Nishikori: Thất bại của một người, thành công của mọi người (Kỳ cuối)
Không có gì lạ khi Kei Nishikori đã mở ra một kỷ nguyên mới cho quần vợt Nhật. Các nhà tài trợ, các phương tiên truyền thông và tiền bạc được hy vọng sẽ chảy như suối vào chính Kei cũng như quần vợt Nhật.
Kỳ cuối: Chỉ Nishikori là không đủ
“Chúng ta đã chờ sự xuất hiện của một tay vợt như Kei Nishikori quá lâu”, Hitoshi Ko – chủ biên tạp chí Smash Tennis ở Nhật nói trong vẻ vô cùng phấn khích.
Từng theo dõi hoạt động quần vợt Nhật trong nhiều năm, ông Ko hiểu rõ những gì đang xảy ra ở nước mình. Không thể nói là quần vợt Nhật luôn là “vùng đất trắng” vì khi quần vợt thế giới bước vào kỷ nguyên Open hồi năm 1968, quần vợt ở đất nước Mặt trời mọc đã sản sinh ra không ít tài năng tầm cỡ thế giới.
Nishikori đang được các thương hiệu lớn ở Nhật săn đón
Tại giải US Open 1973, Jun Kamiwazumi vào đến vòng 3 khiến người ta hy vọng nước này sẽ gượng dậy được sau nhiều năm bị ảnh hưởng của Thế chiến II rồi sau đó, cả nước phải tập trung mọi nỗ lực nhằm tái thiết đất nước.
Hy vọng vào Kamiwazumi không thành và người Nhật phải chờ thêm 20 năm nữa mới tìm được một tay vợt khiến cả nước hy vọng. Đó là Shuzo Matsuoka, người thường xuyên tham dự các giải Grand Slam trong những năm cuối thế kỷ 20.
Matsuoka chưa bao giờ qua khỏi vòng tứ kết khi dự các giải Grand Slam, nhưng sự hiện diện thường xuyên của anh có tác dụng tích cực là khiến thế giới biết là nước Nhật vẫn còn có người chơi quần vợt. Chính Kei Nishikori cũng phải thừa nhận điều đó, dù khi Matsuoka còn tung hoành trên các sân bóng Grand Slam thì Nishikori vẫn còn là đứa trẻ chưa biết gì về quả bóng và cây vợt.
“Matsuoka là tay vợt Nhật đầu tiên đáng được xem là thành công trên đấu trường quốc tế. Khi ông ấy còn thi đấu, tôi vẫn chưa biết gì, nhưng càng lớn lên tôi càng được nghe người ta nhắc nhiều về ông. Thậm chí, một trong những HLV đầu tiên của tôi luôn nhắc nhở tôi phải luôn xem ông là tấm gương để noi theo”. Nishikori nói.
Điều đó đã thật sự xảy ra. Matsuoka từng có lúc xếp hạng 46 thế giới, và cho đến trước khi Nishikori xuất hiện, đó vẫn là thứ hạng cao nhất của một tay vợt Nhật. Do vậy, ngay lần đầu tiên đến Học viện Bolettieri, Nishikori đã được đặt biệt danh “Dự án 46” nhằm nhắc anh luôn phấn đấu để vượt qua tay vợt đàn anh trên bảng xếp hạng thế giới.
Sau Matsuoka, người Nhật lại có thên một cái tên để mong chờ. Đó là Kimiko Date, người đã 3 lần vào đến bán kết tại hệ thống giải Grand Slam và từng vươn đến hạng 4 trên bảng xếp hạng trước khi “lấy chồng, bỏ cuộc chơi”.
Khi trở lại các giải đấu của WTA, điều mà Kimiko lý giải là “tôi quá nhớ không khí các sân bóng”, tay vợt này còn đoạt thêm một chức vô địch ở WTA Tour để trở thành tay vợt nữ nhiều tuổi nhất nằm trong Top 100 thế giới và để xứng đáng với danh hiệu này, cô đã vào đến tận trận bán kết đơn nữ ở giải US Open. Lúc đó chỉ còn hơn 3 tuần nữa là Kimiko mừng sinh nhật thứ 44 của mình.
Thành công của Matsuoka rồi Kimiko Date, bây giờ việc Nishikori vào đến trận chung kết một giải Grand Slam khiến nhiều người tin là quần vợt Nhật có thể sản sinh ra nhiều tay vợt tài năng nữa.
Tuy nhiên, Hitoshi Ko lại không nghĩ như thế. “Cấu trúc hoạt động hiện nay khó biến nước Nhật thành một cường quốc quần vợt. Đừng quên là từ khi mới 14 tuổi, Kei đã tập luyên và thi đấu ở Mỹ. Nếu anh ở Nhật từ đó đến giờ liệu chúng ta có được một tay vợt á quân Grand Slam không? Tôi không tin như thế”.
Ông Ko nói không sai. Cho đến nay, nước Nhật không có đủ VĐV trẻ cũng như không có lực lượng HLV đạt chuẩn để xây dựng một hệ thống đào tạo hiệu quả. Do vậy, biện pháp được xem là hiệu quả nhất và thích hợp nhất vào lúc này chính là đẩy mạnh việc đưa VĐV ra học tập ở các học viên uy tín ở nước ngoài.
Tiền bạc chưa bao giờ là trở ngại trong việc phát triển thể thao ở Nhật. Bây giờ thành công của Nishikori sẽ khiến các thương hiệu nổi tiếng ở Nhật mở rộng hầu bao hơn. Hiện nay, Nishikori đang là “cuc cưng” của nhiều thương hiệu quen thuộc ở Nhật, từ mì ăn liền, đến nước uống tăng lực hay hãng trang phục Uniqlo.
Thành công của Kei Nishikori đang tạo ra thời cơ nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức trước mắt quần vợt Nhật. Nắm bắt được thời cơ để đưa quần vợt Nhật vào một kỷ nguyên mới đang là thách thức lớn mà chỉ trông cậy vào lần có mặt ở chung kết US Open 2014 của Nishikori là không đủ.