Olympic Sochi 2014 và 6 cái nhất
Tối qua, Thế vận hội mùa Đông lần thứ 22 đã kết thúc sau 16 ngày tranh tài. Dưới đây là những cái nhất của Olympic Sochi 2014.
Chịu chơi nhất
Dù có các con số thống kê khác nhau, song Nga chắc chắn là chủ nhà chịu chi nhất khi kinh phí dành cho Olympic Sochi 2014 lên tới trên 50 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Đây cũng là thời điểm đánh dấu xu hướng “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” khi phần lớn trong số tiền nói trên do các trùm tư bản bỏ ra để đổi lại quyền trúng thầu xây dựng cơ sở vật chất và làm thương hiệu.
Vô đối về quỹ thưởng
Không phải các “đại gia” như: Mỹ, Nhật, Đức, Canada hay các nước Bắc Âu mà khối các quốc gia thành viên của Liên Xô cũ mới treo thưởng hoành tráng cho VĐV giành thành tích tốt. Theo tính toán, dù các tuyển thủ Armenia, Azerbaijan, Estonia, Georgia, Kyrgyzstan, Lithuania, Tajikistan, Uzbekistan, Moldova trắng tay song Ủy ban Olympic Quốc gia của Nga, Belarus, Ukraine, Latvia và Kazakhstan đã phải chi tổng cộng 3 triệu USD tiền thưởng cho các thành tích HCV, HCB, HCB, tương đương 75% quỹ thưởng “nóng” của toàn bộ Olympic Sochi.
Vô địch về huy chương vàng
Với tấm HCV giành được ở nội dung trượt tuyết - bắn súng tiếp sức, Ole Einar Bjoerndalen người Na Uy đã vượt qua đồng hương Bjorn Daehlie (trượt tuyết băng đồng) để trở thành VĐV giàu thành tích nhất lịch sử Thế vận hội mùa Đông với 8 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ. Đáng chú ý khi anh giành thành tích vô tiền khoáng hậu này ở tuổi 40, thêm một kỷ lục cho VĐV được mệnh danh là “Kẻ ăn thịt người” này. Ủy ban Olympic quốc tế hôm qua đã thông tin trên trang web của mình, xác nhận: Michael Phelps (22 huy chương) là kỷ lục gia của Olympic mùa Hè còn Einar Bjoerndalen là kỷ lục gia Olympic mùa Đông.
Marit Bjoergen (giữa) cùng hai đồng hương trên bục nhận huy chương
San bằng 2 kỷ lục
Nữ VĐV Marit Bjoergen người Na Uy đã giành 3 HCV nội dung trượt tuyết băng đồng tại Olympic Sochi, qua đó nâng tổng số HCV có được trong sự nghiệp lên con số 6, sánh ngang với 2 tiền bối của Liên Xô: Lyubov Egorova và Lidia Skoblikova. Ngoài ra, con số 10 huy chương qua các kỳ Olympic mùa Đông đã giúp Bjoergen san bằng kỷ lục của Raisa Smetanina (Liên Xô), Stefania Belmondo (Italia).
Chạm đâu cũng ra vàng
Viktor Ahn của nước chủ nhà Nga được mệnh danh là “Vua Midas của làng thể thao mùa Đông”. Khi còn mang quốc tịch Hàn Quốc, Ahn Hyun-soo đã giành 3 HCV, 1 HCĐ các nội dung trượt băng tốc độ (các cự ly ngắn) năm 2006. Sau khi bị chấn thương nặng và bị giới tuyển trạch nước nhà xa lánh năm 2010, anh đã nhập quốc tịch Nga và đổi tên thành Viktor Ahn. Tại Sochi, anh đã trình diễn phong độ xuất sắc khi có được 3 HCV, 1 HCĐ. VĐV 29 tuổi này là người duy nhất giành HCV trong 2 màu áo ĐTQG khác nhau trong lịch sử Olympic mùa Đông.
Hotgirl số 1 tại Sochi
“Nữ hoàng trượt băng nghệ thuật Hàn Quốc” Kim Yuna đã gây nên một cơn sốt trong những ngày lạnh giá tại Sochi (CHLB Nga) những ngày qua. Khi cô gái xinh đẹp này chỉ giành HCB, một người có tên Justice Seeker đã phát động một chiến dịch yêu cầu “mở cuộc điều tra về việc đánh giá các quyết định ở môn trượt băng nghệ thuật dành cho nữ và yêu cầu xem xét lại kết quả ở Thế vận hội mùa Đông Sochi” trên trang web Change.org. Kết quả: Có tới 2 triệu fan hâm mộ ủng hộ chỉ sau 48 giờ đồng hồ.
Nga (nếu tính cả Liên Xô trước đây) vẫn là Quán quân của Olympic mùa Đông khi xét về số HCV giành được qua 22 kỳ Thế vận hội: 126. Tuy nhiên, Na Uy lại đứng đầu nếu xét về tổng số huy chương: 330. Các cường quốc thể thao mùa Đông đứng tiếp theo là: Đức, Mỹ, Canada, Áo, Thụy Điển, Thụy Sỹ… |