Ở nhà nhất mẹ nhì con…
Không lâu sau khi đoàn thể thao Việt Nam trở về từ Asian Games 17 ở Incheon với việc không thể hoàn thành chỉ tiêu giành huy chương, tới lượt ĐT U19 Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ không thể hiện thực hóa giấc mơ đoạt vé tham dự VCK U20 thế giới năm 2015 như lời hứa đặt ra trước lúc lên đường tham dự VCK U19 châu Á 2014 đang diễn ra tại Myanmar.
Thật ra chẳng ai ngạc nhiên vì kết quả này, bởi cho dù U19 Việt Nam được xem là lứa cầu thủ tài năng tới mức “50 năm nữa mới có một thế hệ như vậy” (theo đánh giá của HLV Lê Thụy Hải), thì cũng chỉ là xuất sắc và tài năng trên mặt bằng bóng đá Việt Nam.
Còn ở bình diện châu lục, khi đặt cạnh các nền bóng đá hàng đầu như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì U19 Việt Nam cũng vẫn không thể xóa được khác biệt về khoảng cách chuyên môn.
U19 Việt Nam chưa thể vươn tới đấu trường châu Á.
Nó tương tự như câu chuyện của thể thao Việt Nam, tuy làm mưa làm gió ở SEA Games hơn 10 năm nay, với việc liên tục đứng trong top 3 chung cuộc kể từ SEA Games 22 năm 2003 cho tới nay, nhưng ở 2 kỳ Asian Games gần nhất, thể thao Việt Nam đều chỉ có 1 HCV, và lại đều xuất phát từ những môn thể thao không thuộc hệ thống Olympic.
Vì thế, tuy mang danh là “ông lớn” ở các kỳ Đại hội thể thao khu vực, nhưng khi bơi ra đấu trường quốc tế cỡ như Olympic hay Asian Games, thể thao Việt Nam luôn phải xếp sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, và ở Asian Games năm nay, chúng ta còn thua cả số HCV của Myanmar, còn Campuchia cũng có số HCV ngang với Việt Nam, mà HCV của Campuchia còn là môn thể thao thuộc hệ thống Olympic, trong khi Việt Nam thì không.
Chẳng biết đến khi nào câu chuyện “Ở nhà nhất mẹ nhì con; Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” mới kết thúc với thể thao Việt Nam?