Novak Djokovic: Cổ tay đe doạ sự vĩ đại

Chấn thương cổ tay thậm chí có thể đe doạ tới cả sự nghiệp chứ không chỉ cơ hội ở Roland Garros của Novak Djokovic.

Chấn thương không đúng lúc

Djokovic đáng ra đã có cơ hội vô địch ba Masters 1000 liên tiếp nhưng tấm băng trắng toát phủ từ cổ tay cho tới gần khuỷu tay đã ngáng trở anh phần nào trong trận bán kết với Roger Federer tại Monte-Carlo.

Trước đó, anh vô địch Indian Wells và Miami với phong độ được cải thiện rõ rệt so với hồi đầu mùa giải. Kết quả đó giúp anh trở nên tự tin hơn sau khi anh rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý (một trong những nguyên nhân để thuê Boris Becker).

Djokovic và những ai yêu mến anh trông đợi sự hồi phục phong độ này trong tiến trình đòi lại ngôi số 1 từ tay Nadal và tiếp tục chinh phục các giải Grand Slam trong khi hiện tại anh mới chỉ đoạt được số Grand Slam bằng nửa non của Nadal (6 so với 13) và hơn một phần ba của Federer (6 so với 17).

Nhưng thật ra, chẳng có thời điểm nào đối với một VĐV thể thao nói chung hay tennis nói riêng được cho là đúng lúc để dính chấn thương cả. Nhất là với chấn thương cổ tay – một dạng chấn thương có thể huỷ hoại sự nghiệp của các tay vợt nhà nghề.

Novak Djokovic: Cổ tay đe doạ sự vĩ đại - 1

Chấn thương cổ tay khiến Nole phải bỏ lỡ giải Madrid Masters

Những ca chấn thương cổ tay nghiệt ngã

Del Potro dính chấn thương cổ tay phải vào tháng Giêng 2010, và hồi tháng Ba năm nay, anh vừa phải tới Mỹ để phẫu thuật một lần nữa, ở cổ tay trái. Tức là chấn thương cổ tay đã lấy đi rất nhiều những cơ hội trong bốn năm được cho là đẹp nhất của sự nghiệp của anh: Không thể có mặt ở US Open 2010 để bảo vệ chức vô địch vĩ đại của anh, chưa một lần lọt vào tới chung kết Grand Slam, và cũng chưa một lần nếm mùi vinh quang ở hệ thống Masters 1000 trong quãng thời gian này. Và có thể, những tác động  ghê gớm của chấn thương này sẽ còn đeo đuổi anh trong tương lai.

Nikolay Davydenko, tay vợt người Nga dính chấn thương tương tự và cũng ở thời điểm gần với Del Potro (chỉ sau đó hai tháng). Davydenko không phải trải qua một cuộc phẫu thuật nào, nhưng kể từ đó tới nay, từ vị thế của một tay vợt trong top 10 thế giới anh giờ đứng thứ 91 ATP.

Caroline Wozniacki, cựu số 1 WTA cũng vừa mới bị chấn thương cổ tay trái, rút lui khỏi Stuttgart (vẫn đánh ở Madrid tuần này). Nhưng đó thực ra là một vết đau cũ tái phát: Tay vợt người Đan Mạch bắt đầu dính chấn thương này từ đầu năm 2012, tại giải Sydney. Và đó là quãng thời gian cô bắt đầu trượt khá nhanh từ ngôi số 1 WTA, từng vào tới chung kết US Open, từng mỗi mùa vô địch 5-7 giải, bị đánh bật khỏi top 10, và chưa từng vào tới tứ kết Grand Slam kể từ sau Australian Open 2012.

Laura Robson, tay vợt nữ trẻ của Anh đang chơi lên tay, dính chấn thương cổ tay trái từ US Open 2013. Cô cố gắng chơi, nhưng kết quả trở nên tồi tệ hơn, và buộc phải tới Mỹ để phẫu thuật cổ tay trái. Robson chắc chắn sẽ không thể tham dự Roland Garros và Wimbledon năm nay, chỉ kỳ vọng trở lại trước thềm US Open.

Sloane Stephens, tay vợt số 2 của quần vợt nữ Mỹ trở thành nạn nhân của chấn thương cổ tay tại Hopman Cup, và các kết quả sau đó hầu hết đều tệ hơn so với năm trước đó. Australian Open 2013, Stephens vào tới bán kết, nhưng năm nay, cô dừng bước ở vòng 4. Ở hai giải tiếp theo tại Dubai và Doha, Stephens bị loại ngay sau vòng 1. Và có hai lần khác nữa Stephens thua ngay trận đầu tại Charleston và Colombia.

Dấu hiệu của quá tải

Nếu như với người chơi phong trào thì chấn thương khuỷu tay là cơn ác mộng và là hậu quả của việc chơi sai kỹ thuật (mở vợt quá muộn, cầm vợt không phù hợp…) thì chấn thương cổ tay thường bắt nguồn từ tình trạng quá tải sau một giai đoạn thăng hoa, bùng nổ nhất định.

Chấn thương của Del Potro đến sau mùa giải anh giành chức vô địch US Open và vào tới chung kết ATP World Tour Finals.

Davydenko bị chấn thương sau một cú ngã, nhưng đó cũng là thời điểm anh vừa trải qua một giai đoạn thăng hoa, là người thứ hai ở thời điểm đó đánh bại được cả Nadal và Federer tại cùng một giải đấu (Doha 2010), và trước đó, vô địch ATP World Tour Finals, vô địch Masters Thượng Hải…

Caroline Wozniacki cũng không phải ngoại lệ, chấn thương cổ tay của cô đến trong thời điểm cô thống trị làng tennis nữ (ngoại trừ hệ thống Grand Slam), hai năm liên tiếp kết thúc mùa giải ở vị trí số 1 WTA.

Novak Djokovic: Cổ tay đe doạ sự vĩ đại - 2

Chấn thương cổ tay có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của Nole

Trở lại với Djokovic, đây là chấn thương lần đầu tiên liên quan tới cổ tay, và nó có thể là hậu quả sau một quãng thời gian nỗ lực tối đa để lật đổ sự thống trị của Federer và Nadal kể từ đầu mùa 2011.

Hơn ba năm ngự trị ở đỉnh cao (chưa từng bị bật ra khỏi hai vị trí hàng đầu) đã đòi hỏi sự gắng sức cả trên sân tập cũng như trong thi đấu, với những bước di chuyển lẫn những động tác kỹ thuật đánh bóng đôi khi thách thức những giới hạn tưởng chừng như vĩnh cửu để tạo ra độ xoáy lớn trong khi vẫn phải đảm bảo được lực đánh.

Nó phù hợp với cách lý giải của Richard Berger, bác sĩ lừng danh về phẫu thuật cổ tay , rằng chế độ luyện tập và các công nghệ hiện đại đã đưa các tay vợt tiến gần tới ngưỡng của một siêu nhân nhưng hệ thống dây chằng (ở các khớp) không thể theo kịp tới ngưỡng đó.

Nếu như chấn thương vai thường chỉ ảnh hưởng tới khâu giao bóng, hay chấn thương lưng tác động tới các cú swing thì chấn thương cổ tay khiến cho mọi cú đánh đều trở nên khó khăn, từ serve cho tới các cú đánh từ cuối sân và cả volley.

Thực tế là Djokovic đã không thể chơi hết khả năng với cổ tay băng trắng toát nhưng vẫn đau trước Federer ở Monte Carlo. Và việc rút lui khỏi Madrid Masters cho thấy đó là một chấn thương nghiêm trọng hoặc chí ít Djokovic nó cũng buộc Djokovic phải thận trọng.

Sự cẩn trọng ấy không thừa bởi chấn thương cổ tay có thể tái phát bất cứ lúc nào trong khi việc trở lại quá sớm và mạo hiểm dễ khiến cho Djokovic phải trả cái giá rất đắt giống như Davydenko và Del Potro đã từng. 

Và giấc mơ Roland Garros

Djokovic lỗi hẹn với Madrid và hẹn trở lại ở Rome. Từ Rome tới ngày khai mạc Roland Garros là hai tuần.

Quãng thời gian này có thể không ngắn, bởi Djokovic đã và đang có một nền tảng thể lực tốt. Chấn thương cổ tay ảnh hưởng tới quá trình tập luyện thể lực, nhưng không phải hoàn toàn. Djokovic còn là mẫu tay vợt có thể lấy được cảm giác bóng khá nhanh, như việc anh thường không tham dự bất cứ giải đấu nào trước khi bước vào Australian Open mà vẫn thành công ở đó.

Nhưng như đã nói, chấn thương cổ tay thường khó kiểm soát dù cho nó có liên quan tới xương hay gân. Bản thân Djokovic hay bác sĩ của anh có lẽ cũng không dám chắc nó có tái phát ở một thời điểm nào đó hay không.

Chính bởi thế, tương lai gần của Djokovic thế nào là một ẩn số trong khi chúng ta có thể cùng chắc chắn rằng bất cứ cuộc đua lớn nào vắng anh cũng sẽ là một tổn thất!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN