Roger Federer: Còn hơn cả sự vĩ đại
Dường như không còn đủ từ ngữ để miêu tả về sự vĩ đại của Roger Federer.
Có một Federer thiên tài
Mặc nhiên không có một tay vợt nào hoàn hảo và Roger Federer không phải là ngoại lệ, cũng giống như câu chuyện “khắc tinh” của FedEx luôn là Rafael Nadal chứ không phải ai khác. Và một sự trùng hợp mà sau này chúng ta sẽ đề cập tới: Khi thiếu vắng Nadal trong năm 2009 vì chấn thương, Federer đã lần đầu tiên vô địch Roland Garros, san bằng kỷ lục 14 Grand Slam của Pete Sampras và sau đó đoạt cả Wimbledon 2009 để vượt lên trên Sampras, khi mà trước đó đã thua Rafa ở cả hai trận chung kết Roland Garros và Wimbledon 2008. Và hiện tại, khi không có Nadal sau thất bại chấn động trước Lukas Rosol tại vòng 2 Wimbledon 2012, dường như Federer không còn đối thủ có khả năng tung những cú đánh xoáy để áp chế cú trái một tay xuất chúng của FedEx.
Federer giành Wimbledon thứ 7 trong sự nghiệp và trở lại số 1 thế giới
Andy Murray, tay vợt của Vương quốc Anh đầu tiên từ năm 1938 có mặt trong trận chung kết Wimbledon, cũng thuộc nằm lòng quy tắc cơ bản trong tennis: Tấn công về phía trái tay, điểm yếu của mọi tay vợt. Và mọi thứ diễn ra trơn tru trong set đầu, khi mà Murray đoạt break ngay trong game đầu tiên tại trận chung kết và sau đó thắng 6-4 ở set 1. Nhưng kịch bản đó không lặp lại trong 3 set tiếp theo, khi Federer, vốn hồi sinh và nâng cấp cú đè trái tay từ khi quyết định cộng tác với HLV Paul Annacone, đã hóa giải hoàn toàn mọi hướng tấn công của Murray.
Điểm nút của trận đấu diễn ra ở game thứ 6 set 3, khi game đấu dài nhất diễn ra trong hơn 20 phút với 10 lần đều cho cả hai tay vợt. Murray có tới 3 game-point và với hầu như tay vợt nào lúc ấy cầm giao bóng sẽ suy nghĩ: Hãy tung một cú giao bóng mạnh về trái tay của đối thủ và giành game. Murray cũng thực hiện điều tương tự khi giao cả bóng một và hai về trái tay của Federer trong cả 3 điểm số sau đó. Kết quả: Những cú kick-serve không đủ độ xoáy và bóng nảy cao lại vô tình tạo điều kiện cho cú đè trái bằng một tay của Federer trở nên đáng sợ hơn rất nhiều. Và cũng chính cú trái tay passing giành winner khi Murray tràn lưới trong game thứ 5 set 4 đã giúp Federer tiếp tục có break để tiến gần hơn tới chiến thắng.
Cú trái tay xuất chúng giúp Federer giành điểm "nút" trước Murray
Có lẽ chỉ có thiên tài mới đủ sức bình tĩnh để chiến thắng trong những thời điểm quyết định giữa sức ép của hàng vạn khán giả ở trong sân Trung tâm cũng như bên ngoài trên “núi Murray” (Murray Mount)!
FedEx quá vĩ đại!
Danh hiệu Wimbledon thứ 7 và là Grand Slam thứ 17 trong sự nghiệp, san bằng 286 tuần trên ngôi số 1 thế giới của Pete Sampras, đã đủ để nói về FedEx? Mỗi thời kỳ có những huyền thoại khác nhau và thật khó để so sánh ai mới là cái tên vĩ đại nhất. Nhưng có một điều chắc chắn, với những ai được sống cùng kỷ nguyên với Federer đều sẽ thừa nhận: FedEx quá vĩ đại! Hãy tạm bỏ qua những con số, những tranh cãi xem Federer hay Nadal xuất sắc hơn, mà chỉ cần nhìn vào những gì Federer đã làm được, khi ở tuổi ngoài 30, trải qua hơn 2 năm sống trong sự hoài nghi về lời hứa sẽ giành thêm Grand Slam từ sau Australian Open 2010.
Federer vẫn làm nên những điều kỳ diệu ở tuổi ngoài 30
Djokovic và Nadal đã tạo nên những cuộc quyết đấu trong cả năm 2011 và cả nửa đầu mùa giải 2012, để gạt Federer khỏi những trận chung kết Grand Slam (dù rằng FedEx cũng đi tới chung kết Roland Garros 2011 nhưng thực tế không thể đánh bại Nadal trên mặt sân đất nện nước Pháp). Nhưng cuối cùng tay vợt người Thụy Sỹ vẫn trở lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở Wimbledon 2012, thật khó tin nhưng là sự thật: Khi Federer gặp khó khăn nhất với những trận đấu kéo dài và trước những đối thủ khó chơi, sức mạnh của FedEx lại được tăng lên gấp bội.
Lúc Federer gục xuống thảm cỏ Wimbledon, cứ như thể là lần đầu chàng trai 21 tuổi giành Grand Slam. Nhưng con số 17 đâu khác con số 1, khi Federer vẫn còn niềm đam mê tennis cháy bỏng thì FedEx vẫn sẽ tạo nên những khoảnh khắc khó quên trong lịch sử quần vợt thế giới. Sự nghiệp của Federer sẽ có điểm dừng, không cần biết, hãy cảm nhận và chiêm nghiệm những gì FedEx đã cống hiến cho làng banh nỉ.
Trong 17 Grand Slam của Federer, mới có 3 trận chung kết FedEx bị dẫn trước trong set 1 nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc, tất cả đều diễn ra tại Wimbledon. Năm 2004, Federer thắng Andy Roddick 4–6, 7–5, 7–6(7–3), 6–4, năm 2009 tiếp tục vượt qua Roddick trong trận chung kết khó quên sau 5 set 5–7, 7–6(8–6), 7–6(7–5), 3–6, 16–14 và năm 2012 đánh bại Andy Murray 4–6, 7–5, 6–3, 6–4. |