"Nụ hoa" Triều Tiên trong lòng võ sư Việt Nam
(Tin võ thuật) Thời tuổi trẻ, trong những ngày khổ luyện ở Triều Tiên để có một sự nghiệp thành danh sau này, võ sư Lê Ngọc Minh đã nhận được một bức thư đặc biệt từ một cô gái Triều Tiên xinh đẹp.
Người thầy đặc biệt
Những năm 60 của thế kỷ trước, trong đoàn 200 học sinh ưu tú được chọn đưa sang Triều Tiên học tập có chàng trai quê Phú Thọ Lê Ngọc Minh, sau này đã trở thành một võ sư có tiếng của Việt Nam, từng giữ cương vị phó chủ tịch Liên đoàn Vật châu Á, nguyên trưởng bộ môn võ thuật Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam. Ông đã được tặng thưởng hàng loạt huân, huy chương, như huy chương kháng chiến hạng 2, huân chương lao động hạng 3, huy chương vì sự nghiệp thể dục thể thao, huy chương hữu nghị Uzbekistan, huy chương "vì giải phóng phụ nữ" vì đã có công đưa môn vật nữ vào hệ thống thi đấu trong các đại hội thể thao Đông Nam Á...
Ông Lê Ngọc Minh (giữa) trong lần đi thăm Vạn Cảnh Đài - quê hương lãnh tụ Kim Nhật Thành
Mới tiếp xúc với võ sư Lê Ngọc Minh, khó ai nhận ra ông đã 74 tuổi. Ông tâm sự mình luôn biết ơn quá trình học tập, rèn luyện ở Triều Tiên thời tuổi trẻ, biết ơn những người thầy nghiêm khắc để mình có được thành quả về sau này.
Đầu năm 1966, khi mới hơn 20 tuổi, ông Minh được chọn đi học ĐH Thể dục thể thao tại Triều Tiên. Tháng 1-1967, đoàn gồm 200 người lên đường. Tất cả lưu học sinh Việt Nam được tập trung đến Trường ĐH Tổng hợp Kim Nhật Thành để học 1 năm ngoại ngữ trước khi học chuyên môn ở các trường ĐH khác.
Ông kể lúc đầu được đọc từng tiếng, viết từng chữ như học vỡ lòng, sau nâng dần đọc từng câu, viết từng dòng. Mỗi lưu học sinh Việt Nam được 1 sinh viên Triều Tiên ở cùng nên việc học tiếng thuận lợi hơn. Từ chỗ nói ít, ra hiệu nhiều để hiểu nhau, dần dần, ông và các bạn đã có thể thành thạo tiếng Triều Tiên. Sau 1 năm học tiếng Triều Tiên, ông được phân công vào học Trường ĐH Thể dục thể thao. Ông học các môn võ thuật karate, taekwondo, quyền anh, vật, judo.
Võ sư Lê Ngọc Minh hôm nay - Ảnh: Dương Ngọc
Năm học đầu tiên hết sức khó khăn. Ông Minh phải tập chạy hàng chục km ngoài trời lạnh, tập chạy lên và xuống núi 5-10 km, hết tập lại ngâm nước lạnh hoặc nước nóng. Quá trình luyện tập vất vả khiến ông bị sụt cân một cách nhanh chóng.
Hoang mang và nghĩ rằng mình không thể theo được, ý nghĩ trở về nước học ngành khác lớn dần, ông Minh lên gặp ban giám hiệu trình bày mình bị đau dạ dày, không thể tiếp tục học được. Ban giám hiệu không ép tôi nhưng trước khi quyết định, cho mời thầy Cho Jong-nam, người trực tiếp dạy ông, lên hỏi ý kiến.
Võ sư Lê Ngọc Minh kể tại buổi gặp mặt đó, khi ban giám hiệu hỏi, thật bất ngờ thầy Cho rút chiếc thẻ Đảng của thầy ra đặt trên bàn và nói như đinh đóng cột: "Với tố chất thể thao của Lê Ngọc Minh và kinh nghiệm huấn luyện của tôi, nếu anh ấy không đạt bằng đỏ, đai đen tôi xin trả lại thẻ cho Đảng". Lúc đó ông Minh đã tái mặt đi vì xấu hổ. Dần tĩnh trí trở lại, ông tiếp tục học, khi tư tưởng đã vững vàng, việc học cũng trở nên không quá áp lực như trước, ông dần tăng cân trở lại.
Khi viết luận văn tốt nghiệp, ông Minh chọn nghiên cứu và đi sâu vào một đòn trong võ judo, miếng võ rất phù hợp với người Việt có tầm vóc trung bình. Luận văn của ông được ban giám khảo cho điểm 10, ông được cấp bằng đỏ, lên đẳng võ sư đai đen. Ông đã xúc động ôm lấy thầy Cho Jong-nam, người thầy đã thay đổi cả cuộc đời mình.
Trở về nước cuối năm 1972, ông Minh làm giáo viên Khoa Võ thuật, ĐH Thể dục thể thao Trung ương. Đến năm 1978, ông nhận nhiệm vụ trưởng bộ môn võ thuật của Tổng cục Thể dục thể thao. Ngoài viết giáo trình, ông huấn luyện các đội tuyển, tổ chức giải đấu. Năm 1980, ông là thành viên dẫn đoàn thể thao Việt Nam dự Thế vận hội mùa hè lần thứ XXIII (năm 1980) ở Liên Xô trước đây. Những năm khổ luyện trên đất bạn đã góp phần hết sức quan trọng để có một võ sư Lê Ngọc Minh ngày hôm nay và ông Minh luôn biết ơn điều đó.
Nụ hoa chưa nở
Nhắc lại quãng thời gian thanh xuân ở Triều Tiên, ông Minh vẫn nhớ những người bạn đã giúp đỡ ông nhiều, giúp ông học tiếng Triều Tiên, tìm hiểu văn hoá, con người nơi đây. Dù đang ở lứa tuổi đôi mươi nhưng thời đó, các ông được yêu cầu phải tập trung vào học tập, rèn luyện, "tuyệt đối không được yêu". Mặc dù cũng có những người bạn gái mến mộ, có cảm tình nhưng hồi đó ông rất "sợ yêu".
Vào năm thứ 3 ở Triều Tiên, ông cùng học với các sinh viên Triều Tiên và thường dùng tiếng Triều trao đổi với họ về đất nước và con người Việt Nam. Trong số đó có Kim Sin-u, nữ sinh viên trường múa, ở ký túc xá văn hoá nghệ thuật 5 tầng cùng với đoàn.
Võ sư Lê Ngọc Minh cùng những người bạn Việt Nam và Triều Tiên dự triển lãm “Tình hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên” tháng 12-2018
Đó là một thiếu nữ Triều Tiên xinh đẹp, da trắng mịn màng, mắt trong veo, có khoé miệng cười rất duyên. Mỗi lần về quê, trở lại trường, cô Kim lại mang theo hoa quả ở vùng Vạn Cảnh Đài cho ông, kèm theo là ánh mắt rất trìu mến. Ông cũng rất quý cô và coi cô là người bạn thân thiết.
Vào một buổi chiều thứ 6, khi gặp ông ở chân cầu thang ký túc xá, cô Kim dúi vào tay ông một lá thư. Thư ngắn nhưng lời lẽ rất thân thiết, nồng nàn, đầy vẻ yêu thương dành cho tôi.
"Tôi run lên vì xúc động, nhưng cũng chợt bừng tỉnh. Nội quy với lưu học sinh đặc biệt nghiêm cấm quan hệ nam nữ. Chưa kể phía trước còn nhiệm vụ học tập rất nặng nề, tôi quyết định hy sinh tình cảm của mình. Nhìn kỹ lại nét chữ rất chân phương của Kim một lần nữa, tôi run rẩy bật lửa đốt lá thư" - ông Minh chia sẻ.
Những lần sau đó, khi nhìn thấy cô Kim, ông cố tình lảng tránh, cô Kim cũng nhận ra điều đó và rất buồn. Sau 5 năm học tập và rèn luyện, ngày đoàn lưu học sinh Việt Nam ra sân ga Bình Nhưỡng để trở về nước năm 1972, rất đông sinh viên bạn đã ra tiễn đoàn, trong đó có cô gái Kim Sin-u.
Trước phút chia xa, ông đã nắm bàn tay Kim và tặng cô một bài thơ như lời xin lỗi chân thành nhất: "Hoa chưa nở tạm biệt người thân/ Lưu luyến nhìn theo nhắn mấy vần/ Tình bạn từ đây vun xới nhé/ Dù trong tưởng tượng cũng là thân".
Vào năm 1992, ông Minh có cơ hội trở lại Bình Nhưỡng khi ông được giao trách nhiệm trưởng đoàn kiêm HLV trưởng đoàn các võ sĩ Taekwondo Việt Nam dự Giải Vô địch Taekwondo thế giới tại Bình Nhưỡng. Lần này trở lại, ông thấy Bình Nhưỡng vắng vẻ và cuộc sống người dân còn vất vả. Ông đã cố gắng tìm gặp, tri ân thầy giáo Cho Jong-nam, tìm gặp lại những người bạn cũ như cô Kim Sin-u nhưng đều không được.
Sau này, ông và nhóm lưu học sinh ở Việt Nam từng học tại Triều Tiên tổ chức quyên góp gạo gửi tặng người dân nước bạn. Ông luôn nhớ đến mảnh đất Triều Tiên, nơi in dấu một thời tuổi trẻ của mình và mong muốn Triều Tiên tiếp tục phát triển tươi đẹp.
Chàng trai là nhà vô địch võ thuật lại tử nạn sau cuộc ẩu đả với bảo vệ 51 tuổi.