Nishikori vẫn chỉ là một ngôi sao châu Á
Có phải Nishikori thất bại trong trận chung kết trước Cilic bởi anh dù sao vẫn chỉ là một người châu Á?
Thất bại 3-6, 3-6, 3-6 của Nishikori là một bất ngờ. Vì Cilic cũng rất ấn tượng khi từ tứ kết tới bán kết anh đều thắng sau ba set chóng vánh trước Berdych và Federer,
Nhưng hầu hết đều đánh giá Nishikori cao hơn khi nhìn vào cách anh vượt qua những đối thủ hàng đầu là Raonic, Wawrinka và đặc biệt là Djokovic.
Đó là những chiến thắng của bản lĩnh bởi biết tỏ ra lạnh lùng ở thời điểm quyết định, là chiến thắng của sự bền bỉ bởi có hai trận kéo dài năm set và một trận kết thúc vào lúc 2: 30 sáng (muộn nhất xưa nay ở US Open), là chiến thắng của tài năng bởi cách anh chơi tấn công là mẫu mực với việc dám ôm bóng và tấn công.
Bất ngờ vì thế đồng nghĩa với thất vọng cho những ai kỳ vọng anh sẽ chiến thắng, đặc biệt là cho giấc mơ được chứng kiến tay vợt nam châu Á đầu tiên vô địch Grand Slam.
Nhưng, sẽ là dễ lý giải nếu như nhìn nhận tennis dù đã không còn là cuộc chơi độc quyền của người Mỹ và Úc thì nó (ít nhất là tennis nam) cũng chỉ là sự mở rộng sang châu Âu.
Cilic tỏ ra sung sức và bản lĩnh hơn hẳn Nishikori
Thua ở tâm lý
Ngay cả khi nhìn ở Cilic, người lần đầu tiên trong sự nghiệp lọt vào tới trận chung kết Grand Slam, nhưng anh không phải gánh trên vai trách nhiệm làm nên lịch sử cho cả một dân tộc.
HLV của anh và cũng là một người Croatia, Goran Ivanisevic đã làm thay và vinh dự gánh vác công việc lịch sử ấy khi vô địch Wimbledon 2001.
HLV của Nishikori cũng từng vô địch Grand Slam khi đăng quang ở Roland Garros 1989, và mang trong mình dòng máu thuần châu Á (gốc Đài Loan), nhưng Michael Chang lại sinh ra ở Mỹ, và nhờ thế được thụ hưởng nền giáo dục thể chất và môi trường tập luyện cũng như thi đấu đỉnh cao của thế giới từ tấm bé.
25 năm sau khi Chang vô địch Grand Slam, vẫn không có ai tính ông là người đã đem vinh quang về cho châu Á cũng bởi lẽ này.
Nhiệm vụ mở ra một chương huy hoàng cho lịch sử tennis nam châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng hoàn toàn giao phó cho Nishikori.
Nhưng hai chữ lịch sử được nhắc tới thật nhiều trong hai ngày qua, kể từ sau khi Nishikori đánh bại Djokovic lại đã trở thành sức ép lớn dồn lên vai Nishikori.
Cilic đã nói sau trận đấu rằng, cả hai cùng ở một trạng thái tương đối hồi hộp ở set đầu tiên, nhưng trên thực tế, Nishikori cho thấy sức ép biến thành sức ì rõ hơn cả. Kể từ game thứ hai, anh chơi hoàn toàn dưới sức, và chính thức sụp đổ từ game thứ sáu khi không thể cứu nổi ba breakpoints.
Trạng thái tâm lý đó kéo dài cũng khiến Nishikori không còn tin vào bản thân, không dám thực hiện những đường bóng đơn giản mà chơi bị động. Game thứ bảy set thứ ba, Nishikori sau cú cắt bóng ở trong sân đã lùi về thay vì tràn lưới để hoàn tất cú “chip and charge” (cắt bóng lên lưới volley). Hậu quả là anh mất điểm sau một cú nhồi sâu vặn sườn từ Cilic, rồi thua nhanh chóng sau đó.
Thua ở thể lực
Cũng có thể là Nishikori đã không có được trạng thái sung sức nhất. Dù là tấn công hay phòng ngự thì cũng cần thể lực trong khi tay vợt người Nhật Bản thường di chuyển chậm hơn, nặng nề hơn trước các cú thuận tay cực nặng và cả các cú trái đều đặn của Cilic.
Khi Nishikori vượt qua Djokovic ở bán kết dưới cái nóng và độ ẩm cao ở New York, anh xứng đáng được ca tụng (và đó cũng là cơ sở để đặt niềm tin ở anh trong trận chung kết), vì trước đó, anh trải qua những trận đấu khốc liệt còn Djokovic thì nhàn nhã hơn.
Nhưng sức bền của Nishikori ở thời điểm này mới chỉ đạt tới tầm mức đó. Anh không còn nhiều “pin” cho trận chung kết dù cũng có một ngày nghỉ.
Thể trạng của một tay vợt châu Á lại bị ảnh hưởng bởi chấn thương tác động tới quá trình chuẩn bị đã ngăn cản Nishikori phô diễn những kỹ năng tấn công ấn tượng mà anh đã thể hiện ở chặng đường trước đó.
Trong những loạt bóng bền, dài gần hai chục lần chạm vợt, Nishikori hầu như đều thất bại, trong khi như đã từng nói nhiều lần, đó là những điểm số không chỉ đơn thuần là điểm số, mà còn là cú hích tâm lý rất lớn (và ngược lại).
Nishikori ngậm ngùi nhìn Cilic vô địch US Open 2014
Thua ở thể hình
Cũng có một cách bù đắp, và nhiều khi là chìa khoá để các tay vợt có vấn đề về thể lực mở ra chiến thắng: Giao bóng thật tốt để kiếm các cú ace hoặc thực hiện các cú đánh ăn điểm tốc hành theo kiểu giao bóng tốt rồi tung ra cú đánh tấn công quyết liệt ngay. Nhưng Nishikori với chiều cao 1m78 chưa bao giờ được coi là tay vợt xuất sắc ở kỹ năng giao bóng.
Không gây sức ép được khi cầm giao bóng. Không cứu được những break points bằng các cú giao bóng ăn điểm trực tiếp nên Nishikori bị bẻ game tương đối dễ dàng. Anh chỉ bẻ được đúng một game, trong khi bị Cilic bẻ lại tới năm lần.
Ở một kỹ năng khác, Nishikori cũng không thể bật cao đè bóng như anh đã từng làm ở chặng đường tiến vào chung kết. Trong khi đó Cilic đứng vị trí tốt hơn, di chuyển linh hoạt và với chiều cao của một người châu Âu điển hình: 1m98 (cao hơn tới 20cm so với Nishikori) hoàn toàn kiểm soát trận đấu cả trong những đường bóng cuối sân, và thoải mái trong các pha bao lưới.
Ở mùa đất nện, tôi đã từng bàn về Nishikori với khía cạnh chiều cao của anh có thể không phải là hạn chế lớn. Nhưng cũng đã khẳng định đó là trên mặt sân đất nện, và là nơi mà HLV của anh (dù thấp hơn anh) đã từng vô địch Grand Slam.
Còn sân cứng, nơi các nhà tổ chức giải US Open dường như đã làm cho mặt sân ấy nhanh trở lại sau vài năm làm chậm đi, thì giao bóng và bóng bạt làm cho chiều cao hình thể trở nên quan trọng hơn.
Và không phải bất ngờ
Cho rằng Marin Cilic giao bóng thì ngay cả Federer cũng không có phương án chống đỡ hiệu quả thì Nishikori bất lực cũng là một lập luận chuẩn xác.
Có được vũ khí ấy là một phần nhờ Goran Ivanisevic, người từng được cho là chỉ nhờ giao bóng mà vô địch Wimbledon.
Nhưng Cilic thực ra không phải là một tay vợt xoàng. Cilic nổi lên trước Nishikori, từng tạo ra những bước tiến cực vững và ấn tượng ở giai đoạn trước 2011. Anh hầu như mỗi năm lại công phá các nấc thang trên bảng xếp hạng ATP, năm 2008 là top 20, năm 2009 là top 15 và năm 2010 là top 10, từng vào tới bán kết Australian Open 2010.
Còn nếu ai vẫn cho rằng Cilic vẫn là cửa dưới ở chung kết với Nishikori, cũng chẳng sao. US Open năm nay là giải đấu của những cuộc lật đổ!
Video Cilic - Nishikori: