Phía sau nguyện vọng không dự SEA Games 32
Thông tin về khả năng tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam không cùng đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 32 khi sự kiện thể thao lớn nhất khu vực chỉ còn 3 tháng nữa là khai mạc đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Dù thế nào thì sau nguyện vọng xin rút Lý Hoàng Nam không dự SEA Games 32 của câu lạc bộ chủ quản, quần vợt Việt Nam cũng có dịp xem lại mình để không bị động về khâu nhân sự trước mỗi kỳ cuộc.
Dự Grand Slam mới là mục tiêu dài hơi
Mới đây, đơn vị chủ quản của tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam là câu lạc bộ (CLB) quần vợt Hải Đăng đã gửi công văn tới Tổng cục TDTT và Liên đoàn quần vợt Việt Nam đề nghị xin cho các thành viên của CLB gồm HLV Trần Quốc Phong, chuyên gia Ivan Miranda và tay vợt Lý Hoàng Nam thôi tập trung đội tuyển quốc gia.
Lý Hoàng Nam (bên phải) đang cố gắng có lần đầu thi đấu một giải thuộc hệ thống giải Grand Slam.
Theo lý giải từ đại diện CLB Hải Đăng, việc này cũng nhằm phục vụ các mục tiêu mà ban huấn luyện đã đặt ra cho Lý Hoàng Nam trong năm 2023, trong đó đặc biệt là giành suất tham dự vòng loại các giải thuộc hệ thống giải Grand Slam danh giá của Hiệp hội quần vợt nhà nghề nam thế giới. Cụ thể, trước mắt là giải Roland Gaross (giải Pháp mở rộng, diễn ra trên sân đất nện) diễn ra tại Pháp từ 22/5 tới 11/6. Để Lý Hoàng Nam có thể góp mặt giải này, ban huấn luyện có kế hoạch dài hơi cho anh, trong đó có tham dự các giải khởi động trên sân đất nện từ đầu tháng 5.
Với việc dự các giải đấu khởi động cũng trùng với thời gian diễn ra SEA Games 32 (từ ngày 5 đến 17-5, môn quần vợt dự kiến diễn ra trên mặt sân cứng) nên CLB Hải Đăng gửi công văn xin cho HLV Trần Quốc Phong, chuyên gia Ivan Miranda và VĐV Lý Hoàng Nam thôi tập trung đội tuyển quần vợt Việt Nam để tập trung cho mục tiêu tham dự các giải Grand Slam trong năm 2023.
Công văn trên gửi đến Tổng cục TDTT trong thời điểm khá “nhạy cảm”, chỉ ít ngày sau trận thua của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia ở Bắc Ninh, tại trận tranh suất trụ lại nhóm 2 Giải quần vợt đồng đội nam thế giới (Davis Cup) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dẫn đến đội tuyển phải thi đấu ở hạng 3 ở mùa tới.
Trong thời gian chuẩn bị và tham dự trận đấu với Indonesia, khâu hậu cần cho các tuyển thủ bị đánh giá là không tốt, trong đó các tuyển thủ, HLV phải ứng tiền ăn do chưa nhận được quyết định thành lập đội tuyển quốc gia. Tất nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính dẫn đến trận thua bởi chính Lý Hoàng Nam cũng thừa nhận rằng Indonesia đồng đều hơn về lực lượng nên giành chiến thắng là xứng đáng.
Còn như phía CLB Hải Đăng cũng lý giải là kế hoạch chuẩn bị cho Lý Hoàng Nam tham dự các giải đấu để tranh suất góp mặt ở hệ thống thi đấu Grand Slam cũng như tiếp tục nâng thứ hạng có từ cuối năm 2022. Không đơn giản thực hiện mục tiêu này khi thông qua thành tích thi đấu trong năm 2023, chỉ riêng việc Lý Hoàng Nam bảo vệ được ít nhất số điểm giành được trong năm 2022 trên bảng xếp hạng của Hiệp hội quần vợt nhà nghề nam thế giới cũng sẽ rất khó khăn. Sau đó là giành nhiều điểm hơn so với năm 2022 để cải thiện thứ hạng.
Lý Hoàng Nam cũng từng lý giải, nếu xếp hạng từ 150 đến 200 thế giới thì chỉ đủ tiền cho HLV cũng như di chuyển, khách sạn trong khi thi đấu. Còn lý tưởng hơn là phải xếp hạng từ hạng 150 thế giới trở lên mới có thể thực sự kiếm tiền, có “của ăn của để” từ thi đấu quần vợt nhà nghề thế giới. Trong khi đó, trên bảng xếp hạng quần vợt nam thế giới vào cuối năm 2022, Lý Hoàng Nam xếp hạng 244.
Hành trình để cải thiện gần 100 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, để có thể kiếm tiền, rồi dư dả từ việc thi đấu sẽ ngày càng khó khăn. Tay vợt này sẽ phải thi đấu với nhiều tay vợt có trình độ cao hơn ở những sân chơi cấp độ cao hơn các giải đấu mà anh thường tham dự trước đây thuộc hệ thống giải Future (vốn chỉ quy tụ các tay vợt xếp hạng nhóm 200 đến 500 thế giới, thậm chí có khi đến 1.000 hoặc hơn 1.000 thế giới). Cũng phải nhớ rằng, để có thể đưa Lý Hoàng Nam vào nhóm 250 tay vợt nam hàng đầu thế giới, thành tích độc nhất vô nhị trong làng quần vợt Việt Nam từ trước đến nay, những năm gần đây, CLB Hải Đăng đã đầu tư tiền tỷ mỗi năm. Nếu không có nguồn này, nhiều VĐV sẽ phải “chạy” đủ các nguồn để có kinh phí thi đấu quốc tế. Thế để thấy sân chơi quần vợt nhà nghề thực sự khắc nghiệt.
Cho nên, đến lúc này, việc Lý Hoàng Nam ưu tiên các giải đấu tích điểm của hệ thống thi đấu quần vợt nam nhà nghề thế giới cũng dễ lý giải, đặc biệt khi anh chỉ còn gần 5 năm thi đấu đỉnh cao trước mắt (hiện Lý Hoàng Nam đã 26 tuổi) và cũng từng 2 lần vô địch đơn nam tại SEA Games năm 2019 và 2022.
Hết cửa HCV quần vợt ở SEA Games?
Với việc gần đây nhất, Lý Hoàng Nam vô địch đơn nam tại SEA Games 31 và đang có phong độ ổn định, quần vợt Việt Nam đã đặt mục tiêu giành 1 HCV tại SEA Games 32. Tấm HCV dự kiến này của quần vợt cũng trong chỉ tiêu giành tối thiểu 100 HCV tại SEA Games 32 mà Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn từng đề cập trong cuộc làm việc giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Tổng cục TDTT về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32, diễn ra hồi đầu tháng 2.
Nhưng trong trường hợp Lý Hoàng Nam không tham dự SEA Games 32, khả năng hoàn thành chỉ tiêu HCV của đội tuyển hầu như không có khi các tay vợt khác, trong đó có Trịnh Linh Giang – á quân đơn nam SEA Games 31, đều chưa chứng tỏ được khả năng lên ngôi vô địch tại sân chơi SEA Games như Lý Hoàng Nam từng thể hiện trong hơn 3 năm qua. Điều đó đồng nghĩa chỉ tiêu HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam tại sân chơi SEA Games cũng sẽ phải điều chỉnh. Những thông tin ban đầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước về thể thao là tôn trọng nguyện vọng cá nhân của Lý Hoàng Nam và định hướng của CLB Hải Đăng dành cho tay vợt này. Xét cho cùng, nếu Lý Hoàng Nam đạt những bước tiến mới trong sự nghiệp thì cũng mang đến hiệu ứng tích cực cho thể thao Việt Nam.
Tất nhiên, việc Lý Hoàng Nam có chính thức không tham dự SEA Games 32 hay không còn phụ thuộc cuộc làm việc trong thời gian tới giữa lãnh đạo Tổng cục TDTT với CLB Hải Đăng và cá nhân tay vợt này. Nhưng rõ ràng, nếu việc một tay vợt rút lui khiến chỉ tiêu của cả đội tuyển ảnh hưởng thì cũng cần xem xét đến việc tạo nguồn lực lượng VĐV của quần vợt Việt Nam. Sẽ luôn cần có 2-3 tay vợt tương đương trình độ Lý Hoàng Nam để khi vắng tay vợt này sẽ có tay vợt khác đảm nhận nhiệm vụ. Nhưng hiện tại, chỉ có Lý Hoàng Nam ở đẳng cấp vượt trội các tay vợt Việt Nam khác. Điều đó khiến mục tiêu ở SEA Games trở nên không chắc chắn và thành tích của đội tuyển quần vợt nam Việt Nam ở sân chơi Davis Cup cũng không ổn định, luôn chơi vơi giữa nhóm 2 và nhóm 3 châu Á – Thái Bình Dương.
Và đấy cũng là bài toán cần sớm tìm lời giải cho các nhà quản lý quần vợt Việt Nam sau nguyện vọng xin rút lui khỏi đội tuyển quốc gia dự SEA Games 32 cho tay vợt nam số 1 Việt Nam từ phía CLB chủ quản của VĐV này.
Cần sớm lên hạng 220 thế giới Hiện nay, Lý Hoàng Nam đang xếp hạng 246 thế giới. Anh cần tích lũy thêm khoảng 50 điểm để tiếp cận hạng 220 thế giới, mở ra hy vọng được tham dự vòng loại Giải Pháp mở rộng 2023. Những ngày này, Lý Hoàng Nam đang ở Ấn Độ dự các giải đấu nhằm tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới. (Minh Khuê) |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin quần vợt) Tay vợt số 1 Việt Nam đã làm đơn xin rút khỏi đội tuyển quốc gia, không tham dự SEA Games 32 để tập trung cho mục tiêu lớn trong sự nghiệp.