Olympic tốn kém nhất lịch sử
Hơn 51 tỉ USD được đổ vào cho Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 tại Nga và đây là kỷ lục mới của một Olympic.
Olympic mùa đông Sochi tốn tiền nhất lịch sử vượt qua chi phí của Olympic mùa hè Bắc Kinh 2008 (44 tỉ USD). Olympic này có sự tham dự của khoảng 2.500 VĐV đến từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ và là Olympic mùa đông lần thứ 22 diễn ra từ ngày 7 đến 23-2 trên địa phận TP du lịch Sochi nổi tiếng nằm ven bờ Biển Đen. Đây cũng là Olympic đầu tiên được tổ chức trên đất nước Liên Xô cũ từ thời Olympic mùa hè Moscow 1980.
Bên cạnh chú gấu Misa còn có những linh vật dễ thương làm biểu tượng cho Olympic mùa đông tốn kém nhất lịch sử. Ảnh: GETTY IMAGES
Olympic mùa đông Sochi được đặt dưới khẩu hiệu “Nóng! Lạnh! Tất cả của các bạn!” và được mở đầu một cách đầy ấn tượng qua việc lần đầu tiên ngọn đuốc Olympic được tàu con thoi đưa lên trạm vũ trụ không gian của Nga và được hai phi hành gia Nga S. Ryazanski và O. Kotov cầm đi bộ ngoài không gian một tiếng đồng hồ.
Olympic mùa đông Sochi bao gồm 98 nội dung tranh tài thuộc 15 môn thể thao mùa đông, trong đó có 12 nội dung mới mở rộng lĩnh vực thi đấu ra nhiều nhất từ trước tới nay được chia làm hai loại hình trượt tuyết và trượt băng. Những nội dung được nhiều người theo dõi nhất là trượt tuyết núi, trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết tốc độ, trượt tuyết phối hợp, trượt tuyết nhào lộn, trượt tuyết tự do, trượt tuyết bắn sung, trượt tuyết xe, bên cạnh trượt băng tốc độ, trượt băng nghệ thuật, hockey trên băng…
Đặc biệt, nhiều biện pháp an ninh được thắt chặt ở thành phố chỉ có 400.000 dân này do trước đó đã có dấu hiệu đe dọa khủng bố đến từ lực lượng đối lập địa phương vùng Caucase đòi ly khai tự trị. Vì vậy, trên 40.000 nhân viên an ninh đã được bố trí bảo vệ cho đại hội, cả quân đội cũng vào cuộc.
Rước đuốc Olympic mùa đông Sochi và sân bãi đã chuẩn bị sẵn sàng với tất cả là xây mới. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo phương Tây cũng tỏ thái độ bất đồng chính kiến với nhà nước Nga về quan điểm kỳ thị người đồng tính (cấm tham gia) nên tẩy chay không đến dự lễ khai mạc.
Nhưng thể thao là “phi chính trị” nên nước chủ nhà hy vọng đại hội vẫn thành công, đồng thời nhân dịp này sẽ cải thiện được thành tích khả quan bởi trong Olympic mùa đông Vancouver 2010 tại Canada Nga chỉ xếp hạng 11 khiêm tốn qua 3 HCV giành được.
Tương tự, Canada lần trước đăng cai đã xếp nhất với 14 HCV, tiếp theo là Đức 10 HCV, Mỹ và Na Uy đồng 9 HCV, Hàn Quốc và Thụy Sĩ cùng 6 HCV, Thụy Điển và Trung Quốc đều 5 HCV, Áo và Hà Lan cũng đều 4 HCV…
Vì sao từ 12 tỉ USD dự kiến tăng lên thành hơn 51 tỉ USD? - Bảy năm trước, khi giành quyền đăng cai Olympic mùa đông, Nga tuyên bố ước tính ngân sách chi cho thế vận hội là 12 tỉ USD. Tuy nhiên, khi triển khai thì con số thực đã tăng hơn gấp bốn lần. - Phần lớn chi phí tăng cao vì Nga không tận dụng cơ sở vật chất như các quốc gia khác mà toàn xây mới cơ sở hạ tầng, các tuyến đường du lịch, hệ thống giao thông, khách sạn... - Olympic khai mạc ngày 7-2 tại sân vận động Fisht với kinh phí xây dựng 600 triệu USD. Việc xây dựng bị xem là quá phí phạm vì nơi đây không tổ chức thi đấu mà chỉ để… tổ chức lễ khai mạc và bế mạc. |