Nishikori và kỷ nguyên tennis châu Á

Có thể phải chờ hàng chục năm nữa mới được thấy một kỷ nguyên tennis mà ở đó các tay vợt châu Á giữ vai trò chủ đạo.

Ai cũng có thể vô địch Grand Slam nhưng một người đến từ châu Á để tiếp bước Li Na ở nữ và lần đầu tiên ở nam có thể sẽ vẫn là một giấc mơ trong năm 2015 và nhiều năm nữa.

Sự vươn lên của Tây Ban Nha với thế hệ của Nadal thật ra là sự nối tiếp của thành tích từng có 8 Grand Slam trong vòng 35 năm nhờ các danh hiệu của Bruguera, Carlos Moya, Albert Costa. Và cội rễ của nó còn thể hiện ở thành tích của Sanchez Vicario, người từng vào tới chung kết tất cả các giải Grand Slam và bốn lần vô địch.   

Các quốc gia Đông Âu trong hơn chục năm qua sản sinh ra các ngôi sao Djokovic, Ivanovic, Jankovic, Berdych, cũng từng có Monica Seles (7 lần vô địch Grand Slam), Ivan Lendl (8) hay Navratilova (18), Petr Korda, Jana Novotna…

Chỉ có Nga là gần như đi lên từ con số không, trước những Marat Safin, Kafelnikov, Safina, Sharapova, Kuznetsova, Dementieva… là không ai cả và phía sau họ là một Boris Eltsin làm tất cả cho tennis.

Sự áp đảo của họ ở các giải Grand Slam hiện thời xảy ra đồng thời với sự xuất hiện đông đảo của các tay vợt khác cùng quốc gia hay khu vực ở mặt bằng thấp hơn nhưng vẫn là đỉnh cao của thế giới.

Trong khi đó châu Á không có cội rễ và thiếu cả sự phát triển ở chiều rộng. Chỉ có hai tay vợt châu Á nằm trong top 100. Ngoài Nishikori là Lu Yen Hsun (Đài Loan, thứ 38) và anh đã 32 tuổi.

Nishikori và kỷ nguyên tennis châu Á - 1

Nishikori mới nhận thất bại ở V2 Brisbane

Có một cơ sở khác có vẻ khá hơn, đó là gần 1/5 các tay vợt trong top 50 trẻ thế giới (ITF Rankings). Nhưng đạt được thứ hạng cao ở các giải trẻ đôi khi không phải là thước đo chuẩn mực, vì cỡ như Lý Hoàng Nam của Việt Nam cũng đang đứng thứ 42 trẻ thế giới.

Một chuẩn mực có giá trị cao hơn đó là thành tích ở các Grand Slam trẻ thì châu Á cũng có những bước tiến như việc chỉ trong hai năm 2008 và 2009 có hai tay vợt vô địch Yang Tsung Hua (Đài Loan) và Yuki Bhambri (Ấn Độ). Hầu hết những nhà vô địch Grand Slam hoặc hiện diện trong nhóm đỉnh cao xưa nay đều đã từng đạt được những thành tích ở Grand Slam trẻ như thế. Nhưng  Yang Tsung Hua nay sang tuổi 24 còn Bhambri 23 tuổi không thể lọt vào 100 thế giới thì nó lại bộc lộ những hạn chế khác của tennis châu Á là thiếu phương pháp chuẩn mực trong đào tạo và phát triển cũng như tính chuyên nghiệp của mỗi cá nhân.

Yang Tsung Hua được huấn luyện để chiến thắng ở các giải trẻ chứ không phải là được trang bị những vũ khí và kinh nghiệm để cạnh tranh ở đỉnh cao. Nó phản ánh tâm lý khá phổ biến của các gia đình ở châu Á vốn dĩ hướng con họ đi theo học vấn hơn thì khi đầu tư cho thể thao thường muốn phải đánh đổi ngay bằng thành tích và thứ hạng trước mắt.

Còn Yuki Bhambri, tay vợt có phong cách như Djokovic, sau khi vô địch Australian Open trẻ đã thay đổi hoàn toàn, sinh hoạt như một ngôi sao của làng giải trí thay vì tập luyện.

Châu Á chỉ có thể trông chờ vào Nishikori, một người Nhật nhưng là sản phẩm của tennis Mỹ, hiện là số 5 thế giới, tiếp tục làm nên những điều kì vĩ để cổ vũ và dẫn dắt tennis châu Á.

Khi ấy, một tương lai xán lạn hơn cho châu Á nếu có xảy ra ít nhất cũng phải một thập kỷ nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN