Liệu những thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường của Rafael Nadal có phải là đôi khi anh hoài nghi chính bản thân mình?
Nadal đến với tennis và trở nên vĩ đại như ngày hôm nay vốn dĩ đã là một sự phi thường. Nếu bình thường, Nadal như những đoán định trước đó rằng cái đầu gối của anh, vốn lão hoá lại dính chấn thương nặng, không thể chạy tiếp nữa khi bước qua năm 2010.
Nếu bình thường như bao tay vợt khác thì sự nghiệp đẹp đẽ nhất cũng chỉ kéo dài chưa đầy 10 năm liên tục, vì ngay cả người tài hoa như Pete Sampras cũng phải dừng lại trước khi chạm tới giới hạn đó.
Không ai khác, kể cả Federer, Nadal mới chính là người đầu tiên sau này đạt tới chu kỳ 10 năm đỉnh cao. Nadal lên ngôi Grand Slam lần đầu năm 2005, và liên tục cho đến 2014.
Nadal cũng là một trong rất ít những tay vợt vượt qua được giới hạn 10 năm đỉnh cao, dù cho anh không phải là người đầu tiên vô địch Grand Slam sau khi đã bước qua tuổi 30.
Nhìn lại những con số, phải cỡ như Agassi, huyền thoại người Mỹ vô địch Grand Slam đầu và cuối cách nhau 11 năm. Như Pete Sampras là 12 năm.
Còn như Jimmy Connors bền bỉ vô cùng (giữ kỷ lục về số trận thắng 1274, số trận đấu 1557, và cả số danh hiệu 109) chỉ có 6 năm thực sự đỉnh cao.
Nhưng Nadal phi thường như thế không phải là người có thần kinh bằng thép. Hoặc chỉ là trước kia. Còn bây giờ, Nadal mới đây đã bỏ lỡ cơ hội chinh phục ATP Finals 2020, sau khi thua Medvedev, dù cho đã được cầm giao bóng để kết thúc trận đấu ngay sau 2 set.
Cũng giải đó, Nadal thua Thiem trong cả hai loạt tiebreak – một trong những thước đo chuẩn mực nhất cho sự toàn diện trong tennis, từ cú quả cho tới tâm lý.
ATP Tour qua hàng thập kỷ đã xây dựng 4 tiêu chí để đánh giá tâm lý thi đấu của các tay vợt, gọi là “thi đấu dưới áp lực”: 1/Tận dụng break point, 2/Cứu break point, 3/Tiebreak và 4/thắng thua trong set quyết định.
Thật ra, có nhiều hơn thế những thời điểm đặt lên đôi vai các tay vợt những áp lực. Như khi đối thủ cầm giao bóng khi tỉ số của set đấu là 1-5; là khi họ cầm giao bóng và điểm số là 0-40 ở những game bản lề.
Áp lực sẽ tăng lên theo cấp số nhân khi vốn dĩ đối thủ có break point/match point mà người giao bóng lại lỗi ngay cú giao bóng 1 (first serve).
Và áp lực sẽ thay đổi tuỳ thuộc tính chất của từng giải đấu, đạt tới mức cực đại nếu đó là những giải đấu hàng đầu (Grand Slam, hay có ý nghĩa lịch sử như ATP Finals với Nadal).
Nó cũng có thể khác nhau giữa mỗi tay vợt, như Thiem sau khi đã thua ba trận chung kết Grand Slam lại bị dẫn tới 0-2 ở trận chung kết thứ tư (vs Zverev ở US Open 2020).
Hay như chính trận chung kết Wimbledon 2008 vĩ đại với Nadal sau khi đã thua Federer ở 2 trận chung kết liên tiếp 2 năm trước đó, trên cùng giải đấu danh giá nhất của môn thể thao này.
Federer ở trận đấu đó chỉ còn cách danh hiệu vô địch lần thứ 6 liên tiếp ở Wimbledon chỉ 2 điểm. Nhưng Nadal đã biến nguy cơ thành chiến thắng, để từ đó đã định đoạt cuộc đối đầu giữa 2 tay vợt cho tới nay xuất sắc nhất, thành công nhất trong lịch sử tennis.
Nadal kết thúc năm 2020 với vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng của những tay vợt chơi dưới áp lực tâm lý tốt nhất, anh chỉ đứng sau Djokovic.
Năm 2008 kỳ diệu ấy, Nadal cũng xếp ở vị trí thứ hai. Tất nhiên, người đứng trên Nadal ở chỉ số này không phải là Federer (mà là Del Potro).
Năm ngoái, Nadal đứng thứ nhất. Đó chỉ là lần thứ hai trong sự nghiệp của mình Nadal đứng đầu về sự lỳ lợm, lạnh lùng, hoặc nói khác đi là bản lĩnh.
Đánh giá suốt cả sự nghiệp gồm cả những người đã gác vợt lẫn còn đang thi đấu, Nadal đứng thứ ba, sau Pete Sampras và Djokovic (1).
Chỉ số này là tương đối. Vì Nadal năm 2011 và 2012 liên tục thua Djokovic trong các cuộc đối đầu quan trọng bao gồm cả những khoảnh khắc phát sinh áp lực trong các game và set đấu, chỉ đứng thứ 10 và thứ 5. Và đều đứng sau Djokovic.
Nadal thăng hoa năm 2013, vào tới 14 trận chung kết thắng 10, giành 2 Grand Slam và 5 Masters 1000 đứng thứ 2 về chỉ số chịu áp lực; sau Khachanov, tay vợt đã không đủ xuất sắc để “được” rơi vào hoàn cảnh thử thách tâm lý ở các trận lớn, giải lớn.
Nhưng cảm giác mà Nadal chắc chắn và hiệu quả ở những thời khắc quyết định có lẽ còn hơn cả việc xếp hạng nói trên.
Kiên trì với chiến thuật và phong cách thi đấu, đặt ra và tuân thủ các thói quen trước và sau mỗi điểm số để tự đưa mình vào quỹ đạo, lặp đi lặp nó hàng ngàn lần, để biến thành một cỗ máy là những thứ mang lại cho Nadal vinh quang và bản sắc.
Vậy, điều gì đã khiến Nadal không còn vững chãi ở những thời khắc quyết định nữa? Ngoài 2 trận thua ở ATP Finals mới đây, Nadal đã đánh mất cơ hội thắng set 1 trước Thiem khi đã dẫn 5-3 ở Australian Open đầu năm.
Nadal đã thừa nhận sau đó rằng, việc đánh rơi set 1 là một trong các nguyên nhân khiến anh bị đánh bại.
Cũng ở trận đấu đó, Nadal thua cả 3 loạt tiebreak trước Thiem.
Điểm yếu nhất của Nadal là hiệu suất trong những loạt tiebreak. Nadal chỉ thắng 60,7% trong các set phân định tiebreak, trong khi Djokovic là 65,1% và Federer là 65,3%.
Các thống kê liên quan tới những tay vợt có sự kỵ rơ càng trở nên rõ ràng: Tỉ số giữa các set tiebreak của Nadal với Kyrgios là 4-5. Giữa Nadal với Djokovic là 9-8.
Nếu biết rằng Nadal thắng cả 5 loạt tiebreak đầu tiên khi chạm trán Djokovic, và chỉ thắng 1 trong 5 lần tiebreak gần nhất thì kết luận Nadal mong manh ở thời khắc quyết định càng có cơ sở.
Hạn chế trong tiebreak xuất phát từ khả năng giao bóng khi mà Nadal không phải là người giao bóng hay nhất trong số những tay vợt hàng đầu của đội ngũ đỉnh cao: Ít giao bóng ăn điểm trực tiếp, ít giành điểm dễ dàng (free point).
Thua tiebreak nhiều cũng còn là dấu hiệu của sự suy giảm trình độ và thể lực, mà cán cân giữa Nadal và Djokovic phân tích ở trên chỉ ra điều đó.
Và cả những áp lực từ các cuộc đua tranh kỷ lục vĩ đại giữa Nadal với Federer và Djokovic. 10 năm qua và rõ rệt hơn tất cả là giai đoạn 2015-2020, Nadal phải bám đuổi Federer (ở Grand Slam), trong khi Djokovic luôn sẵn sàng bắt kịp (ở Grand Slam) và đã vượt qua (ở Masters 1000).
Trình độ vươn lên của thế hệ kế cận bắt đầu chín cũng là nguyên nhân khác. Nadal và Thiem chia đều tỉ lệ tiebreak cho tới năm 2018 (2-2), rồi khi Thiem trỗi dậy mạnh mẽ, Nadal thua cả 5 set tiebreak trước tay vợt trẻ hơn anh 6 tuổi.
Nadal phủ nhận nguyên nhân tâm lý sau trận thua Medvedev ở bán kết ATP Finals 2020, mà nói rằng anh đã chơi tồi. Có lẽ đúng hơn cả là Nadal vừa chơi không tốt, còn đối thủ thăng hoa đúng lúc, và việc chưa từng lên ngôi ở ATP Finals đã cộng hưởng khiến Nadal lung lay.
Trong mọi cuốn sách, mọi công trình nghiên cứu hay những bài viết thoảng qua về Nadal, người ta vẫn thường gọi Nadal là một chiến binh, chiến đấu trong từng điểm số, và đặt các chiến thắng có giá trị tương đương. Nó được tóm lại trong câu nói mỗi trận đấu như một cuộc đời của Nadal.
Điểm yếu sinh ra từ điểm mạnh là lẽ tự nhiên vì Nadal cũng chỉ là con người.