"Nói VĐV đua thuyền không biết bơi là kỳ cục"

Đó là quan điểm thẳng thắn của ông Nguyễn Hồng Minh – Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao về sự cố hy hữu xảy ra với VĐV bộ môn đua thuyền Canoeing, Trương Thị Phương trong ngày thi đấu 9/6.

Sáng qua (9/6) ở chung kết nội dung C1-200m nữ, tuyển thủ Trương Thị Phương đã đoạt chiếc HCV duy nhất cho đội tuyển đua thuyền Canoeing Việt Nam với thành tích 51”456. Đáng chú ý, Phương mới 16 tuổi và chỉ có vỏn vẹn 2 năm tập luyện bộ môn Canoeing.

Đánh giá chiến tích của cô gái sinh ra trong gia đình làm nông ở Vĩnh Phúc, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng đây là “bất ngờ rất lớn không chỉ dành cho những người ngoài cuộc mà cả đội tuyển Canoeing Việt Nam”.

“Trương Thị Phương còn rất trẻ, vốn không được giao trọng trách gặt “vàng” mà nhiệm vụ đó thuộc về những VĐV có kinh nghiệm hơn”, ông Minh lí giải. “Tuy nhiên trong thể thao, mọi chuyện đều có thể xảy ra. VĐV tên tuổi thường bị đối thủ dè chừng, có nhiều biện pháp “ngáng đường”.

"Nói VĐV đua thuyền không biết bơi là kỳ cục" - 1

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng việc một VĐV Canoeing không biết bơi như Trương Thị Phương là điều "khó xảy ra"

Chính việc không bị đặt nặng chỉ tiêu huy chương, dứt khoát phải lấy vàng hay bị đối thủ "ngó lơ" vô tình giúp VĐV lần đầu thi đấu như Phương thoải mái về tâm lí. Họ ra trận với tư tưởng “làm tốt nhất có thể” để rồi đạt thành công ngoài mong đợi".

Có thâm niên 10, 15 năm phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên trình độ VĐV Canoeing chưa cao, cộng với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Ở mỗi kì SEA Games, đội tuyển đua thuyền thường kì vọng vào “người anh em” Rowing nhiều hơn, bằng chứng là chỉ tiêu thành tích của hai bộ môn có sự chênh lệch đáng kể (Canoeing đặt chỉ tiêu 1-2 HCV, trong khi Rowing là 3-4 HV).

Dưới góc độ khách quan, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng tấm HCV mà Phương giành được rất đáng khích lệ, tuy nhiên đó chưa phải thành tích quá nổi bật so với mặt bằng chung thế thao Việt Nam.

"Không chỉ Việt Nam mà trình độ Canoeing khu vực cũng chỉ ở mức tầm tầm. Có như vậy, một VĐV còn rất trẻ như Trương Thị Phương mới giành HCV", trích lời ông Minh, "Chúng ta không nên so sánh Phương với Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ) ngày xưa, hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) hiện tại, bởi trình độ giữa họ khác xa nhau. Ánh Viên hay Ngân Thương đều là những cái tên cực kì xuất sắc, được đầu tư một cách bài bản với chi phí lớn.

Tấm HCV của Trương Thị Phương là điều bất ngờ, là nguồn khích lệ to lớn với Canoeing, nhưng chưa phải thành tích nổi bật so với mặt bằng chung của thể thao nước nhà. Anh giành HCV không có nghĩa là anh giỏi nhất, biết đâu vẫn còn những người giỏi hơn anh không đi thi thì sao?".

Cũng trong ngày thi đấu ở môn Canoeing hôm đó, khi về đích, thuyền của Trương Thị Phương bị lật, cô đã phải nhờ tới sự giúp đỡ từ nhân viên cứu hộ vì… không biết bơi. Có thể coi đó như sự cố hy hữu bởi Canoeing là môn thể thao dưới nước, yêu cầu bắt buột đối với các VĐV môn này phải biết bơi. Điều đó dấy lên những lo ngại về an toàn với họ, xa hơn là thể hiện sự lỏng lẻo trong công tác tuyển chọn, đào tạo của những người có trách nhiệm.

Nói về sự cố Trương Thị Phương, ông Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Không thể có chuyện VĐV Canoeing không biết bơi.

“Tôi không nắm được và cũng không bình luận về chuyện các VĐV Canoeing biết bơi hay không biết bơi. Tuy nhiên, bảo những con người gắn bó lâu với sông nước, được đào tạo để đi thi đấu cấp khu vực mà lại không biết bơi là điều kỳ cục!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN