Phía sau ánh hào quang ở U.S Open Series

Trang Tennis.com vừa đưa ra những ý kiến cho rằng tour đấu Bắc Mỹ đang diễn ra ở thời điểm không hề thích hợp và chỉ giúp các tay vợt kiếm thêm số tiền thưởng lên tới 1 triệu USD cũng như tích lũy điểm số cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng thay vì mang tính chất khởi động cho Grand Slam cuối cùng trong năm trên sân Flushing Meadows.

U.S Open Series gồm 9 giải đấu lớn nhỏ, trong đó có 2 giải ATP 1000 cũng như 2 giải tương tự của WTA là Canada và Cincinnati. Với thương hiệu cũng như nhà tài trợ đình đám và quen thuộc trong giới thể thao là Emirates Airlines, tất nhiên số tiền thưởng ngoài những gì công bố trong thể lệ giải tại tour đấu Bắc Mỹ này và US Open, lên tới 1 triệu USD cho tay vợt dẫn đầu trên bảng xếp hạng các giải trong Series và đăng quang ngôi vô địch Mỹ mở rộng.

Bên cạnh đó, số tiền mà 2 tay vợt lọt vào trận chung kết tại giải Grand Slam cuối cùng trong năm có thể tăng lên thêm 250.000 USD cho người về nhì, trong khi người đứng thứ 3 có thể được thưởng thêm 3.750 USD.

Cũng giống như loạt giải đấu trên mặt sân đất nện ở châu Âu mà Tennis.com gọi là Roland Garros Series, đây là con số không hề nhỏ tạo nên sức cuốn hút đối với bất kỳ tay vợt nào trên thế giới ở tour đấu trên đất Mỹ này, cùng với số điểm thưởng theo hệ số tính riêng tại giải.

“Cha đẻ” của ý tưởng tổ chức U.S Open Series này là cựu CEO của Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp Mỹ (USTA), Arlen Kantarian, với mong muốn tạo nên một hệ thống các giải đấu trở thành sân nhà cho các tay vợt của Mỹ, nơi điều kiện thời tiết cùng độ ẩm và mặt sân cứng luôn là những nhân tố bào mòn thể lực của các tay vợt không kịp thích nghi.

Tất nhiên, Kantarian đã nhìn ra những lợi nhuận khổng lồ từ bản quyền truyền hình khi giải đấu thu hút những tay vợt tên tuổi trên thế giới đến tham dự. Việc này hòa chung vào chiến dịch marketing và PR của giải Grand Slam cuối cùng trong năm, như một hệ thống mặc nhiên được ATP hay WTA công nhận trên quốc gia mà tennis không phải là môn thể thao hàng đầu được mến mộ nếu so với bóng rổ, bóng chày hay bóng bầu dục…

Ra mắt năm 2004 cùng chiến dịch quảng bá quy mô và rầm rộ, U.S Open Series phần nào cân bằng lại cán cân giữa sức nóng các giải ở châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, với việc ngày càng khô hạn các tài năng banh nỉ trong thời gian gần đây, tour đấu Bắc Mỹ này đang đánh mất đà phát triển vốn có trong gần thập kỷ qua.

Cũng trong suốt 10 năm đã qua, chỉ có 4 tay vợt hoàn tất các giải đấu và dẫn đầu bảng xếp hạng để giành 1 triệu USD tiền thưởng gồm các tên tuổi như Rafael Nadal, Serena Williams (đều vào năm 2013), Roger Federer (2007) và Kim Clijsters (2005). Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự khắc nghiệt của U.S Open Series.

Phía sau ánh hào quang ở U.S Open Series - 1

Lịch trình của U.S Open Series chưa thích hợp

Mardy Fish, tay vợt đã xuất sắc chiến thắng tại tour đấu Bắc Mỹ năm 2011 nhưng người đăng quang ngôi vô địch tại giải Mỹ mở rộng cùng hầu hết vinh quang tại Flushing Meadows năm đó lại là Novak Djokovic.

Tương tự, cũng giống như Elena Dementieva, Dinara Safina, Caroline Wozniacki hay Andy Roddick, Sam Querry được vinh danh tại U.S Open Series nhưng chỉ Roddick từng đăng quang tại một giải Grand Slam.

Hơn thế nữa, chỉ có 4 tay vợt nam người Mỹ và 2 tay vợt nữ từng dẫn đầu bảng xếp hạng tại tour đấu này trong 10 năm qua – những con số cho thấy sự phi thực tế về một giải đấu vinh danh các tay vợt trên sân nhà.

Không có vấn đề gì khi đề cập tới những khía cạnh ưu thế của chiến dịch quảng bá rộng rãi nhằm thu hút sự chú ý của người hâm mộ dành giải đấu của môn thể thao chưa-bao-giờ là số 1 của người Mỹ với những tay vợt con cưng của họ.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này khiến hầu hết những tay vợt tham dự phải trải qua quá trình “hành xác” với hy vọng mong manh “được ăn cả, ngã về không”, đặc biệt là ở thời điểm thể lực đã bị bào mòn ở giai đoạn gần cuối của mùa giải như trước khi Mỹ mở rộng khởi tranh – vốn là lúc các tay vợt thường tính toán nghỉ một số giải đấu để giảm tải và tập trung cho mục tiêu chính, thay vì căng sức chơi đủ trên các “mặt trận”.

Nadal đã cho thấy điều này với việc tham dự một năm rồi nghỉ ở năm kế tiếp để duy trì hưng phấn cũng như mục tiêu thi đấu tại giải đấu mang tính chất “khởi động” cho Grand Slam mà hầu hết các tay vợt tên tuổi đều có lựa chọn cho riêng mình, thay vì lao vào như những con “thiêu thân” để kiếm tiền thưởng và những điểm số nhằm thăng tiến trên bảng xếp hạng chung cuộc của ATP và WTA.

Một ví dụ tiêu biểu hơn nữa là Djokovic khi tay vợt người Serbia không tham dự một giải đấu nào cho tới Australian Open 2013 khởi tranh nhưng vẫn vô địch giải Grand Slam đầu tiên của năm ngoái. Nole đã chơi 3 giải đấu khởi động thuộc hệ thống Masters 1000 ở mặt sân đất nện tại châu Âu rồi cũng nghỉ cho tới khi Wimbledon khởi tranh và để thua Andy Murray trong trận chung kết.

Djokovic góp mặt ở 2 giải đấu trên mặt sân cứng ở tour Bắc Mỹ và gác vợt trước Nadal ở giải Grand Slam cuối cùng trong năm ở trận đấu cuối cùng với tình trạng thể lực bị bào mòn nghiêm trọng. Nói cách khác, tay vợt số 1 thế giới thường lựa chọn chơi ở những giải đấu vốn bị bắt buộc, khởi động trước thềm Grand Slam.

Federer là một ví dụ thú vị khi Tàu tốc hành buộc phải có những tính toán hợp lý về lịch thi đấu do vấn đề tuổi tác. Trong năm 2013, FedEx chỉ tham dự 3 giải đấu Masters khởi động cho các giải Grand Slam, thậm chỉ bỏ qua cả Monte Carlo và Canada do thể lực không đảm bảo. Thế nhưng tay vợt 32 tuổi người Thụy Sĩ vẫn góp mặt ở Halle – vốn chỉ là giải 250 trong hệ thống ATP, nơi Federer mới có lần thứ 7 đăng quang trong năm nay, như một ưu tiên hàng đầu của mình.

Có thể thấy xu hướng rõ rệt ở thời điểm này là lựa chọn những giải đấu khởi động ưu tiên hàng đầu với tiêu chí đảm bảo thể lực, càng giảm tải càng tốt. Và đây là tin buồn đối với tour đấu Bắc Mỹ dù sức hút từ số tiền thưởng khổng lồ cũng những điểm thưởng luôn thu hút các tay vợt trên toàn thế giới tham dự cũng như người hâm mộ và tiền thu được từ bản quyền truyền hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN