vóc này của ngành thể thao. Và Thủ tướng Chính phủ cuối cùng đã có quyết định theo tôi là hết sức khó khăn.
Tôi nhấn mạnh lại đây là quyết định rất khó khăn vì chúng ta đã đăng cai ASIAD 18, cộng đông quốc tế đều biết chúng ta là chủ nhà của ASIAD năm 2019, thậm chí có những nước đã lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng chu đáo cho kỳ ASIAD này.
Nhưng cũng phải nói rằng đó là quyết định hết sức dũng cảm, được lòng dân và hợp lòng dân. Từ đây, càng ngày tôi càng nghiệm ra rằng điều gì mà nhân dân cả nước ủng hộ thì điều đó là đúng đắn.
Từ trước đến nay, các nước “chỉ dám” đăng cai ASIAD khi người ta là cường quốc cả ở lĩnh lực thể thao lẫn kinh tế, nhưng ai cũng biết Việt Nam chúng ta chưa phải là cường quốc ở một trong hai lĩnh vực kể trên.
Điều này đã khiến dư luận hết sức lo lắng chính đáng rằng: Chúng ta lấy đâu ra tiền của để tổ chức một ASIAD, lấy đâu ra lực lượng từ vận động viên cho đến đội ngũ trọng tài, bởi đây thực sự là một sân chơi rất lớn. Phải nói rằng rất may khi Chính phủ đã ngăn chặn kịp thời ý tưởng đăng cai ASIAD không chuẩn xác này của một số người.
Quyết định này cho thấy sự khách quan của Chính phủ và nhân dân cả nước. Tôi cũng mong mỏi rằng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sát sao hơn nữa đến các vấn đề của thể thao nước nhà, đặc biệt góp phần làm sạch hơn nền bóng đá nước nhà đang ở trong cơn “đại hồng thủy”.