"Ông trùm" Nadal: Roland Garros thứ 11 đã ở trong túi?
(Tin tennis) Các đối thủ thách thức Nadal năm nay liệu có yếu thế hơn cả năm 2017?
Nhắc lại là năm ngoái, Nadal vô địch ở một giải Grand Slam khi đăng quang ở Roland Garros mà không thua set nào.
Nadal vẫn luôn khác biệt ở sân đất nện
Các đối thủ Nadal đánh bại từ vòng ngoài lần lượt là Paire, Haase, Basilashvli, rồi sau đó là những tay vợt cũng gồm vài người khá đáng gờm, có Wawrink (vô địch 2015), Thiem, Careno Busta, Agut, Basilashvili, Haase và Paire.
Còn ở Paris năm nay, vòng 1 là Bolelli, hiện đứng thứ 129 thế giới, đã bị loại, được gặp Nadal nhờ đối thủ chấn thương bỏ cuộc.
Nếu tính theo lý thuyết mạnh được yếu thua, để họ được lần lượt là các đối thủ của Nadal thì đánh giá rằng tay vợt người Tây Ban Nha đã rơi vào một nhánh đấu quả là không sai. Và các đối thủ tiềm tàng từ vòng 2 cho tới bán kết gồm Pella, Gasquet, Shapovalov, Anderson và Cilic có vẻ nhẹ kí hơn so với 2017.
Từ thứ hạng: 2018 sẽ dễ hơn
Có một tiêu chí so sánh khá phổ thông, đó là vị trí của các đối thủ trên bảng xếp hạng ATP. Cilic số 4, Anderson số 7, Shapovalov 25, Gasquet 32, Pella
78. Còn năm ngoái, lần lượt là Wawrinka 3, Thiem 7, Busta 21, Agut 18, Basilashvili 63, Haase 46 và Paire 45.
Với một độ khó nhỉnh hơn như thế, Nadal thậm chí còn giành chức vô địch không những không thua set nào mà còn chỉ mất một tổng số game gần gần như ít nhất trong lịch sử những người vô địch Grand Slam (35 game anh thua chỉ nhiều hơn Bjorn Borg năm 1978 3 game).
Từ điểm Elo: Nadal không có cửa thua?
Điểm xếp hạng 52 tuần của ATP ranking có từ năm 1973 có lẽ không phải là điều quá xa lạ với thế giới tennis. Nó phản ánh trung thực phong độ của các tay vợt trong một quá trình cũng như phần nào đó là cả phong độ hiện tại.
Còn điểm Elo lại là một khái niệm mới. Tôi muốn đưa chuẩn mực so sánh này ra như một sự tham khảo bổ sung dù cho nó có thể gây tranh cãi hoặc chưa được các tổ chức tennis chính thống nhìn nhận nghiêm túc.
Điểm Elo này được tính cho các tay vợt dựa trên sức mạnh thứ hạng của đối thủ mà anh ta đã gặp chứ không dựa trên việc lọt vào sâu tới đâu qua các vòng đấu. Chẳng hạn, nếu Bolelli thắng Nadal thì anh sẽ giành được nhiều điểm hơn là Nadal thắng Bolelli dù đó đều là trận thắng ở vòng 1.
Cách tính này vì thế đôi khi được một số trung tâm nghiên cứu (kể cả cá cược) tham khảo. Họ coi nó phản ánh chính xác hơn năng lực của các tay vợt.
Chẳng hạn, xếp hạng theo Elo thì cả Nishikori và Djokovic đều có mặt trong Top 10 (xem Bảng 1) còn với bảng xếp hạng ATP thì họ đứng tương ứng là 21 và 22 thế giới.
Thêm một ví dụ nữa, Kevin Anderson, người bất ngờ vào tới chung kết US Open 2017 (thua Nadal), hiện đứng thứ 7 ATP nhưng lại chỉ xếp thứ 14 Elo.
Với hai ví dụ trên, liệu có đủ để mỗi chúng ta đưa ra nhận định của riêng mình, trong khi ưu thế của bảng xếp hạng ATP 52 tuần buộc các tay vợt phải nỗ lực, phải đánh giải đều đặn trong cả mùa giải để giữ hạng và được chọn làm hạt giống?
Quay trở lại với các đối thủ của Nadal thì xếp hạng Elo có giá trị gì đáng nói? Đó chính là các tay vợt có khả năng đối đầu với Nadal đã đề cập ở trên không có ai đứng trong Top 10: Cilic đứng thứ 13, Anderson thứ 14, Shapovalov 10.
Ai sẽ cản được "Bò tót"?
Và một tiêu chí được coi là ưu việt khác của hệ thống điểm Elo là khoảng cách thứ hạng không quan trọng bằng khoảng cách điểm số.
Các chuyên gia đưa ra hệ thống này tính toán cơ hội thắng thua khi các tay vợt đối đầu với nhau như sau: Khoảng cách 100, 200, 300, 400 và 500 điểm sẽ tương ứng với khả năng thắng là 64, 76, 85, 91 và 95%.
Vẫn chưa hết, nó còn tính riêng rẽ cho từng mặt sân. Lúc này, trên mặt sân đất nện, Cilic chỉ đứng thứ 16 và Anderson đứng thứ 22.
Khoảng cách điểm số của Nadal với Cilic và Anderson đều là trên 400 điểm (xem Bảng 2) và như thế, khả năng đánh bại các đối thủ của Nadal ít nhất cũng là 91%.
Dù chỉ 1% vẫn có thể vỡ mộng
Ngưỡng khả năng xảy ra tối đa chỉ là 95% được các nhà nghiên cứu đưa ra không phải là cảm tính mà nó dựa trên các thống kê kết quả thực tế sau khi họ đã áp điểm Elo cho các tay vợt.
Nó cũng đúng với một quy luật hiển nhiên là bất ngờ luôn tồn tại trong tennis cũng như các môn thể thao khác.
Ở Roland Garros 2018 này, bất ngờ thậm chí xảy ra còn nhiều hơn bất cứ Grand Slam nào và chính bản thân nó trong vòng chục năm qua. Vòng 1 đơn nam chưa đánh xong nhưng đã có hạt giống bị loại và có tới 8 tay vợt phải vượt qua vòng loại và 1 tay vợt nhận suất đặc cách lọt vào vòng 2. Trong số này có một người thậm chí không qua vòng loại nhưng được vớt nhờ đối thủ chấn thương bỏ cuộc – tương tự như Bolelli, đối thủ ở vòng 1 của Nadal.
Thực tế là Bolelli đã chơi cực hay trước Nadal sau hơn 2 set khi trận đấu tạm dừng với tỉ số 6-4 6-3 0-3 (nghiêng về Nadal) do trời mưa.
Bolelli bẻ được game bằng lối đánh tấn công và các cú quả cực nặng và chính xác.
Kể cả khi điều kiện thời tiết khiến Nadal gặp khó khăn thì nó cũng là một thực tế đã chi phối tới các kết quả của giải đấu này mà không chừa một ai trong nhiều năm qua: Nắng và khô thì bóng nảy cao, đi nhanh còn trời ẩm sân ẩm thì bóng nảy thấp và đi chậm.
Và xếp hạng Elo với điểm trên mặt sân đất nện của tất cả các tay vợt cũng không cho thấy kết quả bốc thăm là lợi thế của Nadal so với các ứng viên vô địch khác (xem Bảng 2).
Các đối thủ tiềm tàng của Nadal có điểm Elo đất nện trung bình là 1776, còn của Thiem là 1797, của Djokovic là 1842, và thấp nhất là các đối thủ của Zverev với 1711.
Nhưng phải khẳng định một lần nữa dù chỉ mong manh thì bất ngờ vẫn có thể xảy ra với bất cứ ai.
Kỷ lục về số lần vô địch Grand Slam ở một giải đấu của mọi thời đại, với mọi tay vợt nam và nữ mà cựu số 1 nữ thế giới Magaret Court làm được ở Australian Open từ 1960-1966, 1969-1971 và 1973 vẫn sừng sững ở phía trước.
Bị đối phương dẫn 3-0 trong set 3, Nadal bất ngờ được hưởng lợi nhờ "ông trời".