Roland Garros từng ở Sài Gòn
Ít người biết rằng, Roland Garros, người mà tên tuổi được đặt cho giải đấu Grand Slam đất nện duy nhất của quần vợt thế giới, đã từng có tuổi thơ sinh sống trên đất Sài Gòn.
Một giải đấu trên mặt sân đất nện màu son sẫm với những điều rất khác biệt. Mặt sân duy nhất mà trái banh nỉ có thể để lại dấu ấn mà nhiều khi gây tranh cãi khiến trọng tài chính phải xuống tận nơi xác định, rồi lại được xí xóa một cách giản đơn bằng đế giầy của tay vợt khiếu nại. Rồi chuyện trận đấu hay phải tạm dừng vì trời đổ mưa hoặc kéo dài đến tối do sân không được trang bị đèn chiếu sáng khiến người hâm mộ cảm thấy thòm thèm khi phải dừng dở chừng bữa tiệc thịnh soạn, còn tay vợt đang xuống sức thì lại thở phào thoải mái vì có cơ hội lấy lại những lúc nghỉ ngơi phục hồi trời cho, biết đâu chung cuộc lại có thể chuyển bại thành thắng.
Roland Garros - Biểu tượng của người Pháp
Nhưng sự khác biệt đó là cần thiết, vì nó tạo ra sự đa dạng, thách thức tài năng của những chủ nhân thực sự của tennis. Và sự khác biệt còn đến từ chính tinh thần của những người sáng lập, khi đã đặt tên giải đấu theo tên một phi công xuất sắc, quả cảm và cũng là một nhà thể thao tài năng của nước Pháp cách đây 1 thế kỷ - Roland Garros.
Dòng máu phiêu lưu
Ngày nay, con phố nhỏ nằm sau lưng chợ Bến Thành mang tên người sĩ phu yêu nước Thủ Khoa Huân, nhưng mấy ai còn nhớ rằng con đường ấy đã có thời được mang tên Roland Garros. |
Niềm đam mê chân trời mới ở người cha Georges Garros, một người Pháp chính cống gốc Toulouse nhưng định cư tại đảo Reunion, Ấn Độ Dương, đã đưa cả gia đình Garros tới Sài Gòn xa xôi – Thủ phủ Cochinchine – tên gọi trước đây của Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1892 khi Roland Garros mới tròn 4 tuổi. Garros cha là luật sư nên đã mở ngay một văn phòng luật tại Sài Gòn để tư vấn pháp lý thương mại cho những người bạn thương gia bản xứ người Việt. Mẹ ông, bà Clara đã tiếp thu tiếng Việt rất nhanh và trong thời gian sống tại đây đã dạy phát âm tiếng Việt cho lũ trẻ người Pháp cùng theo học bậc tiểu học với cậu bé Roland.
Rất tiếc là vào lúc bấy giờ Sài Gòn chưa có trường trung học, nên khi 12 tuổi, Roland đã buộc phải quay trở lại Pháp để được tiếp tục học hành. Chính chuyến trở về một mình trên con tầu lênh đênh suốt hai tháng trời từ Sài Gòn về Marseille, vì cha mẹ bận làm ăn, đã làm nên cá tính của Roland, đó là cực kỳ tự chủ, quả cảm, dám đương đầu với mọi thử thách và trách nhiệm.
Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19
Nhưng cái làm nên một phi công Garros lại chính là khả năng chơi rất nhiều môn thể thao khác nhau một cách xuất sắc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đua xe đạp đến bóng bầu dục, rồi bóng đá và cả tennis! Vì không thực hiện được mong ước của cha mẹ muốn con trở thành luật sư, Roland bị cắt hết hẳn nguồn tài chính từ gia đình ngay sau khi tốt nghiệp HEC – một trường đại học lớn tại Paris.
Nhưng với sự giúp đỡ của bố của một người bạn đồng học và với tấm bằng tốt nghiệp ngành thương mại trong tay, Roland đã rất thành công trong việc buôn bán ô tô và xe thể thao, giúp ông có đủ tiền để lao vào một niềm đam mê mới, đó là bầu trời. Vì ngày ấy tại Pháp chưa hề có trường nào đào tạo phi công chính thức, ông đã tự mình luyện tập bay trên chiếc Bleriot XI sắm bằng tiền kiếm được, rồi cũng được cấp chứng chỉ phi công chuyên nghiệp vào đúng ngày 14 tháng 7 năm 1910, từ đó mở ra con đường chinh phục các đường bay mới, những độ cao mới của doanh nhân Roland trẻ trung nhưng có đam mê cháy bỏng là khám phá bầu trời.
Sau chuyến đi khắp nước Mỹ để tham dự triển lãm hàng không do một người bạn Mỹ gốc Pháp - Canada John Moisant, từ năm 1911, Roland Garros đã thực sự dấn thân vào không trung, tham dự rất nhiều giải đua máy bay của Châu Âu, rồi chuyến bay lịch sử vượt Địa Trung Hải, chinh phục kỷ lục về độ cao lúc bây giờ là 3.950 mét.
Roland Garros mang tên của phi công huyền thoại
Biểu tượng quả cảm
Con người đam mê thể thao, tinh thần dũng cảm như đanh như thép, luôn luôn khám phá thử thách và nhất là tính cách ưa quảng giao đã nhanh chóng đưa tên tuổi của Roland Garros sang tận các châu lục xa xôi và đến với nhiều giới nghề, nhất là các nhà công nghiệp hàng không châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Thế rồi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ năm 1914 mặc nhiên đã biến chàng phi công thể thao bay lượn Roland trở thành Trung úy không quân Pháp tham gia các chuyến bay trinh sát, ném bom, không chiến.
Chính trong một sự cố hỏng động cơ trên đất địch, ông bị bắt làm tù binh nhưng đã kịp thời đốt chiếc phi cơ của mình để không cho đối phương có cơ hội bắt chước công nghệ. Người Đức cũng chẳng phải vừa, họ đã nghiên cứu cải tiến chế tạo thành công chiếc FOKKER E III, loại máy báy đã ngự trị bầu trời cho đến cuối năm 1915. Cũng trong một trận không chiến ngày 5/10/1918 với một tốp FOKKER D.VII của Đức, người hùng nước Pháp , có thể do bị cận thị nặng phải đeo kính, đã hy sinh anh dũng khi chiếc SPAD nổ tung trên bầu trời Ardennes gần nơi ông an nghỉ sau này.
Khi nói đến quần vợt Pháp thì một cách rất tự nhiên là người ta nghĩ ngay đến Roland Garros, sân đấu mang tên người phi công siêu đẳng của nước Pháp từ năm 1928, nhưng tại sao đó không phải là những Henri Cochet, Rene Lacoste – những chàng “Ngự lâm pháo thủ” đã đem lại danh tiếng cho quần vợt nước Pháp?
Roland Garros là biểu tượng của ý chí và đam mê
Có lẽ truyền thống tôn vinh của nước Pháp sẽ là câu trả lời xác đáng nhất, đó là việc các Viện Hàn lâm, trong đó có Viện Hàn lâm Thể thao luôn coi trọng tầm ảnh hưởng của cá nhân để lại cho thế hệ sau mà ở Roland Garros chính là sự đam mê thể thao, ý chí chinh phục đỉnh cao và luôn cố gắng chiến thắng bản thân mình.
Sự khác biệt lớn nhất ở Roland Garros, người đã từng trải qua 8 năm thời thơ ấu ở Thành phố Sài gòn cách đây hơn 100 năm, đó chính là cái tên Roland chỉ được viêt bằng một chữ “L” thay vì hai chữ “L” như qui định của tiếng Pháp, khác đến nỗi, tại “Tenisium” trong khuôn viên của sân Roland Garros, có 8 dòng viết về ông thì có tới hẳn 4 dòng để xác định rõ sự “không giống ai” này.
Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1888 tại Saint-Denis trên đảo Reunion thuộc Pháp, Roland Garros từng là phi công dân dụng trước năm 1914, rồi trở thành Trung úy không quân trong Đại chiến thế giới thứ nhất. Hy sinh vì nước Pháp khi chỉ còn đúng còn một ngày là ông tròn ba mươi tuổi (ngày 5/10/1918), ông trở thành một trong những người tiên phong mẫu mực của ngành hàng không thế giới nhờ lòng quả cảm, đam mê nhiều môn thể thao và khám phá thế giới không trung khi công nghệ hàng không còn quá non trẻ vào lúc bấy giờ. |